"Đây là thành công đáng kinh ngạc cho cả đất nước chúng ta", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu hồi tháng một, đề cập đến thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết giữa Washington và Bắc Kinh hôm 15/1, sau gần hai năm chiến tranh thương mại.
Thỏa thuận này từng được coi là bước tiến tích cực cho quan hệ Mỹ - Trung kể từ khi thương chiến nổ ra năm 2018, kéo theo bầu không khí vô cùng căng thẳng giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Phát biểu tại một ủy ban hạ viện ngày 17/6, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho hay tính đến thời điểm đó, Trung Quốc vẫn đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận, thêm rằng hiện không thể tách rời hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, Trump một ngày sau viết trên Twitter rằng Mỹ "chắc chắn duy trì một lựa chọn chính sách" về việc "tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc".
Phản ứng của Tổng thống Mỹ xuất phát từ tình hình Covid-19, "biến số" ảnh hưởng đến toàn cầu trong năm nay. Dù khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nước này dần kiểm soát được đại dịch nhờ các biện pháp nghiêm ngặt, trong khi Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới, với số ca nhiễm và tử vong hiện nay lần lượt là hơn 15,8 triệu và gần 300.000.
"Tôi rất thất vọng về Trung Quốc. Lẽ ra họ không bao giờ được để dịch bệnh xảy ra. Tôi đã thực hiện một thỏa thuận thương mại tuyệt vời, nhưng bây giờ không cảm thấy như vậy nữa. Thỏa thuận vừa ráo mực thì dịch bệnh đã ập đến. Có nhiều thứ chúng tôi có thể làm để đáp trả. Chúng tôi có thể cắt hoàn toàn quan hệ với họ", Trump phát biểu trên kênh Fox hôm 14/5.
Chính quyền Trump nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch ban đầu và không cung cấp đầy đủ thông tin, thậm chí đe dọa trừng phạt và buộc nước này bồi thường những thiệt hại nặng nề vì Covid-19. Đáp lại, Bắc Kinh cáo buộc Washington đang chính trị hóa cuộc khủng hoảng nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi cách xử lý đại dịch yếu kém.
Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh triển vọng tái đắc cử ngày càng lung lay, do phản ứng trước Covid-19 và làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc làm mất lòng nhiều nhóm cử tri, Trump dường như đặt cược vào chiến lược cứng rắn với Trung Quốc, thể hiện qua việc gán cho nCoV tên gọi "virus Trung Quốc", cáo buộc đối thủ Joe Biden mềm mỏng trước Bắc Kinh, cùng một loạt động thái khiến căng thẳng giữa hai nước gia tăng.
Ví dụ điển hình là việc Mỹ hồi tháng 7 yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở thành phố Houston, bang Texas, cáo buộc cơ sở ngoại giao này liên quan tới hoạt động gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời yêu cầu đóng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đánh giá với động thái đóng cửa lãnh sự quán, "thật khó để tiếp tục nói rằng đây không phải một cuộc Chiến tranh Lạnh mới" giữa Washington và Bắc Kinh. Theo Natasha Kassam, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Lowy của Australia, đây là thời điểm "nhiều người tin rằng căng thẳng Mỹ - Trung không thể tồi tệ hơn được nữa".
Những động thái "ăn miếng trả miếng" xung quanh vấn đề Hong Kong cũng được đánh giá là một trong các yếu tố "đổ dầu" vào căng thẳng. Phản ứng trước việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh mới với Hong Kong từ ngày 30/6 bất chấp đe dọa trước đó từ Mỹ, Trump hôm 14/7 ký sắc lệnh tước những ưu đãi thương mại dành cho đặc khu và phê chuẩn Đạo luật Tự trị Hong, bởi đặc khu được đánh giá không còn đủ quyền tự trị theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ".
Đạo luật này cho phép Washington trừng phạt các quan chức và cảnh sát được cho là xâm phạm quyền tự trị của thành phố, cùng những ngân hàng thực hiện giao dịch quan trọng với họ. Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam nằm trong số 11 cá nhân bị Mỹ trừng phạt hồi tháng 8, quyết định mà giới chuyên gia đánh giá vô cùng nghiêm trọng, bởi Washington hiếm khi nhắm mục tiêu vào người đứng đầu chính quyền.
Cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh còn thể hiện rõ trong vấn đề Biển Đông, với tuyên bố hôm 13/7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực. Đây được coi là bước ngoặt chính sách lớn, có thể đặt nền móng về lý lẽ và động cơ cho khả năng triển khai quân sự trong tương lai của Washington.
"Chúng tôi đang củng cố chính sách của Mỹ đối với các tuyên bố hàng hải tại Biển Đông theo luật quốc tế, bác bỏ hành vi đe dọa, bắt nạt, cũng như những yêu sách kiểm soát hàng hải của Trung Quốc", Ngoại trưởng Pompeo đề cập đến tuyên bố trên Twitter.
