Trong lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần qua bận rộn với lịch trình công du tại châu Âu bàn về cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp ứng phó Nga, ở quê nhà, ông đón nhận một tin xấu. Kết quả cuộc thăm dò mới nhất được NBC News công bố cho thấy mức tín nhiệm của ông đã xuống thấp kỷ lục kể từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Theo kết quả thăm dò, tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Mỹ đã rơi xuống mức 40%, giảm ba điểm phần trăm so với hồi tháng một, trong khi tỷ lệ cử tri không tán thành với công việc của ông tại Nhà Trắng tăng một điểm phần trăm, lên 55%.
Nỗ lực kêu gọi phương Tây đoàn kết ứng phó với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã giúp tỷ lệ ủng hộ với Tổng thống Biden tăng lên trong chính sách đối ngoại, từ 37% hồi tháng 1 đến 42% trong giai đoạn 18-22/3, thời điểm cuộc khảo sát được tiến hành.
Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Mỹ lại không phải là quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ. Cuộc thăm dò chỉ ra rằng chi phí sinh hoạt, việc làm và nền kinh tế được coi là những vấn đề quan trọng nhất và 63% người được hỏi không ủng hộ cách thức điều hành nền kinh tế của Tổng thống Biden.
"Cuộc thăm dò này nói lên rằng Tổng thống Biden và các thành viên đảng Dân chủ sắp phải đương đầu với một cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ đầy khó khăn", chuyên gia thăm dò dư luận đảng Cộng hòa Bill McInturff từ Public Opinions Strategy, người đã thực hiện cuộc khảo sát với nhà thăm dò dư luận đảng Dân chủ Jeff Horwitt từ Hiệp hội Nghiên cứu Hart, cho hay.
Với đà sụt giảm tín nhiệm tiếp tục kéo dài mà không có dấu hiệu được cải thiện, câu hỏi đặt ra là vì sao chính quyền Biden rơi vào tình thế này và điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?
Giới quan sát cho rằng dù đang làm tốt trên lĩnh vực đối ngoại, những thất bại trong nỗ lực xây dựng đạo luật "Xây lại tốt hơn" và cuộc chiến chính sách giữa Tổng thống Biden với quốc hội Mỹ được coi là vấn đề hàng đầu khiến tỷ lệ tín nhiệm của ông giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Joe Manchin và Kyrsten Sinema, hai đảng viên Dân chủ trung dung tại Thượng viện, lại trở thành rào cản với dự luật "Xây lại tốt hơn" cũng như nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm thúc đẩy thay đổi luật về quyền bầu cử.
Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát tháng 11/2021 thông qua dự luật "Xây lại tốt hơn", với mục tiêu chi hơn 1.700 tỷ USD cho nhiều hạng mục an sinh xã hội và chống biến đổi khí hậu, từ giáo dục trẻ nhỏ đến năng lượng sạch, đồng thời bao gồm các biện pháp chống né thuế mới nhắm vào các tập đoàn siêu lợi nhuận.
Dự luật này giữ vị trí then chốt trong chương trình hành động năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden. Đây cũng là nội dung trọng yếu khi ông vận động tranh cử vào năm 2020, với lời hứa kiến thiết "một làn sóng sức mạnh mới của người lao động và xây dựng một nền kinh tế phục vụ những người cần cù đang giúp nó vận hành".
Biden từng nhiều lần nhấn mạnh dự luật một khi được thông qua sẽ tạo thêm hàng triệu việc làm với mức thu nhập tốt cho nước Mỹ, đồng thời hỗ trợ cuộc sống của người lao động trên nhiều phương diện: giáo dục, trợ cấp nuôi con, chăm sóc y tế và giảm thuế.
Nhưng sự phản đối quyết liệt của Manchin và Sinema đã khiến dự luật này bế tắc tại Thượng viện, khi phe Dân chủ không thể đạt được số phiếu quá bán cần thiết để thông qua.
Việc Nhà Trắng không thể thuyết phục được ngay cả nội bộ đảng Dân chủ ủng hộ chương trình nghị sự do Tổng thống Biden đề ra khiến nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu chính sách của ông càng trở nên khó khăn hơn, giới quan sát đánh giá.
