Thưa Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts, Phó tổng thống Harris, Chủ tịch Quốc hội Pelosi, Lãnh đạo Schumer, Lãnh đạo McConnell, Phó tổng thống Pence. Thưa các vị khách quý, cũng những đồng bào Mỹ của tôi.
Đây là ngày của nước Mỹ. Đây là ngày của dân chủ. Ngày của lịch sử và hy vọng, của đổi mới và quyết tâm. Trải qua lò lửa thử thách của thời đại, nước Mỹ đã được thử thách và nước Mỹ đã vượt qua. Hôm nay chúng ta không ăn mừng chiến thắng của một ứng viên mà là của một lý tưởng, lý tưởng dân chủ. Người dân, ý chí của nhân dân, đã được lắng nghe và đã được thực hiện.
Chúng ta một lần nữa học được rằng nền dân chủ rất quý giá nhưng cũng rất mong manh và vào thời điểm này, dân chủ đã chiến thắng. Vì vậy, ở trên vùng đất linh thiêng này, nơi mà chỉ cách đây vài ngày bạo lực đã tìm cách làm rung chuyển nền tảng của Đồi Capitol, chúng ta cùng đoàn kết như một quốc gia dưới Chúa, không thể chia rẽ, để thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình như đã làm suốt hơn 200 năm qua.
Khi chúng ta nhìn về phía trước theo cách độc đáo của Mỹ, không ngừng nghỉ, quyết liệt, lạc quan và đặt mục tiêu về một quốc gia mà chúng ta có thể và phải hướng tới, tôi cảm ơn những người tiền nhiệm ở cả hai đảng. Tôi cảm ơn họ từ tận đáy lòng. Tôi biết sự bền bỉ của Hiến pháp Mỹ cũng như sức mạnh, sức mạnh của đất nước chúng ta, cũng như Tổng thống Carter, người tôi nói chuyện tối qua và không thể đến đây, nhưng chúng ta cảm ơn vì cuộc đời phụng sự của ông ấy.
Tôi vừa đọc lời tuyên thệ mà những người yêu nước đó từng đọc. Lời tuyên thệ được đọc lần đầu bởi George Washington. Nhưng câu chuyện của Mỹ không chỉ phụ thuộc vào từng người hoặc nhiều người trong số chúng ta, mà phụ thuộc vào tất cả chúng ta. Đây là một quốc gia vĩ đại, chúng ta là người tốt. Trong suốt hàng thế kỷ, chúng ta đã vượt qua nhiều bão tố và xung đột trong thời bình và thời chiến. Nhưng chúng ta vẫn còn chặng đường dài phía trước.
Chúng ta sẽ không ngừng tiến lên phía trước với tốc độ và sự cấp thiết vì vẫn còn nhiều điều phải thực hiện trong mùa đông hiểm họa này. Vẫn còn nhiều việc phải làm, khôi phục, hàn gắn, nhiều điều phải xây dựng và nhiều điều phải đạt được. Rất ít thời điểm trong lịch sử, nước ta từng bị thách thức hoặc gặp khó khăn hơn với mức hiện nay của chúng ta. Một loại virus trăm năm có một đang âm thầm rình rập đất nước, cướp đi số mạng người trong một năm bằng cả số người Mỹ chết trong Thế chiến II.
Hàng triệu việc làm đã mất. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa. Lời kêu gọi công bằng chủng tộc, một số đã có lịch sử 400 năm, đã thúc đẩy chúng ta. Giấc mơ về công bằng cho tất cả sẽ không trì hoãn nữa. Lời cầu cứu đến từ chính hành tinh này, điều đang trở nên không thể khẩn thiết hay rõ ràng hơn nữa. Sự trỗi dậy của cực đoan chính trị, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, khủng bố nội địa, là những thứ mà chúng ta phải đối mặt và đánh bại.
