Tại bãi biển lộng gió ở Cornwall, Anh hôm 11/6, các lãnh đạo thế giới tươi cười đứng trên bục chụp ảnh. Nếu họ không chào nhau bằng cách chạm cùi chỏ thay vì những cái bắt tay và ôm, cảnh khai mạc hội nghị thượng đỉnh G7 có thể bị nhầm với thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát và trước thời Donald Trump.
Các lãnh đạo đang làm hết sức có thể để báo hiệu rằng họ "đã sang trang mới". Mỹ và các quốc gia G7 cam kết tặng một tỷ liều vaccine cho các quốc gia nghèo hơn khi họ bắt đầu cuộc họp đầu tiên kể từ trước khi Covid-19 giết 3,7 triệu người và tàn phá nền kinh tế thế giới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đứng cạnh Thủ tướng Anh Boris Johnson để chụp ảnh trước khi các lãnh đạo trò chuyện bên lề về chính sách kinh tế. Biden nói chuyện hòa nhã với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, người sẽ gặp Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng vào tháng tới.
Các lãnh đạo đã tìm cách truyền đạt một khởi đầu mới theo những cách dễ thấy. Không ai đeo khẩu trang, vật dụng vốn rất phổ biến thời đại dịch. Macron đăng lên Twitter video ông đứng nói chuyện với Biden với khoảng cách rất gần. "Bây giờ chúng ta đã đồng hành cùng nhau, đoàn kết, quyết tâm tạo ra sự khác biệt, đã đến lúc thực hiện các cam kết. Tôi chắc chắn là chúng ta sẽ làm được, Joe Biden!", ông viết bằng tiếng Anh.
Biden cũng muốn thể hiện rằng mối quan hệ liên minh toàn cầu của Mỹ với các nước khác đã được khôi phục và họ đã sẵn sàng chứng tỏ năng lực của mình. "Tôi mong muốn củng cố cam kết của chúng tôi đối với chủ nghĩa đa phương và làm việc với các đồng minh, đối tác của chúng tôi để xây dựng một nền kinh tế toàn cầu công bằng và bao trùm hơn", ông đăng trên Twitter. "Hãy cùng bắt tay vào làm".
Cuộc họp kéo dài ba ngày, được một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu mô tả là "hội nghị thượng đỉnh vaccine", lần đầu tiên quy tụ các lãnh đạo Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản kể từ sau nhiệm kỳ 4 năm đầy biến động của Trump, người coi nhẹ việc ra quyết định tập thể của G7. Trump vốn có kế hoạch chủ trì hội nghị G7 thường niên vào năm ngoái trước khi nó bị hủy vì đại dịch.
Các phát biểu khai mạc và ảnh chụp tập thể dường như được tính toán để cho thấy rằng liên minh giờ không vướng vào những lùm xùm như trước đây, như cáo buộc giận dữ của Trump vào năm 2018 đối với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Trump nói rằng Trudeau "không trung thực" và "yếu kém" vì những bình luận của Thủ tướng Canada về thuế quan tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm đó.
Các nước giàu đã bị chỉ trích vì tích trữ vaccine trong khi các nước nghèo hơn lao đao với những làn sóng lây nhiễm mới. Tuyên bố ủng hộ vaccine hôm 11/6 của G7 nhằm phản bác quan điểm đó. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh cam kết của G7, nhưng cảnh báo rằng thế giới vẫn đang "trong cuộc chiến với Covid-19" và cho rằng khoản đóng góp vaccine là chưa đủ.
Biden là người dẫn đầu nỗ lực tài trợ khi thông báo hôm 10/6 rằng Mỹ sẽ mua 500 triệu liều Pfizer-BioNTech để tặng cho các nước khác, chiếm một nửa tổng cam kết của G7. Quan chức Nhà Trắng cũng cho biết chính quyền Biden sẽ giúp các hệ thống y tế toàn cầu, bao gồm các nước châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, phát triển kế hoạch và cơ sở hạ tầng cần thiết để đảm bảo vaccine đến được với người dân.
Cam kết ủng hộ vaccine thể hiện nỗ lực của Biden nhằm đưa Mỹ trở lại vai trò "anh cả" giải quyết vấn đề toàn cầu. Bằng cách dẫn đầu nỗ lực vaccine toàn thế giới, Biden tìm cách xoa dịu lo ngại về độ tin cậy và ổn định của Mỹ với tư cách là một đối tác và đồng minh toàn cầu - những lo ngại vốn âm ỉ từ lâu nhưng đã bùng lên dưới thời Trump.
"Điều Tổng thống Biden cần làm là thể hiện sự nhất quán, đáng tin cậy trong những lời hứa của Mỹ", Heather A. Conley, phó chủ tịch cấp cao phụ trách châu Âu, Á - Âu và Bắc Cực tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói.
Conley nhấn mạnh rằng các mối quan hệ liên minh của Mỹ "đã sứt mẻ trong một thời gian khá dài dưới thời các tổng thống Mỹ trước đây", và cho biết thách thức của Biden bây giờ là chứng minh một cách hữu hình cho các quốc gia khác thấy rằng Mỹ hiểu được lợi ích của việc hợp tác cùng nhau.
"Đó là điều phải chứng minh cho họ thấy", bà nói. "Họ sẽ không chấp nhận bất kỳ lời hứa suông nào. Cần phải có hành động chứng minh".
7 lãnh đạo hôm 11/6 thông qua mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%, chính thức hóa thỏa thuận các bộ trưởng tài chính G7 đạt được vào cuối tuần trước. Mức thuế này được trông đợi sẽ đảo ngược sự sụt giảm kéo dài 4 năm trong các khoản thuế mà các tập đoàn đa quốc gia lớn phải nộp. Thông báo này đánh dấu chiến thắng cho chính quyền Biden, vốn thúc đẩy việc áp mức thuế như vậy để giúp chi trả chương trình nghị sự trong nước đầy tham vọng của Tổng thống.
Hội nghị G7 là điểm dừng chân thứ nhất trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Biden trên cương vị tổng thống. Ông dự kiến tiếp tục tham dự các cuộc họp của NATO và EU vào tuần tới, tiếp theo là hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva.
James Carafano, phó chủ tịch phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại tại Heritage Foundation, mô tả chuyến đi của Biden là "được theo dõi nhiều nhưng đưa ra ít thông báo chính sách quan trọng".
"Các tổng thống thường thực hiện những chuyến công du nước ngoài khi họ đã ổn định chính quyền", Carafano nói. "Vai trò lãnh đạo của Mỹ là rất quan trọng đối với thế giới, mọi người đều biết vậy. Vì vậy, dường như không có điều gì đặc biệt đáng chú ý về nơi ông ấy sẽ đến".
Tuy nhiên, đôi khi việc đáng chú ý chỉ đơn giản là Biden đang thực hiện vai trò của một tổng thống Mỹ truyền thống trước thời Trump, trao đổi với những người đồng cấp và trấn an các đồng minh trong một chuyến đi được thiết kế để không gây ra rắc rối nào.
Trong nhiệm kỳ tổng thống, Trump hiếm khi tham gia các sự kiện như vậy mà không làm dậy sóng bằng những phát ngôn gây tranh cãi hoặc ít nhất là tìm cách nói chuyện với báo chí. Biden đã không làm cả hai điều này vào ngày 11/6.
"Tất cả mọi người xuống nước đi", ông nói đùa khi các phóng viên ảnh tụ tập bên bờ biển. Đó là một trong khoảng 4 câu mà phóng viên được nghe ông nói trong cả ngày.
Phương Vũ (Theo Washington Post)