Ví dụ, có người không đeo khẩu trang ở khu bắt buộc trong khu cách ly. Người đang cách ly cạnh phòng nhau giao tiếp tương đối thoải mái. Có người không nắm vững quy trình, quy phạm phòng dịch.
Chúng tôi đã phải làm việc rất kỹ với họ, rằng lỗ nhỏ đắm thuyền to. Và sẽ thực sự nghiêm trọng nếu có lây nhiễm trong khu cách ly, lây nhiễm cho những người làm nhiệm vụ cách ly rồi lây ra ngoài cộng đồng.
Sự thật đã diễn ra gần như vậy. Hậu quả rất nặng nề: thêm nhiều người mắc Covid-19, nhiều người phải thực hiện cách ly bắt buộc bị ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc, chi phí của quốc gia cho phòng chống dịch bị tăng lên rất cao.
Trong phòng dịch và y tế, có những việc rất nhỏ cũng có thể bị trả giá rất đắt.
Không vệ sinh tay là một trong các nguyên nhân chính gây ra nhiễm khuẩn bệnh viện - làm tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng chi phí, công sức điều trị, kéo dài ngày nằm viện và tăng tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân. Nếu một bác sĩ quên rửa tay, đôi khi có thể gây nhiễm khuẩn cho nhiều nơi trong bệnh viện.
Trong nghề y, rửa tay đúng cách có thể mang lại tác động và ý nghĩa to lớn. Để cải thiện chất lượng bệnh viện, giải pháp quan trọng nhất lại là biện pháp dễ thực hiện nhất: sát khuẩn tay trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Khi tôi mới về một bệnh viện công cách đây hơn 20 năm, chỉ vài người trong đội ngũ y bác sĩ khoa tôi làm việc có thói quen vệ sinh bàn tay khi chăm sóc, điều trị người bệnh. Ai cũng hiểu tầm quan trọng của việc này, nhưng vì là hành động nhỏ, không thể giám sát hết nên bị xem thường và bỏ qua.
Tôi phải nhắc đi nhắc lại nhân viên của mình rằng y khoa trước tiên không được gây hại đến người khác. Một virus, vi khuẩn được đem từ nơi này sang nơi kia nhờ bàn tay chưa diệt khuẩn, hậu quả có thể nguy hiểm cho cộng đồng. Việc nhỏ không làm nghiêm túc và triệt để thì không thể mong làm được việc lớn.
Chúng tôi đã áp dụng các chế tài thưởng, phạt với rửa tay, huấn luyện ý thức phòng chống lây nhiễm chéo trong cả nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà. Sau khoảng một năm, chuyển biến đã rõ rệt. Thực hành rửa tay trở thành văn hoá, thói quen tập thể ở bệnh viện. Những cá nhân không chấp hành tự cảm thấy lạc lõng, xấu hổ.
Chống nhiễm khuẩn là một trong những tiêu chí đầu tiên để đảm bảo chất lượng cơ sở y tế. Đây cũng là vấn đề mang tính toàn cầu.
Bài học Ấn Độ hôm nay khiến ta không khỏi đau lòng và lo lắng. Chúng ta cũng là những con người như họ, có tham lam, có sợ hãi. Sợ hãi sẽ thành hiện thực nếu chúng ta hời hợt với các nguyên tắc chống dịch dù nghe qua có vẻ bình thường.
Mỗi khi nhà nước ra các chỉ thị chống dịch, đa số người dân chấp hành nghiêm chỉnh. Nhưng không phải tất cả. Còn những người vẫn cố gắng nấn ná miễn được việc cho mình. Có người vẫn đưa người lậu qua biên giới chỉ vì vài triệu đồng, cố ra đường giải quyết công việc khi chưa hết thời hạn cách ly tại nhà; hay có những việc nhỏ như vứt bừa khẩu trang bẩn xuống vệ đường, nhổ nước bọt, kéo khẩu trang xuống cho dễ chịu... Có người còn không nỡ bỏ vài cuộc vui. 5K dán khắp mọi nơi, nhưng vẫn có người thiếu tự giác thực hiện.
Hôm qua, chỉ vài trường hợp không tuân thủ cách ly tại nhà sau khi hoàn thành cách ly tập trung đã khiến hệ thống phòng chống dịch hôm nay phải kích hoạt ở mức cao nhất. Cả hệ thống chính trị và người dân đang phải gồng mình chống dịch trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn.
Chỉ cần thay đổi nhỏ trong suy nghĩ, ta cũng có thể kiềm chế dịch bệnh trên diện rộng, cứu sinh mạng hàng trăm người, ngay cả khi Việt Nam chưa đủ vaccine. Ở chiều ngược lại, nếu còn những cá nhân xem thường dịch bệnh, thì thảm cảnh Ấn Độ có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào.
Tham lam và sợ hãi là hai cảm xúc chi phối nhiều nhất đến hành vi của con người. Chúng ta tham chút việc riêng của mình, nhưng chúng ta cũng biết sợ khi nhìn cảnh tang thương ở nước bạn. Ban đầu, bi kịch cũng nhen nhóm từ những lơ là như thế.
Mỗi người nghĩ xa hơn một chút, sự thất bại của một số cá nhân sẽ không biến thành thất bại tập thể. Y học có phát triển đến đâu mà hành vi của con người không tiến bộ theo, đất nước đó không thể văn minh.
Trần Văn Thuấn