Để giải quyết kẹt xe và vấn đề quá tải giao thông, cấm xe, mở rộng đường, sử dụng phương tiện công cộng chỉ là biện pháp đối phó nhất thời. Muốn giải quyết được căn cơ của vấn đề, cần quy hoạch lại đô thị với nhiều biện pháp tiến hành cùng một lúc.
Trong 10 năm trở lại đây, TP HCM đã di dời nhiều cơ sở kinh doanh sử dụng nhiều lao động ra ngoại ô. Ngoại thành và các tỉnh lân cận thành phố mọc lên nhiều khu công nghiệp. Hàng ngày dòng người đi làm cuồn cuộn đổ ra những nơi đó và lại đổ vào nội đô sau giờ làm việc. Trên đường đi làm hoặc trở về nhà, người ta tranh thủ đón con, đi chợ. Ùn ứ kẹt xe diễn ra ở khắp nơi.
Việc đầu tiên cần làm là giải quyết chỗ ở, dịch vụ sinh hoạt gần nơi làm việc. Người Mỹ đi tiên phong trong việc này. Họ xây dựng các khu đô thị vệ tinh mà mỗi khu đô thị thường chiếm lĩnh một đầu đường cao tốc. Đường cao tốc ấy chạy thẳng đến khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, khu mua sắm, khu tài chính - văn phòng.
Trong khu đô thị là các cao ốc nhiều tầng. Tầng 6 trở lên là căn hộ cho thuê, tầng 5 trở xuống là siêu thị, dịch vụ. Trường học nằm ngay trong khu đô thị và có xe đưa đón học sinh. Bãi giữ xe, công viên, bệnh viện tuyến đầu (dùng cho cấp cứu và trị các bệnh thông thường, khám tổng quát), rạp chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật cũng ở nằm trong cùng khu vực.
>> 'Cấm xe máy ở Hà Nội, Sài Gòn là giải pháp đột phá'
>> Hà Nội, Sài Gòn cấm xe máy sẽ hết tắc đường?
Như vậy, người dân chỉ lên cao tốc khi đi làm và trở về nhà, không phải lo tranh thủ đi chợ hay đưa đón con. Khi có người thay đổi chỗ làm việc, họ đơn giản là dọn đồ cá nhân ra khỏi căn hộ mà họ đang thuê và chuyển đến gần nơi làm việc mới. Nhà nước không đánh thuế việc cho thuê căn hộ vì thừa biết tiền thuê chỉ đủ trả cho tiền đầu tư xây dựng sau vài chục năm. Trung tâm thành phố chỉ còn là trung tâm hành chính, các quảng trường văn hóa, các viện bảo tàng, công viên cây xanh, khách sạn – nhà hàng sang trọng, biểu diễn nghệ thuật cao cấp, ngân hàng.
Bao quanh trung tâm hành chính là khu văn phòng, trụ sở các công ty lớn xen lẫn với nhà ở. Từ khu đô thị vào trung tâm người ta phải đi xe công cộng. Nếu đi xe hơi cá nhân phải đóng phí rất cao. Đó là lý do vì sao họ không cần quy định "phố đi bộ" mà trung tâm vẫn dày đặc người đi bộ.
>> 'Nếu đòi phương tiện công cộng đầy đủ, 100 năm nữa cũng chưa cấm được xe máy'
>> Có xe buýt tốt rồi mới cấm xe máy - logic nhưng không khả thi
Như vậy ta có thể hiểu người bán hàng rong, bán hàng ở vỉa hè sẽ kinh doanh ở đâu. Không phải là người Âu- Mỹ không có loại hình kinh doanh này mà là chúng được quy hoạch có nơi có chỗ.
Người ta cũng đặt ra quy định phạm vi hoạt động của xe hơi, xe tải, xe buýt, xe taxi, thậm chí cả xe máy, xe đạp để cho những phương tiện này không đi cùng một đường với nhau. Ví dụ, xe hai bánh phân khối nhỏ sẽ chỉ được phép chạy trong khu vực khu đô thị, xe đạp có đường dành riêng sát mép vỉa hè, xe hơi chỉ được chạy trên đường cao tốc, trên xa lộ.
Câu hỏi, chúng ta sẽ quy hoạch đô thị như thế nào khi tình trạng đầu cơ bất động sản vẫn còn bát nháo, khi tư tưởng buôn đất nhanh giàu vẫn còn phổ biến? Thành phố bị cắt vụn bởi đầu cơ bất động sản thì làm sao quy hoạch? Muốn quy hoạch cho ngay ngắn trật tự lại phải bỏ một số tiền khổng lồ ra giải tỏa đền bù cho một khu vực bé tẹo thì đến bao giờ toàn thành phố mới quy hoạch xong?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.