Sau 4 năm chịu tác động của thuế chống bán phá giá, các mức thuế quan và căng thẳng chính trị Mỹ - Trung dưới thời chính quyền Donald Trump, khoảng 50% dây chuyền sản xuất của tập đoàn Mỹ M Group được phân bố rải rác ở các nước Đông Nam Á và Đông Âu, thay vì tập trung toàn bộ ở Trung Quốc.
"Chúng tôi cuối cùng cũng đưa ra một giải pháp, nhờ lịch trình bay dày đặc của mình. Tôi và con trai cả của mình đã bay gần như khắp thế giới để tìm kiếm nguồn tài nguyên", H. David Murray, chủ tịch tập đoàn M Group của Mỹ, nói.
Đầu tiên, Tổng thống Trump áp thuế chống bán phá giá 341% đối với đá mặt bếp cẩm thạch do Trung Quốc sản xuất, sau đó là hàng loạt thuế đối với tủ gỗ, kệ phòng tắm, tủ bếp và vách đầu giường.
"Tất cả sản phẩm này đều hứng đòn từ các biện pháp chống bán phá giá, bởi môi trường chính trị ở Mỹ hiện giờ hoàn toàn thuận lợi cho điều đó", Murray nói.
Doanh nhân này nói ông muốn duy trì sản xuất ở Trung Quốc bởi không có nơi nào khác có thể cạnh tranh được về giá thành, tốc độ, quy mô và chất lượng sản xuất. Nhưng nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục sau bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11, ông có thể phải rời công xưởng của thế giới, dù ông nhiều khả năng không đưa dây chuyền sản xuất về Mỹ.
"Bang Bắc Carolina từng là nơi sản xuất rất nhiều đồ nội thất khách sạn, nhưng đó là chuyện của 20 năm trước. Nếu bây giờ bang này tài trợ cho chúng tôi 5 triệu USD để mở nhà máy, các công nhân có tay nghề mà chúng tôi muốn tìm đều đã 68-70 tuổi", Murray cho hay.
"Sau đó là vấn đề chuỗi cung ứng. Nếu tôi là người có sức cạnh tranh tốt nhất trong lĩnh vực này, cũng phải mất 3-5 năm để xây dựng chuỗi cung ứng, nhưng chi phí bỏ ra có thể cao gấp hai lần các nhà cung cấp của Việt Nam hay Trung Quốc", ông nói thêm.
Công ty của Murray chỉ là một trong rất nhiều doanh nghiệp chứng kiến nhiều thăng trầm trong 4 năm cầm quyền của Trump, khi ông cam kết cứng rắn với Trung Quốc và đưa các công ty Mỹ về nước. Khi ứng viên Dân chủ Joe Biden cũng theo đuổi chính sách tương tự với Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp cho rằng thời gian tới sẽ rất hỗn loạn, bất kể ai chiến thắng trong cuộc bầu cử.
"Nếu không vì các đòn áp thuế, tôi giờ chắc vẫn ở Trung Quốc", Larry Sloven, người từng dành nhiều năm lên kế hoạch chuyển công ty sản xuất bóng đèn LED Capstone International từ Trung Quốc sang Thái Lan, cho hay.
Dây chuyền sản xuất đã được di dời ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. "Đó không phải con đường dễ dàng và thách thức lớn nhất là chuỗi cung ứng. Tất cả linh kiện, pin, chip, điện trở, dây cáp đều được sản xuất ở Trung Quốc. Giá thành đã cao hơn ở Thái Lan và giờ chúng tôi còn phải vận chuyển các kiện hàng tới Mỹ", Sloven nói.
Sloven thêm rằng các công ty không rời đi sẽ bị mắc kẹt ở Trung Quốc, bởi dù ai trở thành tổng thống Mỹ sắp tới, các đòn áp thuế sẽ không được dỡ bỏ. "Trump đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của rất nhiều người. Ông ấy đã thay đổi toàn bộ ngành sản xuất", ông nói.
