Trong một thập kỷ Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền, Trung Quốc có thể tự hào về một số thành tựu đáng kể mà nước này đã đạt được.
Đầu tiên là nỗ lực chấm dứt đói nghèo cùng cực. Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2020 thông báo chấm dứt hoàn toàn tình trạng đói nghèo cùng cực, được coi là một cột mốc quan trọng của đất nước.
Điều kiện sống của người dân Trung Quốc và khả năng tiếp cận giáo dục của họ là một trong những yếu tố được các quan chức chú trọng trong các chuyến thăm cấp cơ sở. Chính phủ Trung Quốc cho biết đã đầu tư 1,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 230 tỷ USD) trong giai đoạn 2013 -2021 để cải thiện điều kiện sống cho người dân, như xây dựng cầu đường, nhà cửa và cơ sở hạ tầng khác.
Hàng triệu hộ gia đình ở những khu vực hẻo lánh đã được chuyển tới những ngôi làng có cơ hội phát triển kinh tế tốt hơn.
Năm 2013, một năm sau khi ông Tập trở thành lãnh đạo, Trung Quốc có 82 triệu người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Đến năm 2019, con số này chỉ còn 6 triệu người.
Tuy nhiên, ông Tập năm 2020 cảnh báo "nhiệm vụ củng cố và mở rộng các thành tựu xóa đói giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn".
Thành tựu thứ hai là tài sản của các gia đình Trung Quốc đã tăng mạnh. Thu nhập trung bình của mỗi hộ gia đình thành thị đã tăng 66% từ năm 2013 đến 2020, theo thống kê của chính phủ. Tỷ lệ này trong các hộ gia đình nông thôn là 82% trong cùng giai đoạn.
Tỷ lệ sở hữu ôtô của mỗi gia đình ở thành thị tăng gấp đôi từ mức 0,22 năm 2012 lên 0,45 năm 2020, trong khi tỷ lệ sở hữu điện thoại di động tăng từ 2,17 lên 2,49 trong cùng giai đoạn.
Tuy nhiên, chi phí nhà ở đã tăng gấp bốn, ảnh hưởng lớn tới sức mua của người dân.
Lao động nhập cư, những người chuyển từ vùng nông thôn đến các thành phố làm việc, đã gia tăng thu nhập đáng kể, theo Jean-Louis Rocca, chuyên gia về xã hội Trung Quốc tại Sciences Po ở Paris.
"Nhưng với tiền thuê nhà, chi phí giáo dục và nhu cầu ăn mặc tăng, điều kiện sống của họ thường đi ngang, thậm chí suy giảm ở các đô thị lớn, dù đã được cải thiện ở các thành phố trung bình", Rocca nói.
Chương trình không gian vũ trụ cũng là một thành tựu đáng kể trong nhiệm kỳ của ông Tập. Được xem là niềm tự hào dân tộc, chương trình không gian của Trung Quốc đã thu hẹp rất nhiều khoảng cách so với Mỹ, Nga và châu Âu.
Các tàu thám hiểm của Trung Quốc đã lên Mặt Trăng vào năm 2013 và 2019. Chuyến đi của tàu Hằng Nga 4 năm 2019 đánh dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng.
Một tàu vũ trụ không người lái khác đã trở về Trái Đất năm 2020, mang theo những mẫu vật Mặt Trăng đầu tiên được con người thu thập trong bốn thập kỷ qua.
Cùng năm đó, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu được hoàn thành, trở thành đối thủ cạnh tranh với hệ thống GPS của Mỹ.
Sau khi lần đầu đưa robot lên sao Hỏa vào năm ngoái, Trung Quốc hy vọng hoàn thành trạm không gian trong năm nay.
Một dấu ấn đậm nét khác trong thập kỷ lãnh đạo của ông Tập là cuộc chiến chống tham nhũng. Khoảng 11,3 triệu người, từ công chức bình thường tới bộ trưởng, tướng quân đội và lãnh đạo ngân hàng, đã bị cảnh cáo, kỷ luật vì có hành vi tham nhũng từ năm 2012 tới 2022, theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc.
4,7 triệu người bị điều tra vì có những hành vi sai phạm nghiêm trọng. Ít nhất 1,5 triệu người bị trừng phạt, trong đó một số quan chức bị tuyên án tử hình.
Ông Tập còn thúc đẩy văn hóa tiết kiệm ở Trung Quốc, đồng nghĩa các bữa tiệc xa hoa của các quan chức bị hạn chế đáng kể.
Trong lĩnh vực môi trường, Trung Quốc năm 2016 đã tham gia Hiệp ước Khí hậu Paris. Năm 2020, ông Tập cam kết Trung Quốc sẽ đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Các nhóm môi trường đã kêu gọi Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, hành động nhanh hơn. Họ nói rằng nếu không làm như vậy, mục tiêu giữ đà tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C theo thỏa thuận Paris không thể thực hiện.
Bộ Môi trường Trung Quốc từ năm 2012 bắt đầu công bố nhiều dữ liệu về ô nhiễm không khí. Nồng độ bụi mịn độc hại trong không khí đã giảm 34,8% trong giai đoạn 2015 - 2021.
Các hệ thống phân loại rác thải cũng được áp dụng tại nhiều đô thị ở Trung Quốc. Tại siêu đô thị Thượng Hải, phân loại rác thải là quy định bắt buộc kể từ năm 2019.
Hạ tầng giao thông đã được cải thiện rất nhiều trong nhiệm kỳ của ông Tập. Chiều dài mạng lưới tàu cao tốc đã tăng gấp bốn, từ khoảng 9.300 km năm 2012 lên 40.000 km vào năm 2021.
Trung Quốc hiện có 250 sân bay, trong đó 82 sân bay được xây dựng trong thập kỷ qua. Lưu lượng hành khách đi máy bay đã tăng gấp đôi từ năm 2012 tới 2019.
Các dự án cơ sở hạ tầng đã giúp thúc đẩy đi lại và du lịch, cũng như kích thích nền kinh tế, mở ra cơ hội phát triển nhiều hơn cho khu vực miền tây vốn kém phát triển hơn của Trung Quốc.
Thanh Tâm (Theo AFP)