Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1 tới nay, Tổng thống Mỹ thứ 46 Joe Biden đã ban hành số sắc lệnh hành pháp trong tuần đầu nhiệm kỳ nhiều hơn bất cứ người tiền nhiệm nào. Truyền thông Mỹ cho biết 37 sắc lệnh hành pháp chưa phải là con số cuối cùng và thực tế có thể cao hơn.
Sắc lệnh hành pháp là một phần trong quyền lực to lớn của Tổng thống Mỹ, được người đứng đầu Nhà Trắng ban hành để nhanh chóng thực thi các chính sách mà không phải thông qua quốc hội. Sắc lệnh hành pháp mang tính ràng buộc về pháp lý, nhưng cũng dễ dàng bị tổng thống kế nhiệm đảo ngược.
Biden hôm 26/1 đã ký 4 sắc lệnh tập trung vấn đề bình đẳng sắc tộc. Sắc lệnh đầu tiên chỉ đạo Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị Mỹ giải quyết vấn đề phân biệt đối xử về nhà ở. Sắc lệnh thứ hai hướng dẫn Bộ Tư pháp không gia hạn hợp đồng liên bang với các nhà tù tư nhân.
Sắc lệnh thứ ba yêu cầu chính phủ liên bang phối hợp cùng với các chính quyền bộ lạc, trong khi sắc lệnh thứ tư lên án những thành kiến chống người châu Á, ngày càng tăng mạnh kể khi Covid-19 bùng phát.
Biden cũng ký 10 sắc lệnh liên quan tới việc áp dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) và khởi động kế hoạch chống Covid-19. Tân Tổng thống còn ký 15 sắc lệnh giải quyết những khác biệt chính sách giữa ông và người tiền nhiệm.
Trong 15 sắc lệnh đó, Biden đã dừng quá trình xây dựng tường biên giới phía nam và bỏ lệnh cấm đi lại từ các quốc gia Hồi giáo. Đây là hai đề xuất nổi bật trong chiến dịch của cựu tổng thống Donald Trump.
Tân Tổng thống Mỹ cũng ký sắc lệnh tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới sau khi người tiền nhiệm Trump tuyên bố rút khỏi. Các sắc lệnh khác trong tuần đầu tại vị của Biden gồm hoãn trục xuất người nhập cư, hoãn thanh toán khoản vay cho sinh viên hay tăng cường chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Phát ngôn viên của chính quyền Biden hiện chưa bình luận về số sắc lệnh được ban bố kỷ lục trong tuần đầu tại vị của ông.
Trong những giờ đầu tiên sau khi nhậm chức hồi tháng 1/2017, cựu tổng thống Trump chỉ ký một sắc lệnh duy nhất tập trung vào việc "giảm thiểu gánh nặng kinh tế" của Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA), hay còn được gọi là Obamacare.
Ngọc Ánh (Theo New York Post)