Năm nào đi mua hoa chưng Tết, chúng tôi cũng mua nhiều loại hoa, giá từ vài triệu đến vài chục triệu. Hoa để trong nhà thường là hoa ngoại, chịu được nhiệt độ lạnh của máy lạnh, không cần ánh nắng mặt trời, tưới ít nước. Hoa để trên sân thượng là hoa nội, cần ánh nắng, không khí thoáng đãng và nước.
Nhà tôi thuộc kiểu nhà ống ở thành phố nên trong nhà cũng chỉ có vài vị trí để chưng – cửa ra vào, bếp, phòng khách, sân thượng. Chúng tôi mua hoa ở shop, có bảng giá, có hóa đơn. Họ bán hoa quanh năm chứ chả phải đợi Tết mới bán.
Nếu ta mua hoa dạng cắm bình thì họ cũng kiêm luôn chuyện cắm hoa nghệ thuật, có hướng dẫn, có tư vấn riêng.
Hoa ở chợ hoa là hoa thô, trồng nở ra rồi đem bán, không có sắp xếp hoặc tạo dáng mỹ thuật gì. Điều này cũng tương tự như bạn mua cà phê chưa rang xay về tự rang tự xay.
Thị trường bây giờ ngày càng khó tính, người ta cần hoa tươi tạo dáng đẹp để chưng thời gian ngắn chứ không cần hoa thô. Người biết lựa hoa sẽ đi mua hoa trước Tết khá sớm để chọn những chậu đẹp nhất, không quan tâm giá cả (vẫn rẻ hơn hoa mua ở shop).
Những chậu hoa này thường được chưng bày ở công sở. Ba ngày trước Tết những chậu hoa còn lại chưa bán được toàn bộ là hàng dạt (hàng xấu). Mua hoa thô về chưng giờ chỉ còn là thói quen của những người xưa cũ.
Ngày xưa kinh tế chưa phát triển, có hoa chưng trong nhà là quý rồi, nghệ thuật mỹ thuật các kiểu còn nằm ngoài tầm với. Bây giờ, những chậu kiểng đẹp có giá đến hàng tỷ thì vì sao những chậu hoa đẹp lại chỉ có giá vài trăm nghìn bèo như thế (ít nhất cũng phải vài triệu mới tương xứng)? Vì người bán chỉ bỏ công bỏ sức tạo ra nó mà chưa đổ chất xám vào nó.
Người trồng cà phê bán hạt cà phê chưa rang xay cho ông chế biến cà phê giá bao nhiêu? Ông chế biến cà phê bán cà phê đã qua chế biến giá bao nhiêu? Chênh lệch rất lớn, đúng không?
Cái gì cũng vậy, phải bỏ chất xám vào thì mới có sản phẩm giá cao chứ chỉ dùng sức lực cơ bắp thôi thì giá làm sao cao được. Chừng nào nông dân trồng hoa kiêm luôn nghệ nhân tạo dáng mỹ thuật cho hoa thì giá của từng chậu hoa do ông ấy chăm sóc sẽ không thấp, luôn hút hàng.
Như thế, cùng lắm thì ông ta cũng chỉ có vài trăm chậu hoa để bán chứ không thể có hàng nghìn đến hàng chục nghìn chậu hoa được. Sức người có hạn, quá nhiều sản phẩm làm sao chăm sóc hết được. Những chậu hoa có số lượng nhiều và giống nhau như cùng một khuôn đúc ra làm sao đòi giá cao?
>> Thế chấp nhà lấy tiền thưởng Tết nhân viên
Một mẫu đồng hồ sản xuất hàng loạt hàng trăm nghìn cái giá rất bèo chỉ có vài chục đô một chiếc so với một mẫu đồng hồ mà cả thế giới chỉ có đúng một cặp duy nhất (cho một người nam và một người nữ) giá vài trăm đến cả nghìn đô một chiếc - công nghệ, độ bền, tính năng, chất lượng là tương đương nhau - thì phải nói thế nào? Người ta đổ chất xám tạo ra "hàng độc" thì họ có quyền kêu giá cao.
Ngày nay, nghề trồng hoa – bán hoa ở mọi nơi trên thế giới được xem là một nghề "trên trung bình", có tổ chức công ty và chi nhánh khắp nơi, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài.
Riêng ở ta nó lại là một nghề bèo bọt vì người trồng hoa – bán hoa không chịu thay đổi tư duy. Mấy chục năm trước trồng – bán thế nào, mấy chục năm sau vẫn "u như kỹ" trong khi xã hội đã thay đổi đến mức chóng mặt cả về nhận thức lẫn kinh tế.
Không chịu thay đổi thì thu nhập của anh cũng vẫn sẽ dừng lại ở mức độ của mấy chục năm trước thôi. Thu nhập của anh dừng lại trong khi thu nhập của xã hội không dừng lại, để tăng thu nhập, anh lại gia tăng "sản xuất hàng loạt". Một cái vòng lẩn quẩn. Không may, dù anh gia tăng "sản xuất hàng loạt" nhưng người mua ở phân khúc này ngày càng ít dẫn đến ế thừa đổ bỏ. Đến cuối cùng nhất định sẽ dẫn đến thảm cảnh "vạn người bán trăm người mua".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.