Trong nhiều tháng, chính phủ Thái Lan nỗ lực đảm bảo chương trình tiêm chủng miễn phí, bắt đầu sản xuất vaccine tại địa phương vào tháng 6. Giới chức y tế kỳ vọng sẽ tiêm phòng cho khoảng 70% dân số vào cuối năm nay.
Sau đó, mọi kế hoạch bị đình trệ ngay thời điểm đất nước phải vật lộn với đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch khởi phát. Tối 13/6, hàng chục bệnh viện ở Bangkok thông báo hoãn lịch tiêm vaccine do nguồn cung chậm trễ. Ứng dụng đặt lịch tiêm của thành phố cũng gửi tin nhắn thông báo các buổi tiêm sau ngày 15/6 cũng bị hoãn.
Vaccine sử dụng ở Thái Lan chủ yếu do Siam Bioscience, công ty thuộc sở hữu của nhà vua Thái Lan, sản xuất. Hiện chưa rõ khi nào người dân có thể hẹn lịch tiêm chủng trở lại. Tình trạng thiếu hụt cũng ảnh hưởng sang các nước khác, nơi chiến dịch tiêm chủng còn kém xa phương Tây. Malaysia, Philippines và Đài Loan thông báo đang thu hẹp quy mô triển khai vaccine do lượng hàng từ Thái Lan thấp hơn dự kiến.
Năm ngoái, Thái Lan được định hướng là trung tâm sản xuất vaccine AstraZeneca của khu vực. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cảnh báo việc chỉ trích công ty có thể bị coi là hành vi phạm tội phỉ báng hoàng gia.
Là quốc gia đầu tiên ghi nhận ca nhiễm nCoV bên ngoài Trung Quốc, Thái Lan ngăn chặn thành công sự lây lan của virus trong phần lớn năm ngoái. Cuối năm 2020, cả nước ghi nhận dưới 5.000 ca Covid-19. Song hiện nước này ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày. Tính đến 14/6, chỉ 3% dân số đã tiêm chủng đầy đủ.
Phatorn Chingduang, một nhân viên chuyển phát, có lịch hẹn tiêm liều vaccine AstraZeneca đầu tiên ngày 12/6 cùng 15 đồng nghiệp. Một ngày trước đó, anh nhận được tin nhắn lịch hẹn bị hủy.
"Chính phủ chưa nỗ lực đủ. Chương trình vaccine quá tệ", anh nói.
Giữa một chiến dịch hỗn loạn, các cấp, ban ngành của Thái Lan bắt đầu đổ lỗi cho nhau. Bệnh viện Namarak, nơi được chỉ định là điểm tiêm chủng, thậm chí đăng tải dòng trạng thái châm biếm trên mạng xã hội: "Nếu có bất kỳ câu hỏi nào về sự trì hoãn này, vui lòng liên hệ đường dây nóng của chúng tôi hoặc gọi thẳng cho Bộ trưởng Y tế hỏi xem vì sao vaccine bị thiếu hụt".
Tất cả vaccine tại Thái Lan do Bộ Y tế Công cộng phân phối. Ít nhất 20 bệnh viện ở Bangkok tuyên bố thiếu vaccine vào ngày 14/6. Tuy nhiên, Bộ khẳng định đã gửi đủ vaccine cho Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA), ủy quyền họ chuyển vaccine đến các bệnh viện cụ thể. Bộ trưởng Anutin Charnvirakul nhận định vấn đề nằm ở BMA.
Ngay sau tuyên bố từ Bộ trưởng, BMA cho biết Bộ đã không cung cấp vaccine cho cơ quan theo kế hoạch. Theo BMA, Bộ thông báo sẽ gửi 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca, song đến nay cơ quan chỉ nhận được 350.000 liều. Trong đó, 181.000 liều đã được phân phối cho các bệnh viện, không đủ cho 450.000 người đã đặt lịch hẹn tiêm.
Hiệp hội Bác sĩ Nông thôn chỉ ra rằng Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, với cương vị người đứng đầu Trung tâm Quản lý Tình huống Covid-19 (CCSA), là nguyên nhân gây ra "cuộc khủng hoảng vaccine" ở Bangkok. Theo hiệp hội. CCSA hứa hẹn sẽ cung cấp một triệu liều vaccine cho thủ đô vào tháng 6. Đến nay, chỉ 500.000 liều tới nơi.
Trong khi đó, Thống đốc Bangkok cho biết có "một số sự cố kỹ thuật" trong quá trình bàn giao vaccine. Thủ đô sẽ đình chỉ tiêm chủng kể từ ngày 15/6.
Trong những tháng tới, chính phủ dự kiến phân phối 61 triệu liều vaccine AstraZeneca sản xuất trong nước. Thái Lan đã tiếp nhận 7,5 triệu liều Sinovac, đặt hàng 25 triệu liều vaccine Pfizer và Johnson & Johnson, chính phủ cho biết hồi đầu tháng.
Song số ca nhiễm nước này đã gia tăng nhanh chóng. Cụm dịch cộng đồng xuất hiện rải rác ở nhiều khu vực. Cả nước báo cáo hơn 193.000 trường hợp dương tính, tăng vọt so với hơn 28.000 ca vào cuối tháng 3, ngay trước làn sóng thứ ba.
Việc mở cửa trở lại Bangkok bị hoãn từ ngày 31/5, khi Trung tâm Quản lý Tình huống Covid-19 (CCSA) ngăn cản kế hoạch cho phép nối lại hoạt động của 5 loại hình kinh doanh.
Thục Linh (Theo NY Times, Bangkok Post)