Để vượt qua những thách thức đó, để khôi phục linh hồn và bảo đảm tương lai của nước Mỹ, cần nhiều hơn lời nói. Nó cần thứ khó nắm bắt nhất trong một nền dân chủ, đó là sự đoàn kết. Trong một ngày tháng 1/1863, Abraham Lincoln đã ký Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ. Khi đặt bút lên giấy, ông đã nói "nếu tên tuổi tôi đi vào lịch sử, nó sẽ nhờ hành động này và toàn bộ tâm hồn tôi đều trong đó".
Toàn bộ linh hồn tôi cũng ở trong ngày hôm nay, ngày tháng 1 này. Toàn bộ linh hồn tôi ở trong đó. Đưa nước Mỹ xích lại với nhau, đoàn kết người dân và quốc gia. Tôi kêu gọi toàn bộ người dân Mỹ tham gia vào lý tưởng này. Đoàn kết để chống lại những kẻ thù chúng ta đang đối mặt như sự giận dữ, tiếc nuối và căm ghét. Chủ nghĩa cực đoan, vô luật pháp, bạo lực, bệnh tật, thất nghiệp và vô vọng.
Với sự đoàn kết, chúng ta có thể làm những điều quan trọng và vĩ đại. Chúng ta có thể sửa chữa sai lầm, để người dân làm những công việc tốt đẹp, dạy dỗ trẻ em trong những ngôi trường an toàn. Chúng ta có thể vượt qua virus chết người, tái xây dựng việc làm, tái xây dựng tầng lớp trung lưu và bảo đảm công việc, chúng ta có thể bảo đảm công bằng chủng tộc và một lần nữa biến Mỹ trở thành lực lượng dẫn đầu những điều tốt đẹp trên thế giới.
Tôi biết rằng nói về sự đoàn kết có vẻ là ảo mộng ngu ngốc vào thời điểm nay. Tôi biết những thế lực chia rẽ chúng ta là thâm căn cố đế và có thực. Nhưng tôi cũng biết chúng không mới mẻ. Lịch sử của chúng ta luôn là cuộc đấu tranh không nghỉ giữa lý tưởng của Mỹ, rằng chúng ta sinh ra bình đẳng, với thực tế xấu xí phũ phàng rằng phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài ngoại và nỗi sợ đã chia rẽ chúng ta. Cuộc chiến đã kéo dài rất lâu và chiến thắng chưa bao giờ được bảo đảm.
Qua cuộc nội chiến, Đại suy thoái, Thế chiến, vụ khủng bố 9/11, qua đấu tranh, hy sinh và thất bại, những thiên thần tốt đẹp của chúng ta luôn chiến thắng. Trong mỗi khoảnh khắc luôn có đủ người đoàn kết để đưa chúng ta tiến lên và chúng ta có thể làm điều đó ngay lúc này. Lịch sử, đức tin và lý lẽ cho thấy con đường, con đường của sự đoàn kết.
Chúng ta có thể coi nhau không phải đối thủ mà là hàng xóm của nhau. Chúng ta có thể đối xử với nhau bằng phẩm giá và sự tôn trọng. Chúng ta có thể hợp lực, ngừng la hét và hạ nhiệt tình hình. Nếu không có đoàn kết, sẽ không có hòa bình, chỉ còn cay đắng và giận giữ. Không có tiến bộ, chỉ còn phẫn nộ và kiệt quệ. Không có quốc gia, chỉ còn tình trạng hỗn loạn. Đây là thời khắc lịch sử của khủng hoảng và thách thức. Đoàn kết là con đường phía trước. Chúng ta phải bắt kịp thời đại với tư cách là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Nếu chúng ta làm được điều đó, tôi đảm bảo chúng ta sẽ không thất bại. Chúng ta chưa từng thất bại tại Mỹ khi hành động cùng nhau. Vì thế hôm nay, vào lúc này, ở nơi này, chúng ta hãy bắt đầu lại. Hãy lắng nghe nhau, thấu hiểu nhau, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Chính trị không nhất thiết phải là ngọn lửa cuồng nộ phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó. Mọi bất đồng không nhất thiết phải là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh tổng lực và chúng ta phải từ chối thứ văn hóa trong đó các sự kiện bị thao túng và thậm chí là bịa đặt.
