Bệnh nhân được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cuối tháng 9. Sau 5 ngày, tình trạng thai phụ dần ổn định, không ảnh hưởng đến thai nhi. Trước đó chị Thảo sốt nhẹ và ho, nghĩ rằng mắc cảm thông thường nên ra hiệu thuốc để mua thuốc. Uống vài ngày, các triệu chứng không thuyên giảm mà diễn tiến nặng thành biến chứng.
Cũng trong thời gian này, bệnh viện tiếp nhận thai phụ 27 tuổi, mang thai 18 tuần. Chị mắc cúm khoảng một tuần kèm viêm phế quản bội nhiễm, có hiện tượng suy tim thai phải nhập viện theo dõi hàng ngày. Theo bác sĩ điều trị, tình trạng cúm chuyển nặng do bệnh nhân điều trị chưa đúng cách, chỉ súc miệng bằng nước muối và ngậm ô mai gừng.
ThS.BS Lã Quý Hương, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiều thai phụ vẫn chủ quan khi mắc cúm. Một số điều trị theo mẹo hoặc chữa trị không đúng cách, khiến virus cúm xâm nhập gây viêm phổi, viêm phế quản, dẫn đến suy thai. Nếu nhiễm cúm trong ba tháng đầu và điều trị sai cách, trẻ sinh ra có thể bị dị tật hở hàm ếch, tim bẩm sinh...
Ngoài ra, thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng sau bão, thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi. Với thai phụ, hệ miễn dịch tự suy giảm để thuận lợi cho việc mang thai, nuôi dưỡng em bé. Vì vậy, người mẹ thường mắc cúm nặng và thời gian dài hơn so với người bình thường, từ một tuần trở lên.
Trước nguy cơ biến chứng, bác sĩ Hương khuyến cáo thai phụ không chủ quan với bệnh cúm để giảm nguy cơ biến chứng. Khi có dấu hiệu bệnh, thai phụ không tự mua thuốc uống, tự điều trị. Một số thuốc điều trị triệu chứng cúm có thể nguy hiểm với phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu, dị tật bẩm sinh trên ruột của trẻ, như: tamiflu, flumadine, relenza, hoặc symmetrel, aspirin, sirô chống cúm, cảm lạnh và ho chứa guaifenesin và dextromethorphan. Phụ nữ nên khám để được bác sĩ tư vấn, kê đơn thuốc và biện pháp chăm sóc phù hợp. Trường hợp cần đình chỉ thai, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng và tư vấn, hội chẩn nhiều chuyên gia.
Theo BS Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cách tốt nhất để phòng cúm cho thai phụ là tiêm phòng. Vaccine an toàn trong mọi giai đoạn của thai kỳ, từ vài tuần đầu tiên đến ngày dự sinh. Hiện VNVC cung cấp ba loại vaccine cúm gồm: Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), Ivacflu-S (Việt Nam). Trong đó, loại của Việt Nam không tiêm cho phụ nữ mang thai.
Phác đồ tiêm phụ thuộc vào lịch sử chủng ngừa. Thai phụ chưa từng tiêm cúm, sẽ tiêm một mũi và nhắc lại một mũi hàng năm. Trường hợp chưa tiêm vaccine và nhiễm cúm khi mang thai, thai phụ vẫn có thể được tiêm ngừa cúm sau ba tháng đầu thai kỳ, trước ngày dự sinh tối thiểu một tháng.
Phụ nữ nên tiêm ngừa thêm các vaccine khác để phòng tác nhân gây viêm phổi và bệnh lý khác. Ví dụ, vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván tiêm trong ba tháng giữa hoặc cuối thai kỳ; phế cầu 13 ngăn 13 chủng vi khuẩn phế cầu, tránh bệnh: viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết, viêm xoang. Phác đồ chủng ngừa vaccine này cần hoàn thành trước khi mang thai tối thiểu một tháng.
Bên cạnh vaccine, thai phụ nên kết hợp các biện pháp phòng bệnh khác như không tiếp xúc người có triệu chứng bệnh, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm, sử dụng chất rửa tay có cồn.
Bác sĩ Ngọc khuyến khích thai phụ nên ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C, uống đủ nước lọc và bổ sung thêm nước chanh nóng để kháng khuẩn vùng họng, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ngủ đủ, tập thể dục đều đặn, phù hợp...
Xuân Ngọc
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
9h ngày 28/9, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp Pfizer Việt Nam và Zuellig Pharma tổ chức lớp tư vấn sức khỏe thai sản số 36 với hai bài giảng:
- "Sự nguy hiểm của viêm phổi do phế cầu và cúm ở phụ nữ mang thai", tư vấn bởi bác sĩ Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
- "Thực hành cách vệ sinh và tắm cho bé sơ sinh", trình bày bởi nữ hộ sinh Đào Thị Thùy Loan, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Lớp học diễn ra tại VNVC Tân Phú 2, số 476 Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM. Độc giả đăng ký tại đây.