Tuyên bố được đưa ra không lâu sau khi hai tàu sân bay Mỹ cùng tham gia diễn tập trên Biển Đông, trùng thời điểm Trung Quốc tổ chức tập trận phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Các tàu chiến, máy bay quân sự Mỹ năm nay cũng tăng cường hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Một ngày sau khi Mỹ ra tuyên bố, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, hai quốc gia không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.
Bề ngoài, đây dường như chỉ là những cuộc gọi ngoại giao thông thường, nhưng giới quan sát nhận định chúng cũng có thể nhằm "ngầm đáp trả" tuyên bố của Mỹ, gửi đi thông điệp rằng quan hệ của Trung Quốc với các nước trong khu vực không mong manh như Mỹ nhận định. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tổ chức các cuộc tập trận và tàu chiến nước này nhiều lần "chạm trán" tàu hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông.
Căng thẳng về an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc còn xoay quanh vấn đề Đài Loan. Washington bán vũ khí cho hòn đảo ngày càng nhiều với các hợp đồng mới được phê duyệt trong năm nay, thậm chí cử Bộ trưởng Y tế Alex Azar tới thăm hòn đảo hồi tháng 8, khiến ông trở thành quan chức Mỹ cấp cao nhất gặp lãnh đạo Đài Loan trong 4 thập kỷ.
Đến tháng 9, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach cũng tới thăm Đài Loan, động thái khiến Trung Quốc lập tức điều số lượng lớn tiêm kích, oanh tạc cơ rầm rộ tiến hành các cuộc diễn tập gần eo biển Đài Loan, dường như nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới hòn đảo và cả Mỹ.
Ngoài những xung đột trên, điểm đáng lưu ý khác trong căng thẳng Mỹ - Trung năm nay là cuộc chiến trên lĩnh vực công nghệ, nơi hai nước cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo, mạng 5G và các ứng dụng, những thứ được cho là sẽ xác định ai kiểm soát nền kinh tế trong tương lai.
Từ tháng 5/2019 đến nay, Mỹ đã đưa hơn 150 chi nhánh của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei vào "danh sách đen", đồng thời trừng phạt những công ty trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Trung Quốc như Megvii hay SenseTime. Trump hồi tháng 8 còn ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức tại Mỹ giao dịch với ByteDance và Tencent, chủ sở hữu TikTok và WeChat, hai ứng dụng hàng đầu do Trung Quốc phát triển.
Ngay cả sau khi thất bại trước Biden trong cuộc bầu cử tổng thống, Trump vẫn không ngừng "giáng đòn" lên Trung Quốc, như bổ sung thêm các công ty của nước này vào "danh sách đen", siết thị thực với các đảng viên Trung Quốc, hay gần đây nhất là dừng 5 chương trình giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Theo giới phân tích Trung Quốc, tất cả động thái dồn dập gần đây của chính quyền Trump là nỗ lực cuối cùng trong việc chia rẽ quan hệ hai nước, khiến Biden không còn nhiều lựa chọn và buộc phải tiếp nối chiến lược cứng rắn với Bắc Kinh sau khi tiếp quản quyền lực.
Mặc dù vậy, một số chiến lược gia Bắc Kinh đánh giá quan hệ Mỹ - Trung vẫn có cơ hội xoay chuyển để ngăn chặn một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới dưới thời Biden, lãnh đạo được cho là sẽ thực hiện những chính sách ổn định hơn dù coi Trung Quốc là đối thủ.
"Sự khác biệt lớn nhất giữa Trump và Biden là Biden cùng đội ngũ cố vấn của ông ấy hiểu rõ việc Mỹ - Trung đoạn tuyệt quan hệ là điều phi lý, đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Họ cũng hiểu rõ rằng hai nước không nên bắt đầu Chiến tranh Lạnh mới", Wang Dong, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận định.
Theo Wang Jisi, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc không có khả năng nhượng bộ những vấn đề như Tân Cương, Tây Tạng hoặc Hong Kong, nhưng có thể cải thiện quan điểm của Mỹ về mình bằng cách thúc đẩy nhiều chính sách cải cách kinh tế và hợp tác với chính quyền Biden về biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 7/12 cho biết "nhiệm vụ cấp bách nhất" hiện nay với Bắc Kinh và Washington là cùng nhau "loại bỏ tất cả rào cản , để đạt được một cuộc chuyển giao suôn sẻ trong mối quan hệ Trung - Mỹ". Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Biden cho biết mục tiêu của ông là khiến Bắc Kinh "hiểu rõ rằng có những quy tắc quốc tế họ phải tuân theo".
Ánh Ngọc (Theo SCMP, Reuters)