Hỡi đồng bào Mỹ của tôi, chúng ta phải khác hơn thế này. Chúng ta phải tốt hơn thế này và tôi tin rằng nước Mỹ còn tốt hơn thế này rất nhiều. Chỉ cần nhìn xung quanh. Chúng ta đang đứng dưới bóng mái vòm tòa nhà Quốc hội Mỹ. Như đã nhắc tới trước đó, công trình này được hoàn thành trong bóng đêm của Nội chiến Mỹ, khi liên minh đang trong thế ngàn cân treo sợi tóc. Chúng ta đã chống chọi và chiến thắng. Chúng ta đang đứng đây, nhìn ra công viên Quảng trường Quốc gia, nơi tiến sĩ King nói về ước mơ của ông.
Tại nơi chúng ta đang đứng, trong lễ nhậm chức khác cách đây 108 năm, hàng nghìn người biểu tình cố gắng chặn những phụ nữ dũng cảm tuần hành đòi quyền bầu cử. Hôm nay, chúng ta đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một phụ nữ tuyên thệ nhậm chức Phó tổng thống, Kamala Harris. Đừng nói với tôi rằng mọi thứ không thể thay đổi. Tại nơi chúng ta đang đứng, những anh hùng đã cống hiến trọn đời đang yên nghỉ trong bình yên vĩnh cửu.
Chúng ta đang đứng tại nơi chỉ vài ngày trước một đám đông bạo loạn nghĩ rằng họ có thể dùng vũ lực để bắt ý chí của nhân dân phải câm lặng, ngăn chặn công việc của nền dân chủ của chúng ta, để trục xuất chúng ta khỏi mảnh đất thiêng liêng này. Điều đó không xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra, không phải hôm nay, không phải ngày mai mà là không bao giờ.
Đối với những ai ủng hộ chiến dịch của chúng tôi, tôi cảm thấy rất nhỏ bé trước niềm tin mà các bạn đặt vào chúng tôi. Đối với những ai không ủng hộ chúng tôi, hãy để tôi nói điều này. Hãy lắng nghe tôi khi chúng ta tiến lên phía trước.
Nếu bạn vẫn không đồng ý, hãy cứ như vậy. Đó là dân chủ, đó là nước Mỹ. Quyền bất đồng chính kiến một cách ôn hòa trong hàng rào bảo vệ nền dân chủ của chúng ta có lẽ là sức mạnh lớn nhất của đất nước này. Hãy nghe rõ lời tôi, bất đồng không được dẫn đến bất hòa. Tôi cam kết điều này với các bạn, tôi sẽ là tổng thống của tất cả người dân Mỹ. Tôi hứa với các bạn sẽ đấu tranh hết mình cho những người không ủng hộ tôi lẫn những ai đã làm như vậy
Nhiều thế kỷ trước, St. Augustine, vị thánh tại nhà thờ của tôi, đã viết rằng một dân tộc được xác định bởi những người cùng yêu những điều gì đó. Người Mỹ chúng ta cùng yêu điều gì? Những điều xác định chúng ta là người Mỹ là gì? Tôi nghĩ rằng chúng ta đều biết. Cơ hội, an ninh, tự do, nhân phẩm, tôn trọng, danh dự và sự thật.
Những tháng và tuần gần đây dạy cho chúng ta bài học đau đớn. Sự thật và dối lừa cùng tồn tại. Dối lừa vì quyền lực và lợi ích. Mỗi chúng ta đều có bổn phận và trách nhiệm với tư cách là công dân nước Mỹ, đặc biệt với tư cách lãnh đạo. Các lãnh đạo cam kết tôn trọng Hiến pháp của chúng ta để bảo vệ đất nước của mình, bảo vệ sự thật và đánh bại dối trá.
