Sau bài viết Nước mắt người trồng hoa độc giả Vũ Vũ là người có kinh nghiệm bán hoa Tết chia sẻ:
Nông dân chỉ trồng hoa bao giờ cũng thiệt thòi hơn thương lái bán hoa. Việc buôn bán lại xét đến nhiều góc cạnh ở cả người bán lẫn người mua.
Thời sinh viên tôi từng bán hoa Tết, xét về giá tôi bán giá vừa phải hơn các gian hàng khác (cái này nhờ vào kinh nghiệm xương máu bán hoa ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 tôi tích lũy được).
Tôi bán hai chậu với giá vừa phải sẽ lời hơn nhiều người khi chỉ bán được một chậu, tôi bán khá chạy hàng. Bài toán kinh tế đơn giản nhưng ít ai thực hiện vì tham.
Vậy nên tôi thương người trồng hoa nhưng đã là buôn bán thì phải tuân theo thị trường. Muốn vực dậy giá hoa thì nên nghĩ ra phương pháp và cách thực hiện thật kinh tế chứ trông chờ vào "tâm" của người mua tôi nghĩ đó là việc làm quá ngây thơ.
Độc giả hoangnguyen081096 "bày chiêu" đánh trúng tâm lý người mua hoa Tết:
Đã làm kinh doanh thì phải có rủi do. Kinh doanh dịp Tết vừa là cơ hội, vừa là thử thách. Giá cả nhảy liên tục theo thời điểm- phải suy nghỉ sao để người ta hiểu được và mua lúc giá cao.
Ví dụ như: đang lúc đỉnh điểm một cặp bông cúc giá 100 nghìn đồng. Khách hàng đến hỏi và chê mắc, nói để gần Giao thừa rồi mua cho rẻ. Lúc đó người bán phải nói:"Trời đất ơi, cả năm mới mua một lần mà tiếc gì. Anh, chị mà chờ đến giao thừa còn toàn bông dạt, xấu, nhỏ thì lúc đó đừng có hối hận. Anh thử nhìn chậu bông coi blah blah... Mua hai cặp đi em bớt cho xíu...".
Người mua hàng có nhiều tâm lý, phải hiểu để thuyết phục họ ra quyết định lợi cho mình.
Một số độc giả chia sẻ rằng bây giờ thói quen mua hoa trưng Tết đã khác trước. Người tiêu dùng còn nhiều thứ để mua sắm, lo toan vào cuối năm nên sẽ ít người chịu bấm bụng, bỏ tiền mua hoa với giá cao:
Bây giờ thói quen mua hoa về chưng Tết đã khác ngày trước nhiều. Chỉ những cơ quan đơn vị hoặc đi chúc "Tết" những người có ơn nghĩa với mình thì mới mua sớm và thường mua những cây có giá trị cao.
Còn những chậu hoa thông thường hoặc những cây có giá trị thấp chỉ bán được sau ngày 29 Tết. Lúc đó sau cả tuần trưng bày ở chợ thì hoa cũng không còn đẹp như lúc ban đầu.
7-8h tối ngày 30 Tết thì người đi mua hoa vẫn đông (vì mong giá rẻ). Trong khi người trồng và bán thì mong muốn bán hết cho khỏe. Cho nên mua bán hoa Tết luôn là cuộc "đấu trí" giữa người bán và người mua.
Thuận mua vừa bán thôi. Lỗi tại cả hai phía chứ chẳng tại riêng một bên nào. Người bán bao năm rồi vẫn nghĩ người mua sẽ mua bất chấp giá cả, chỉ vì lý do: Tết phải có chậu hoa trưng trong nhà. Từ đó, người bán mặc sức hét giá, giá cao gấp cả 10 lần ngày thường, trong khi hoa tết đầy ra đó, không có thiếu.
Người mua một phần vì tâm lý chờ đến ngày cuối để rẻ, một phần vì những thủ tục chơi tết không còn được coi trọng nữa. Có hoa thì tốt, không có hoa cũng chẳng sao, nên không chịu mua đắt như trước nữa.
Vậy nên để tránh cảnh cứ mỗi năm chiều 30 Tết lại có cảnh thương lái đập cây, thì mỗi bên cư xử đẹp là được. Thương lái đừng có những ngày đầu hét giá trên trời, những ngày cuối giảm giá sát đất nữa.
Ngay từ đầu đã bán giá hợp lý, thì người mua sẽ mua từ sớm, và người mua cũng sẽ chịu khó mua ủng hộ thôi. Dân mình vẫn thường ủng hộ, giải cứu nông sản đó thôi, chỉ có hoa tết, cớ sao không có việc đó?
Thương lái cứ kêu lỗ, vậy sao năm nào họ cũng đi bán, vẫn những người đó, chỗ bán hoa đó, tết năm nào cũng bán lại? Chỉ là những ngày đầu hét giá trên trời, đủ tiền lời rồi, những ngày cuối đập bể cũng không sao.
Người tiêu dùng còn bao nhiêu thứ phải lo toan, sắm sửa tết, hoa có thiếu thì cũng không sao, nhưng chuyện ăn uống, may mặc của vợ chồng con cái vẫn phải đảm bảo, dư tiền mới nghĩ đến hoa được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.