Cũng như mọi năm, vào những ngày Tết đến xuân về, khu trung tâm phố thị quê tôi lại có một chợ hoa lớn, tấp nập, nhộn nhịp. Quê tôi có thể chưa giàu có lắm so với một số địa phương lân cận nhưng chợ hoa Tết thì lại to nhất vùng.
Điều này chắc một phần là do dân trí khá cao nên người dân có ý thức chăm lo nhiều đến đời sống tinh thần hơn. Chợ hoa Tết tươi vui, nhộn nhịp với muôn ngàn hoa lá khoe khắc, người người tấp nập vừa đi ngắm hoa thưởng ngoạn, vừa tìm cho mình những cây quất, cây đào... ưng ý.
Khung cảnh này chắc cũng giống như nhiều chợ hoa Tết của các vùng khác nên tôi không nói nhiều ở đây. Ở đây tôi muốn nói về chuyện của một anh xe ôm bất đắc dĩ ở chợ hoa Tết này.
Sở dĩ gọi anh là xe ôm bất đắc dĩ vì anh này dạy ở trường THPT của huyện nhà. Cứ đến dịp Tết là anh lại ra làm xe ôm chở đào, quất ở chợ hoa Tết. Nhiều người khen anh chịu khó, nhiều phụ huynh lấy anh làm gương để dạy con mình.
>> Người bán hoa 'đẩy giá cao rồi giảm ngày 30 Tết' không phải ích kỷ
Tuy vậy tôi lại không có cái nhìn tích cực lắm. Xe ôm cũng là công việc chân chính, cũng phải đổ mồ hôi, vất vả, cũng không xin xỏ của ai. Tôi cũng từng phải làm mọi việc như xe ôm, bốc vác, phụ hồ... nhưng không muốn cạnh tranh khách với những người đã làm lâu năm. Khi làm xe ôm chẳng hạn thì chưa bao giờ tôi lấy khách của những người xe ôm khác, hoặc là tôi có khách quen, hoặc là khi khách gọi trực tiếp thì tôi đi. Đó là lúc khó khăn nhất thời, khi chưa có kinh tế, tôi đành chấp nhận để kiếm sống qua ngày. Còn tôi nghĩ rằng, những người có kinh tế ổn định, có kiến thức thì không nên cạnh tranh công việc với lao động tay chân.
Tôi rất thích một bài viết về kiểu hợp tác "win - win, cùng thắng" đã được chia sẻ nhiều. Bài viết này viết đại ý: Ở một ngã tư nọ, nhận thấy có nhiều phương tiện qua lại mà chưa có cây xăng nên một doanh nhân đã mở một cây xăng. Thấy cây xăng này đông khách và nhiều khách muốn nghỉ ngơi thư giãn sau hành trình dài nên một doanh nhân khác mở một trạm dừng chân...
Cứ thế, cứ thế khu này dần dần trở lên sầm uất. Nghĩa là tất cả đã "win - win, cùng thắng". Điều đáng chú ý ở bài viết này là các doanh nhân khác đã không nghĩ là cây xăng kia đông khách rồi mở cây xăng khác.
>> Cuộc 'đấu trí' nơi chợ hoa Tết
Nếu họ cũng mở cây xăng nữa thì lượng khách hàng sẽ giảm, lợi nhuận sẽ không được cao, lúc đó họ và chủ cây xăng kia sẽ khó kiếm được lợi nhuận cao được. Họ đã mở hướng kinh doanh khác để cùng hợp tác với chủ cãy xăng kia kinh doanh để cùng tạo nên một hệ sinh thái mà ở đó tất cả cùng bổ trợ chứ không triệt hạ nhau, cùng nhau phát triển.
Quay lại chuyện anh thầy giáo - xe ôm bất đắc dĩ kia, tôi nghĩ nếu anh có điều kiện kinh tế tốt, có kiến thức thì nên kiếm tiền theo cách khác. Những người làm xe ôm, shipper họ không có điều kiện kinh tế tốt, cũng không có điều kiện kinh doanh thêm, cả năm có một dịp Tết để kiếm thêm. Nếu thêm một, hai người shipper thì tính cạnh tranh tăng cao. Như vậy, thu nhập của mỗi người shipper đều sẽ giảm xuống.
Tôi thấy những năm gần đây, shipper phát triển nên nhiều người thường lựa chọn để kiếm thêm thu nhập lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, điều đó vô tình hạn chế sự sáng tạo trong kinh doanh, tăng cạnh tranh trong ngành nghề lao động tay chân. Ai cũng muốn làm shipper ít ngày kiếm thêm, vừa nhàn, vừa đỡ phải nghĩ. Nhưng gian hàng thì không có thêm, nhu cầu không tăng thêm, shipper lại đông hơn thì cạnh tranh, giảm thu nhập là khó tránh khỏi.
Nếu anh thầy giáo có kiến thức, điều kiện kinh tế tốt thì theo tôi có thể kinh doanh thêm các mặt hàng mới lạ, các loại "kỳ hoa dị thảo". Như vậy, khu chợ vừa độc đáo, người dùng có lựa chọn lại tạo thêm công ăn việc làm cho các shipper khác.
Lúc đó anh cùng với mọi người đã "win - win, cùng thắng" và anh đã vô tinh góp một gam màu tươi sáng để làm cho chợ hoa Tết thêm đẹp, thêm Xuân.
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.