"Không có nội dung nào là không thể động đến", một quan chức Mỹ tiết lộ về cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ hôm nay. Giới quan sát cũng dự báo không khí căng thẳng bao trùm hội nghị và không kỳ vọng quá nhiều vào thành quả thực tế, khi nhiều vấn đề nóng sẽ được hai bên nêu ra.
Nhà Trắng đã chuẩn bị chi tiết một loạt nội dung sẽ được Tổng thống Joe Biden đưa ra để chất vấn người đồng cấp Nga Vladimir Putin, dù chúng sẽ không được đề cập trong bữa trưa giữa hai lãnh đạo để tạo không khí hòa dịu.
Điểm nóng đầu tiên trong cuộc thảo luận dài 4-5 tiếng là an ninh mạng. Washington thời gian qua nhiều lần cáo buộc các cá nhân và tổ chức tội phạm mạng có liên quan đến Nga tấn công nền tảng cơ sở hạ tầng Mỹ. Tuy nhiên, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) trên thực tế vẫn chưa công bố bằng chứng nào cho thấy mối liên quan trực tiếp của Nga trong vụ tấn công mạng nhắm vào công ty vận chuyển nhiên liệu Colonial Pipeline.
Tổng thống Putin từng kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời cho rằng cáo buộc Nga đứng sau những vụ tấn công mạng nhắm vào Mỹ là "tư duy ngớ ngẩn".
Trong khi đó, Biden không che giấu mong muốn nêu ra mối quan ngại này khi gặp Putin. Ông đã bóng gió mong muốn Moskva hợp tác chống tội phạm mạng trong tương lai.
Phản ứng từ phía Putin có phần tích cực, khi ông nhấn mạnh Moskva sẵn sàng bàn giao tội phạm mạng cho phía Mỹ xử lý, với điều kiện hai nước đạt thỏa thuận "có đi có lại" sòng phẳng trong vấn đề này, ám chỉ Mỹ phải chấp nhận giao nộp nghi phạm tấn công mạng nhắm vào Nga.
Cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ thông qua hoạt động tấn công mạng sẽ là phương diện khó dung hòa hơn. Dù vậy, Tổng thống Biden vẫn muốn đưa vấn đề này ra thảo luận, khác với thái độ né tránh của người tiền nhiệm Donald Trump. Moskva thời gian qua kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ và đề nghị Washington ký thỏa thuận không can thiệp công việc nội bộ của nhau trên không gian mạng.
Số phận nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny cũng có khả năng khiến đối thoại thượng đỉnh trở nên gay gắt. Tổng thống Mỹ từ đầu nhiệm kỳ đã tuyên bố chính phủ của ông sẽ ưu tiên thúc đẩy nhân quyền và dân chủ toàn cầu, không ngại cảnh báo các nước khi nảy sinh vấn đề gây quan ngại. Washington cũng chỉ trích cách Moskva bắt và xét xử Navalny, yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động đối lập này.
Tổng thống Biden từng phản ứng rất quyết liệt khi Navalny nghi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh. Chính phủ Mỹ nghi ngờ tình báo Nga đứng sau vụ ám sát và công bố hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào quan chức Nga hồi tháng 3.
Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News, Biden còn gọi Tổng thống Nga là "kẻ sát nhân", liên quan đến vụ Navalny. Cáo buộc này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phía Nga.
Vấn đề Navalny khiến quan hệ song phương Nga - Mỹ gia tăng căng thẳng nghiêm trọng. Phản ứng trước bình luận của Biden vào tháng 3, Tổng thống Putin đáp trả đầy ẩn ý ngay trong sự kiện kỷ niệm 7 năm Nga sáp nhập bán đảo Crimea. "Khi chúng ta quy chụp tính cách người khác hay quốc gia khác, thực chất là chúng ta đang tự nhìn vào gương", ông nói.
Điện Kremlin luôn nhấn mạnh chính trị Nga là vấn đề nội bộ và yêu cầu Washington không can thiệp. Giới chức an ninh quốc gia Nga cũng phủ nhận mọi mối liên hệ với nghi vấn Navalny bị đầu độc. Moskva lập luận họ không cần Washington giảng giải về nhân quyền khi bản thân Mỹ cũng tồn tại nhiều vấn đề nhân quyền dai dẳng.
Đối đầu địa chính trị Mỹ - Nga trong các vấn đề Ukraine hay Syria cũng có thể nổi lên trên bàn đàm phán giữa hai lãnh đạo.
Từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Mỹ rất quan tâm đầu tư vào quan hệ với Ukraine nhằm kìm hãm Nga trỗi dậy. Việc Moskva gia tăng hiện diện quân sự ở Crimea và sát biên giới Ukraine vào đầu năm 2021 khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây đặc biệt lo ngại.
Trong khi đó, Tổng thống Putin luôn xem Ukraine là "lằn ranh đỏ" trong quan hệ đối đầu giữa Nga với phương Tây và không chấp nhận việc NATO kết nạp Kiev làm thành viên. Ông luôn phủ nhận Nga trực tiếp can thiệp vào chiến sự ở miền đông Ukraine, cho rằng Kiev cần đối thoại trực tiếp với lực lượng ly khai nếu muốn đòi lại quyền kiểm soát lãnh thổ.
Syria, nơi Nga đang duy trì hai căn cứ chiến lược làm chỗ đứng tại Trung Đông, cũng nằm trong danh sách chủ đề thảo luận của Tổng thống Biden. Theo một quan chức Mỹ, Biden sẽ chất vấn Putin về việc Moskva không ủng hộ chương trình viện trợ Liên Hợp Quốc từ bên ngoài cho các cộng đồng thiểu số ở miền bắc Syria.
Mark Lowcock, lãnh đạo bộ phận viện trợ quốc tế của Liên Hợp Quốc, hồi tháng 5 mô tả nguồn viện trợ xuyên biên giới Syria là "mạch sống" của hơn ba triệu người tại phía bắc đất nước, nơi tập trung đông đảo cộng đồng người Kurd vốn bị chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad xem là phe ly khai.
Trong cuộc phỏng vấn với NBC gần đây, Tổng thống Putin lập luận phương Tây vẫn đang tìm cách không thừa nhận tính chính danh của chính phủ Syria. Ông cho rằng Liên Hợp Quốc đáng ra phải cung cấp viện trợ thông qua chính quyền trung ương tại Damascus, nhưng vẫn muốn đi đường vòng để tránh thừa nhận Tổng thống Bashar al-Assad.
Trung Nhân (Theo New York Times/Reuters/NPR)