Joe Biden vừa kết thúc chuyến công du đầu tiên của ông tới châu Âu kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ. Trong chuyến thăm 8 ngày, Biden đã gặp các lãnh đạo nhóm G7 ở Cornwall, sau đó dự hội nghị thượng đỉnh NATO và hội đàm với các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels.
Giới quan sát châu Âu nhận định chuyến thăm của Biden đã để lại nhiều ấn tượng với những người ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương.
David O'Sullivan, cựu đại sứ EU tại Mỹ giai đoạn 2014-2019, nhận xét chuyến công du của Biden cho thấy châu Âu đã trở lại trung tâm chính sách toàn cầu của Mỹ. Tổng thống Biden đã tái khẳng định sự ủng hộ truyền thống của Mỹ đối với EU, xem đây là đối tác quan trọng trong các vấn đề toàn cầu.
Tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU ngày 15/6 đưa ra hàng loạt hành động chung, từ ứng phó với Covid-19, chống biến đổi khí hậu cho tới tăng cường hợp tác về thương mại, đầu tư và công nghệ. Ngoài ra, hai bên còn đưa ra cam kết vững chắc về bảo vệ dân chủ và nhân quyền.
Cựu đại sứ O'Sullivan thêm rằng Mỹ và EU còn đạt thỏa thuận đột phá về việc hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, điều từng là "chủ đề cấm kỵ". Việc Tổng thống Biden tái khẳng định ủng hộ của Mỹ với NATO, đặc biệt là Điều 5 của hiệp ước chung, trong đó thành viên cam kết bảo vệ nhau trước các cuộc tấn công, cho thấy Mỹ đã trở lại vai trò lãnh đạo quan trọng và sự trấn an lớn đối với an ninh châu Âu.
"Toàn bộ chuyến thăm châu Âu của ông ấy được thiết kế để cho thấy cam kết mạnh mẽ đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, giá trị mà ông đặt lên các đồng minh và liên minh như NATO, G7 và EU, cũng như cam kết chân thành đối với chủ nghĩa đa phương", O'Sullivan viết.
Cựu đại sứ EU thêm rằng điều này hoàn toàn trái ngược với tổng thống Donald Trump, và thậm chí cho thấy sự gắn kết mạnh mẽ hơn so với tổng thống Barack Obama.
Alexandra de Hoop Scheffer, người đứng đầu Quỹ Marshall Đức ở Paris và là cựu cố vấn ngoại giao Pháp về Mỹ, cho rằng người châu Âu đã thấy lời tuyên bố "Mỹ trở lại" của Tổng thống Biden thực sự có ý nghĩa. Biden cũng cho thấy vai trò lãnh đạo của Mỹ vẫn có "sức mạnh vô song" trong việc tập hợp đối tác về các vấn đề quan tâm chung, gồm Covid-19, biến đổi khí hậu và Trung Quốc.
"Ông ấy đã mang lại những kết quả rất cụ thể mà những người tiền nhiệm không làm được. Về vấn đề Trung Quốc, cả NATO và EU đang thúc đẩy lập trường cũng như hành động chống lại Bắc Kinh dưới sự hối thúc từ Mỹ", Scheffer nói.
Scheffer cũng chỉ ra nhiều động thái mang tính xây dựng của Mỹ, khi Biden chấp thuận một số đề xuất của EU. Về vấn đề công nghệ và an ninh mạng, Biden đã đồng ý thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU - Mỹ, yêu cầu NATO đẩy mạnh chính sách đổi mới công nghệ và khả năng chống lại tấn công mạng. Ông chủ Nhà Trắng cũng chấp nhận đề xuất của EU về việc thiết lập đối thoại cấp cao EU - Mỹ về Nga.
Tổng thống Biden đã thổi làn gió mới, một tinh thần mới vào mối quan hệ giữa Mỹ, NATO và EU, theo Hans-Gert Pöttering, cựu chủ tịch Nghị viện châu Âu. Ông cho rằng chính trị đã được nâng lên một tầm mới dựa trên sự tin tưởng và tín nhiệm giữa các lãnh đạo.
"Bây giờ đã có một niềm tin mới vào chính trị Mỹ. Tổng thống Bien đã nói rõ rằng NATO được duy trì dựa trên những giá trị và mối quan hệ Mỹ - EU cũng như vậy. Thái độ này là điều quan trọng nhất bởi nó là cơ sở cho hành động chung", Pöttering nói.
Cựu chủ tịch Nghị viện châu Âu cho rằng những cam kết mới từ Mỹ đồng nghĩa an ninh châu Âu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng ông cũng cảnh báo châu Âu không nên phạm sai lầm.
"Họ không nên nghĩ rằng 'bây giờ mọi thứ đều ổn'. Người châu Âu nên tận dụng những năm nhiệm kỳ của Biden để khiến châu Âu nói chung và EU nói riêng trở nên mạnh mẽ hơn", ông cho hay.
Giới quan sát nhận định chuyến thăm của Biden và các động thái khác của ông kể từ khi nhậm chức đã cho thấy một tổng thống Mỹ hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm.
"Tổng thống Biden là bạn bè và đối tác đáng tin cậy của người châu Âu. Ông ấy cũng nhận thức rõ được tầm quan trọng của Liên minh châu Âu. Điều này hoàn toàn khác so với Trump", Pöttering chia sẻ.
Thanh Tâm (Theo BBC)