Đối với các doanh nhân, Trung Quốc là địa điểm sản xuất hấp dẫn với cơ sở hạ tầng tốt, chuỗi cung ứng ổn định và lực lượng lao động có tay nghề. Khảo sát gần đây của Văn phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải cho thấy bất chấp áp lực từ Trump, 92,1% thành viên của họ không có kế hoạch rời Trung Quốc.
"Trung Quốc là nơi kinh doanh dễ dàng nhất trên thế giới, với thị trường bán lẻ lớn, bạn có thể có bất kỳ điều gì cần cho chuỗi cung ứng, từ linh kiện cho đến nguyên liệu thô. Tất cả đều có thể dễ dàng tìm thấy ở đây", Murray nói.
Bên cạnh áp lực từ Trump, nhiều doanh nghiệp Mỹ cho biết quyết định di dời dây chuyền sản xuất của họ đôi khi còn phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Khảo sát của công ty nghiên cứu Pew hồi tháng 9 chỉ ra 78% người Mỹ giờ không có thiện cảm với Trung Quốc, mức cao nhất trong 15 năm qua.
"Ngoài các sản phẩm điện và điện tử, khách hàng giờ có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm sản xuất ngoài Trung Quốc", Hiten Shah, chủ tịch công ty tìm kiếm nguồn cung ứng MES Inc., cho hay. "Năm ngoái họ lo lắng về thuế quan, nhưng giờ họ lo ngại khả năng xung đột quân sự và mối quan hệ xấu đi nhanh chóng giữa hai nước".
Một năm trước, Kent International là một trong nhiều công ty cân nhắc rời Trung Quốc. Công ty sản xuất xe đạp, chủ yếu bán ở các hãng bán lẻ Mỹ như Walmart, đã bị tổn hại nhiều do thuế quan vì căng thẳng thương mại và đối tác sản xuất Trung Quốc của họ đã đầu tư 10 triệu USD vào một địa điểm sản xuất lớn ở Campuchia.
Kế hoạch di dời tới Campuchia thất bại, nhưng công ty đã được "quăng phao cứu sinh" ngay trước khi đại dịch xảy ra, với nhiều sản phẩm của họ được miễn thuế, theo CEO Arnold Kamler.
Đối tác của Kent International là Shanghai General Sports, doanh nghiệp gia đình do Ge Lei quản lý. Ge Lei cho biết ông đã từ bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy ở Campuchia để chuyển sang một nhà máy khác ở Malaysia. Nhà máy này có khả năng sản xuất 600.000 xe đạp mỗi năm và có chính sách bảo hiểm để tránh ảnh hưởng của các loại thuế quan tương lai.
"Nhìn chung tôi không nghĩ việc Trump đắc cử thêm 4 năm sẽ tốt cho hoạt động kinh doanh của mình bởi chính sách của ông ấy rất thất thường. Đối với các nhà máy như của chúng tôi, các chính sách xấu như thuế quan không phải vấn đề bởi chúng tôi có thể chuyển sản xuất sang quốc gia khác. Nhưng chính sách của Trump nay thế này mai thế khác, có thể khiến các khoản đầu tư của chúng tôi lao dốc", Ge nói.
Dù tránh được tác động tồi tệ nhất của thuế quan nhập khẩu trực tiếp và doanh thu xe đạp đã tăng lên, Kamler vẫn phải chịu nhiều ảnh hưởng từ chính sách bất thường của Trump. Ông đã dự định chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất về Nam Carolina, nhưng gặp khó khăn về chi phí và tìm kiếm nguồn cung ứng.
"Nếu chúng tôi có thể có thực lực đủ tốt, chúng tôi có thể nghiêm túc xem xét bắt đầu xây dựng dây chuyền sản xuất từ đầu ở Mỹ", Kamler nói. "Nhưng tôi cần sự chắc chắn. Tôi không quan tâm thuế quan là 0 hay 50%. Để có thể xây dựng chiến lược kinh doanh, chúng tôi cần một số yếu tố chắc chắn, nhưng hoàn toàn không có gì chắc chắn dưới thời Trump".
Thanh Tâm (Theo SCMP)