Tổng thống Biden suốt nhiều tháng qua không giành được chiến thắng nào trong lĩnh vực lập pháp và dường như không có hy vọng hồi sinh dự luật về quyền bỏ phiếu hay chương trình nghị sự "Xây lại tốt hơn" trong những ngày tới. Điều này rõ ràng không có lợi cho một đảng đang cố gắng thuyết phục cử tri về tầm quan trọng của việc bảo vệ thế đa số của mình tại quốc hội.
Hệ quả là ông Biden đang mất vị thế trong nhóm cử tri cốt lõi của mình, gồm những người da màu, phụ nữ, người nhập cư và cử tri trẻ tuổi. Đây là nhóm nền tảng của đảng Dân chủ và lực lượng quan trọng đã đưa ông Biden đến thắng lợi năm 2020, bình luận viên John Bowden từ Independent nhận xét.
Theo khảo sát của NBC News, tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Biden trong nhóm cử tri da màu giảm hai điểm phần trăm, xuống 62%. Tỷ lệ này trong nhóm cử tri nữ giảm từ 51% xuống 44%. Mức độ ủng hộ của nhóm cử tri Latinh đối với ông cũng giảm 9 điểm phần trăm, xuống 39%.
Điều quan trọng hơn là Tổng thống Biden cũng đang mất dần ủng hộ từ nhóm cử tri dao động, những người nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào cuối năm nay. Tổng thống Biden hiện chỉ nhận được ủng hộ của khoảng 1/3 số người bỏ phiếu trong nhóm này.
Theo bình luận viên Bowden, trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ ngày càng đến gần, để giành lại lợi thế, Tổng thống Biden chỉ có hai cách: Phá vỡ thế bế tắc tại Thượng viện bằng cách dàn xếp chia rẽ nội bộ đảng Dân chủ để thông qua được dự luật "Xây lại tốt hơn", hoặc tìm cách khác giành lại ủng hộ của công chúng Mỹ.
Một số nhà thăm dò từng kỳ vọng tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Biden sẽ tăng nhờ quyết sách liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, khi ông cam kết tăng cường hỗ trợ Kiev, song khẳng định sẽ không gửi quân đến Ukraine tham chiến trực tiếp, điều mà đa phần công chúng Mỹ mong muốn.
Nhưng hy vọng đó đã không thành hiện thực, do nhiều người dân cho rằng xung đột Ukraine là vấn đề rất xa vời, không liên quan nhiều đến Mỹ. Cũng có khả năng người Mỹ đang cảm thấy bối rối trước chính sách của Tổng thống Biden liên quan đến cuộc khủng hoảng. Đa số ủng hộ lệnh cấm dầu Nga, nhưng chính quyền Biden cũng phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ các đối thủ chính trị khi giá xăng và lạm phát trong nước tăng cao.
Cơ hội tốt nhất lúc này để Tổng thống Biden tăng ủng hộ từ công chúng Mỹ là nỗ lực đạt được một chiến thắng hữu hình về mặt lập pháp trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Nếu dự luật "Xây lại tốt hơn" đầy tham vọng được thông qua, Nhà Trắng có thể giải quyết rất nhiều vấn đề, từ khí hậu, lạm phát đến các khoản vay dành cho sinh viên.
Theo bình luận viên Bowden, điều có thể gây tổn hại lớn nhất đối với cơ hội giành lại ủng hộ của Tổng thống Biden là tâm lý thờ ơ của các thành viên đảng Dân chủ tại quốc hội với nỗ lực thúc đẩy các dự luật được Nhà Trắng đề xuất, sau một số thất bại tại Thượng viện vài tháng qua.
"Điều được thể hiện rõ ràng qua cuộc khảo sát là người dân Mỹ vẫn chưa đồng lòng ủng hộ ông Biden sau nỗ lực ứng phó cuộc khủng hoảng Ukraine", chuyên gia thăm dò Horwitt từ Hiệp hội Nghiên cứu Hart cho hay. "Điều đó vẫn có thể xảy ra khi người Mỹ quan tâm hơn tới các vấn đề bên ngoài đất nước, nhưng chưa phải lúc này".
Vũ Hoàng (Theo Independent)