Nhưng có một lần, tôi buộc phải thay đổi. Đó là khi thái độ của những quán ăn này được bộc lộ trước những vị khách nước ngoài. Tôi nhìn thấy mấy người Hàn Quốc đứng đó, trước quầy phở, cố gắng tìm hiểu xem món đặc sản địa phương này là gì. Không có menu, không có người phục vụ: thực khách đến quán phở huyền thoại này suốt hàng chục năm qua phải tự xếp hàng và gọi món.
Mấy vị khách ngoại cứ đứng đó, dường như dành rất nhiều sự tò mò cho văn hóa Việt Nam, nên đứng đó phải tới 10 phút và cố giao tiếp với những người đứng sau quầy phở. Không ai đáp lại. Những thành viên của quán phở, đứng cách đám khách Hàn Quốc 50 centimet, không có ý định giúp đỡ. Họ tảng lờ và trò chuyện với nhau.
Giúp đỡ khách hàng, Tây, Việt, đi siêu xe hay đi bộ, người già hay trẻ nhỏ, chưa bao giờ là nhiệm vụ của họ. Mất đi một khách với nơi này chẳng nghĩa lý gì. Quán vẫn đông. Triết lý kinh doanh và mô hình kinh doanh của họ dựa trên luận điểm này.
Tôi đã không kịp đứng dậy cố giúp đỡ, vì cố chờ những người sau quầy quay sang làm động tác giao tiếp tối thiểu giữa người với người. Nhưng họ vẫn nhởn nhơ. Những vị khách Hàn bỏ đi trong bẽ bàng. Tôi ngồi lại, trong lòng tràn lên cảm giác tức giận, ân hận và xấu hổ vì đã ngồi đây, trả tiền cho những kẻ này.
Hình ảnh hôm ấy khiến tôi băn khoăn một câu hỏi: Làm thế nào để những người này nghĩ về lợi ích lâu dài?
Lợi ích lâu dài của nền du lịch bị hủy hoại vì cung cách làm việc của họ. Chuyện này đã rõ. Nhưng lợi ích trước mắt của họ chưa bị ảnh hưởng. Nếu tôi là chủ quán ăn gia truyền trên phố cổ, thu nhập mấy trăm triệu một tháng, tôi có quyền làm việc tôi thích, tiếp khách tôi thích, cư xử theo kiểu tôi muốn. Nếu tôi là nhân viên phục vụ lương vài triệu một tháng, tôi cũng không việc gì phải nghĩ đến GDP của Việt Nam năm 2030.
Khi quan sát mọi việc từ bên ngoài, chúng ta dễ dàng lên án những người này bất chấp "lợi ích lâu dài" của cộng đồng. Nhưng kiểu lên án này không hiệu quả. Bạn rất khó bắt cậu phục vụ cau có kia thay đổi hành vi "vì một môi trường du lịch tốt đẹp hơn". Tuyên truyền, vận động có vẻ không phải giải pháp thuận tai.
Có một quy luật sinh học là con người rất kém nghĩ đến tương lai. Các nhà khoa học phương Tây đã thực hiện hàng trăm thí nghiệm chụp cắt lớp não, và phát hiện ra rằng "tương lai" thật sự là một vấn đề với não người. Khi bạn nghĩ đến tương lai của bản thân, não bạn bắt đầu hoạt động như thể là nó đang nghĩ tới... một người khác, phần vỏ não trung gian trước trán (mPFC) kém hoạt động đi.
Việc bắt một con người nghĩ về "lợi ích lâu dài" khó khăn hơn rất nhiều so với "lợi ích trước mắt". Việc con người ta nghĩ ngắn là quy luật sinh học chứ không phải là tập quán cộng đồng. Và dù không có nghiên cứu khoa học, tôi cũng phải tự trả lời luôn, là bắt cái quán phở kia nghĩ đến lợi ích lâu dài của nền kinh tế, là chuyện hoang đường.
Nhưng hệ thống lập luận của xã hội hiện nay trông đợi rất nhiều vào việc hứa hẹn về "lợi ích lâu dài". Bạn có thể nhìn thấy lập luận này trên mạng xã hội, trong các nghị quyết, các chỉ đạo, trong các cuộc vận động, các phong trào, hay phát biểu của chức sắc. Việc người dân nhận thức về "lợi ích lâu dài" đang được xem là chìa khóa giải quyết nhiều vấn đề.