Nhìn mà xem, tôi hiểu rằng nhiều người dân Mỹ của tôi đang nghĩ về tương lai với nỗi sợ hãi. Tôi hiểu họ lo lắng cho công việc của mình. Tôi hiểu mỗi đêm họ vẫn đặt lưng lên giường, trằn trọc nhìn trần nhà và tự hỏi: "Liệu mình có thể chăm sóc sức khỏe bản thân? Liệu mình có xoay sở đủ các khoản nợ hay không?".
Tôi đảm bảo tôi hiểu mọi điều đó. Nhưng hướng giải quyết của chúng ta không phải là thu hẹp lòng mình lại, đứng về phía bất hòa, hoài nghi những người khác mình hay không cùng tín ngưỡng.
Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến thô lỗ này, cuộc chiến giữa đỏ với xanh, nông thôn với thành thị, bảo thủ với tự do. Chúng ta có thể làm được điều này nếu chịu mở lòng mình thay vì giữ trái tim sắt đá, nếu chịu khoan dung, khiêm tốn và sẵn sàng đặt mình vào vị trí của người khác, dù chỉ trong giây lát.
Cuộc sống là như vậy. Không ai biết được số phận mình sẽ ra sao. Có những ngày bạn sẽ cần giúp đỡ và cũng có khi chúng tôi được kêu gọi giúp một tay. Đó là cách vận hành, cách chúng ta có thể làm cho nhau. Nếu chúng ta thực hiện được điều đó, đất nước sẽ hùng mạnh hơn, thịnh vượng hơn và sẵn sàng tiến tới tương lai hơn.
Hỡi đồng bào Mỹ của tôi, trong công việc phía trước, chúng ta sẽ cần có nhau. Chúng ta cần dốc sức để kiên trì vượt qua mùa đông đen tối này. Chúng ta đang bước vào thời kỳ có thể là đen tối và chết chóc nhất của virus. Chúng ta phải gạt chính trị sang một bên và đối phó với đại dịch này với tư cách là một quốc gia, một dân tộc. Tôi xin đảm bảo điều này, như Kinh Thánh nói "Nỗi đau chịu đựng trong đêm, niềm vui sẽ đến vào buổi sớm". Chúng ta sẽ vượt qua điều này, cùng nhau.
Gửi tới các cộng sự trong Hạ viện và Thượng viện, chúng ta đều hiểu cả thế giới đang dõi theo, dõi theo chúng ta ngày hôm nay. Vì vậy, đây là thông điệp tôi gửi tới bên ngoài biên giới. Nước Mỹ đã trải qua thử thách và chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng tôi sẽ hàn gắn các liên minh và một lần nữa hòa nhịp với thế giới. Không phải chỉ để khắc phục thách thức hôm qua mà để vượt qua cả thách thức hôm nay và mai sau. Chúng ta sẽ dẫn dầu, không chỉ nhờ tấm gương về sức mạnh, mà còn nhờ sức mạnh của làm gương.
Những đồng bào Mỹ đã nằm xuống, họ là những người cha, người mẹ, người con, người bạn, người hàng xóm và đồng nghiệp. Chúng ta sẽ tưởng nhớ họ và trở thành những con người, đất nước mà chúng ta có thể và nên trở thành. Tôi muốn đề nghị mọi người dành lời cầu nguyện cho những người đã nằm xuống, cho những người bị bỏ lại phía sau và cho đất nước của chúng ta. Amen.
Hỡi mọi người, đây là khoảng thời gian thử thách. Chúng ta phải đối mặt với một cuộc tấn công vào nền dân chủ, với một loại virus đang hoành hành, với nạn bất bình đẳng nhức nhối, phân biệt chủng tộc có hệ thống, khủng hoảng khí hậu và vai trò của Mỹ trên trường quốc tế. Bất kỳ điều gì trong số này cũng đủ để thách thức chúng ta, nhưng thực tế là ta phải đối mặt với tất cả chúng cùng một lúc. Giờ đây chúng ta sẽ trải qua thách thức. Chúng ta sẽ tiến lên chứ?
