Có những ngày, tại thành phố Shirdi, nơi có ngôi đền thiêng của đạo Hindu, tôi phải xử lý đến 42 ca can thiệp với bệnh nhân - gấp nhiều lần những ngày bận rộn nhất tại Việt Nam.
Tôi cũng cảm động khi thấy các bác sỹ, nhân viên y tế người Ấn có sức làm việc phi thường, đặc biệt là đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên.
Tuy nhiên, trong dịch Covid, chỉ cần vài bác sĩ hay điều dưỡng nhiễm bệnh, mất vài tua trực là không còn gì cứu vãn do tình trạng bệnh viện ở đây thường xuyên quá tải, không có lực lượng dự bị, thay thế. Trong hạ tầng y tế thô sơ, yếu kém của Ấn Độ, bệnh nhân có thể chưa chết vì Covid mà chỉ cần với các cấp cứu thông thường cũng có thể dẫn đến tử vong vì không đủ nhân và vật lực thực hiện.
Mới tháng trước, cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ bị nhiễm Covid nặng, một vị lãnh đạo cấp cao đã điện thoại cho tôi đề nghị hỗ trợ. Phối hợp với Viettel ngay chiều hôm ấy, chúng tôi thiết lập được nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth kết nối 24 giờ với tất cả nhân viên tại sứ quán Ấn.
Từ Hà Nội, chúng tôi hướng dẫn từng trường hợp, cách theo dõi nhiệt độ, triệu chứng đến dùng thuốc. Phân tích các kết quả xét nghiệm máu, X-quang, chúng tôi đưa ra quyết định ai bắt buộc phải nhập viện bằng mọi giá, ai không.
Sáng hôm qua, tôi nhận được tin nhắn của phó đại sứ,"anh Nhân đã xuất viện, chị Xuân hạ sốt, bé Phương đỡ hơn". Dòng tin ngắn ngủi làm tôi vui cả ngày.
Điểm quan trọng nhất để Việt Nam tránh khỏi nguy cơ "vỡ trận" như Ấn Độ là bảo vệ thành trì y tế, không để Covid xâm nhập vào bệnh viện một cách ồ ạt, vì bệnh viện là nơi có rất nhiều bệnh nhân bấp bênh sinh tử.
Thành lũy cuối cùng của chúng ta là cơ sở y tế. Nếu hệ thống bệnh viện suy yếu, thảm họa y tế lẫn nhân đạo sẽ xảy ra.
Nhìn lại bài học nước Ấn, do dân số đông quá, không kịp và không đủ để tiêm vaccine, cùng với không tuân thủ giãn cách vì lễ hội và tập tục, hệ thống y tế bị vỡ trận. Nhưng dù sao, chính phủ nước này vẫn sẽ tiếp tục tiêm vaccine càng nhanh càng tốt, ít nhất cho những người chống dịch.
Điều tôi muốn nhấn mạnh: chìa khoá thoát ra khỏi đại dịch, bên cạnh chiến lược y tế, vẫn phải là vaccine.
Tôi là một trong những người đầu tiên của bệnh viện được tiêm phòng Covid cách đây một tuần. Tác dụng phụ xảy ra với tôi chỉ là sốt và sưng vết tiêm trong 24 giờ. Nhưng sau đó là một cảm giác rất tự tin và thanh thản khi mình đã có khả năng bảo vệ người xung quanh và bản thân mình.
Có một nhóm nhỏ tin vào thuốc chữa Covid hay những huyết thanh chứa kháng thể, rồi tế bào gốc... nhưng vaccine vẫn là vũ khí duy nhất giúp loài người vượt qua đại dịch như từng chứng minh trong lịch sử cận đại. Việc tiêm vaccine bài bản và càng nhiều càng tốt đang là mục tiêu hàng đầu của chính phủ Việt Nam.
Bạn đừng quá lo về tác dụng phụ của vaccine. Ngay trước hôm nghỉ lễ, cùng các chuyên gia, chúng tôi đã có buổi tham vấn từ xa gần hai giờ đồng hồ phân tích rất chi tiết lợi và hại của việc tiêm phòng. Các biến chứng, phản ứng phụ đã được các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân và những ca tử vong do tiêm đã được hạn chế tối đa.
Bên cạnh đó, tôi biết những tư lệnh chống dịch của chúng ta ngày càng kinh nghiệm "điều binh khiển tướng". Tuần rồi, hai nước láng giềng Lào và Campuchia chính thức bước vào đại dịch. Biên giới có chỗ chỉ là cái rạch nước, không cần nhảy, chỉ cần bước cũng qua khiến việc ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập tứ phía trở nên vô cùng khó khăn. Chính phủ đã kích hoạt hệ thống phòng dịch ở mức cao nhất. Đồng thời, chủ động hỗ trợ y tế với Lào, Campuchia như động thái chặn "giặc" từ xa.
Có thể những tin tức mỗi ngày làm ta lo lắng, nhưng phương pháp truy vết, khoanh vùng dập dịch đã trở nên bài bản. Đợt dịch thứ 3 này có thể kéo dài, nhưng tôi tin sẽ không bùng phát dữ dội gây tổn thất nặng nề. Và sẽ còn đợt dịch thứ 4, thứ 5, nhưng chúng ta kiên quyết không thay đổi chiến lược, không chạy theo bất cứ nước nào, vì hoàn cảnh địa chính trị, đặc biệt là dự trữ nguồn lực y tế và kinh tế của mỗi nước không giống nhau.
Chính phủ đang huy động mọi nguồn lực để nhập vaccine cũng như hỗ trợ tối đa cho tiến độ sản xuất vaccine "made in Vietnam". Bạn đừng lo lắng vì ai cũng sẽ được tiêm vaccine. Và các loại vaccine khác nhau được sử dụng đều chắc chắn được kiểm chứng về hiệu quả bảo vệ cơ thể.
Chiến thuật đúng, vaccine công bằng là vũ khí để Việt Nam bảo vệ các thành trì chống dịch.
Chỉ khi tiêm chủng được cho đại bộ phận dân chúng, Việt Nam mới dần mở cửa như Israel, chính thức bước sang giai đoạn hậu Covid-19.
Nguyễn Lân Hiếu