Hãy thử xem xét một chuỗi văn bản chỉ đạo về việc "chống rác thải nhựa". Trong quyết định ở cấp cao nhất từ chính phủ, động từ được sử dụng nhiều nhất là tăng cường (11 lần). Trong văn bản cấp Bộ đưa xuống các tỉnh và hiệp hội, động từ xuất hiện nhiều nhất là phát động (5 lần). Không có thưởng-phạt gì cụ thể. Trong văn bản ở tỉnh đưa xuống cấp Sở, từ khóa chủ đạo là nâng cao (4 đến 5 lần, tùy tỉnh), tăng cường (3 lần), vận động... Đến cấp này thì tôi không xem tiếp nữa.
Quay trở lại với ví dụ đầu bài về văn minh du lịch. Trong chỉ đạo từ chính phủ về vấn đề này, từ xuất hiện nhiều nhất là tăng cường (21 lần). Trong quyết định từ Bộ, khái niệm tăng cường này được cụ thể hóa thành các tính từ như thân thiện (34 lần) và văn minh (25 lần). Xuống tới cấp tỉnh, vẫn là văn minh và thân thiện để "từng bước hình thành thói quen", "nâng cao hình ảnh" của địa phương.
Bạn có nghĩ rằng mình có thể thuyết phục một tiểu thương ngồi cả ngày bên bếp lò hãy luôn miệng cười và đừng dùng túi nylon nữa vì sự "văn minh" hay là để "tăng cường" hay "từng bước nâng cao" cái gì đó cho tương lai của đất nước?
Vấn đề ở đây: chúng ta buộc phải có một cơ chế chuyển đổi lợi ích lâu dài thành lợi ích trước mắt.
Lợi ích trước mắt, thứ khiến con người ta bị thuyết phục ngay lập tức, bao gồm các cơ chế thưởng-phạt ngay lập tức liên quan đến hành vi của họ. Một nhân sự ngành du lịch Thái Lan nếu không cười với khách thì sẽ bị cảnh sát du lịch cho "lên phường". Một người dân Singapore nhả kẹo cao su ra đường sẽ nhận án phạt vài nghìn SGD. Một người dân Đức đem 4 cái chai nhựa về đúng máy thu mua tự động sẽ nhận lại 1 euro.
Ở đây, không bàn đến việc người dân các nước này có ý thức về "lợi ích lâu dài" hơn dân Việt Nam không, nhưng hệ thống lập pháp của họ có một nhận thức rõ ràng về việc chuyển đổi lợi ích. Từ thứ mơ hồ như tương lai đất nước, số phận hành tinh, các nhà lập pháp dày công thiết kế bộ converter để biến nó thành thứ lợi ích ngay trước mắt của các cá nhân. Thứ "lợi ích trước mắt" này, thúc đẩy cộng đồng đi về phía trước chính vì sự ngắn hạn của nó.
Việc làm sao để chuyển đổi lợi ích lâu dài thành động cơ ngắn hạn của mỗi cá nhân, thật ra tốn rất nhiều chất xám và sự tinh tế. Nó cũng giống như bạn, trong tư cách chủ doanh nghiệp, không thể dùng lý tưởng mà nói chuyện với nhân viên được. Lúc nào thưởng tiền tươi, lúc nào tặng bằng khen, lúc nào kỷ luật và khiển trách để họ có động cơ ngắn hạn cho mục tiêu dài hạn, là thứ rất tốn tế bào thần kinh.
Nếu nhìn vào hệ thống văn bản đầy những "tăng cường" và "nâng cao" kể trên, thì có thể nói rằng chính sách Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đề cao sự tự giác ngộ của nhân dân về tương lai đất nước không ai sánh bằng.
Nghĩ ngắn không phải lúc nào cũng sai. Trong chuyên mục này, đã hơn một lần chúng tôi đề xuất về việc cần "chấm điểm" cho cán bộ và nhà quản lý địa phương như tài xế công nghệ, ngay và luôn, để biến "tương lai đất nước" thành lợi ích trước mắt của họ, thành sinh mệnh chính trị của họ ngay trong nhiệm kỳ này.
Tôi có thể đứng dậy, bỏ dở bát phở đang ăn, túm tay người phục vụ và nói, "Căn cứ theo chỉ đạo số... của chính phủ, quyết định số... của Bộ VHTTDL, quyết định số... của UBND thành phố, anh không được làm thế vì mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và ứng xử văn minh du lịch".
Hoặc tôi có thể phản ánh với cảnh sát du lịch, nếu có bộ phận này tồn tại trên đời. Rất tiếc là sau cả thập niên vận động của nhiều bên, cảnh sát du lịch vẫn chỉ có trong tưởng tượng.
Nghĩ xa không phải lúc nào cũng đúng. Đôi khi, việc các quy tắc xã hội có thể tinh tế điều chỉnh từng hành vi ngắn hạn của con người, lại thể hiện trình độ và tầm nhìn của người viết ra nó, hơn nhiều so với các chỉ đạo đầy từ ghép Hán Việt.
Đức Hoàng