Đã đến lúc phải táo bạo vì có rất nhiều việc phải làm. Đó là điều chắc chắn, tôi hứa với các bạn. Chúng ta, các bạn và tôi, sẽ được đánh giá dựa trên cách giải quyết những cuộc khủng hoảng chồng chất của thời đại chúng ta. Chúng ta sẽ vượt qua hoàn cảnh. Liệu chúng ta có làm chủ được giờ phút hiếm hoi và khó khăn này? Liệu chúng ta có thực hiện các nghĩa vụ của mình và truyền lại cho con cháu một thế giới mới và tốt đẹp hơn hay không? Tôi tin chúng ta phải làm vậy và tôi chắc rằng các bạn cũng nghĩ vậy. Tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được. Và bằng cách đó, chúng ta sẽ viết tiếp một chương tuyệt vời trong lịch sử Mỹ. Câu chuyện của người Mỹ.
Một câu chuyện nghe giống như một bài hát có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, nó có tên là Quốc khánh Mỹ. Có một đoạn tôi cảm thấy rất ấn tượng:
"Nỗ lực làm việc và lời cầu nguyện của nhiều thế kỷ đã mang chúng ta đến ngày nay, đó sẽ là di sản của chúng ta, con cái chúng ta sau này sẽ nói gì?
Nước Mỹ, nước Mỹ, khi thời của tôi đã qua, hãy nói với tôi rằng tôi đã cống hiến hết sức mình cho đất nước".
Chúng ta hãy thêm nỗ lực làm việc và lời cầu nguyện của chính mình vào câu chuyện đang diễn ra của đất nước vĩ đại của chúng ta. Nếu làm vậy thì khi thời của chúng ta đã qua, con cháu sẽ nói về chúng ta rằng: "Họ đã cống hiến hết sức mình, họ đã làm đúng bổn phận của họ, họ đã hàn gắn một miền đất tan vỡ".
Hỡi đồng bào Mỹ của tôi ơi, tôi sẽ khép lại ngày hôm nay giống như cách tôi đã bắt đầu, bằng một lời tuyên thệ thiêng liêng. Trước Chúa và tất cả các bạn, tôi cam kết giữ lời. Tôi sẽ luôn luôn trung thực với các bạn. Tôi sẽ bảo vệ Hiến pháp, sẽ bảo vệ nền dân chủ của chúng ta. Tôi sẽ bảo vệ nước Mỹ và tôi sẽ cống hiến tất cả cho các bạn. Tôi sẽ không nghĩ về quyền lực mà về các khả năng, không vì lợi ích cá nhân mà vì lợi ích chung.
Cùng nhau, chúng ta sẽ viết nên một câu chuyện của người Mỹ về hy vọng chứ không phải sợ hãi, của sự đoàn kết chứ không phải chia rẽ, của ánh sáng chứ không phải bóng tối. Một câu chuyện về sự đàng hoàng và phẩm giá, tình yêu và sự hàn gắn, vĩ đại và tốt đẹp. Hãy để câu chuyện dẫn dắt, truyền cảm hứng cho chúng ta. Và chúng ta có thể kể cho đời sau rằng chúng ta đã trả lời tiếng gọi của lịch sử, đã gặp đúng thời điểm. Dân chủ và hy vọng, sự thật và công lý không chết trước mắt chúng ta mà còn phát triển mạnh mẽ.
Và chúng ta còn kể câu chuyện rằng Mỹ đã bảo đảm tự do ở trong nước và một lần nữa đứng vững như ngọn hải đăng của thế giới. Đó là những gì chúng ta nợ những người đi trước, nợ lẫn nhau và các thế hệ tiếp theo. Vì vậy, với ý chí và quyết tâm, chúng ta hướng tới những nhiệm vụ của thời đại chúng ta, được duy trì và thúc đẩy bởi niềm tin và cống hiến cho nhau và với đất nước chúng ta yêu bằng cả trái tim. Cầu Chúa phù hộ cho nước Mỹ và Chúa bảo vệ quân đội của chúng ta.
Xin cám ơn, nước Mỹ.
Nguyễn Ngọc Vũ