Thỏa thuận công bố ngày 3/5, ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp vaccine Moderna. Đây là điều cần thiết cho sáng kiến cung cấp vaccine cho các nước nghèo đang gặp phải tình trạng thiếu hụt kinh phí, khan hiếm nguồn cung trầm trọng. Hãng sẽ triển khai 34 triệu liều vaccine với mức giá thấp nhất vào cuối năm 2021, thêm 466 triệu liều khác vào đầu năm 2022.
Quyết định này đưa Moderna đến gần hơn với các đối thủ như Pfizer và AstraZeneca. Giám đốc điều hành Stéphane Bancel cho biết: "Đây là cột mốc quan trọng. Chúng tôi đang làm việc để đảm bảo mọi người trên thế giới có thể tiếp cận với vaccine Covid-19".
Seth Berkley, Giám đốc điều hành Liên minh Vaccine Gavi, nhận định: "Chúng tôi rất vui mừng được ký thỏa thuận mới với Moderna, cho phép các nước thành viên Covax tiếp cận loại vaccine hiệu quả cao".
Ngày càng nhiều người kêu gọi các nhà sản xuất vaccine và quốc gia giàu có nỗ lực hơn nữa để giải quyết khoảng cách tiêm chủng giữa các nền kinh tế lớn nhỏ trên thế giới.
Tuần trước, Mỹ cho biết sẽ chia sẻ 60 triệu liều vaccine Covid-19 với các quốc gia khác. Hôm 3/5, Thuỵ Điển tuyên bố sẽ cung cấp 1 triệu liều AstraZeneca cho Covax nhằm "giúp giải quyết tình trạng chậm cung ứng trước mắt".
Thoả thuận Moderna là tin tốt nhưng đến muộn. Vaccine của hãng có tác dụng 94% trong các thử nghiệm lâm sàng, một trong những loại hiệu quả nhất tính đến nay. Vaccine cũng có thể bảo vệ người dùng khỏi các biến thể mới, đặc biệt là biến thể Anh.
Lượng vaccine từ Moderna giúp giảm bớt lo ngại về nguồn cung ngắn hạn và trung hạn. Covax đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều trong năm nay, tiếp cận 20% dân số các nước thu nhập thấp và trung bình. Đến nay, chương trình đã cung cấp 49 triệu liều.
Sáng kiến bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 Ấn Độ. Covax chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung từ Viện Huyết thanh nước này. Khi số người chết do nhiễm nCoV của Ấn Độ tăng lên, chính phủ đình chỉ xuất khẩu. Covax cho biết họ cần đa dạng hóa vaccine. Song nguồn cung hạn chế và quyết định tạm ngừng tiêm chủng để điều tra chứng đông máu hồi tháng 3, tháng 4 khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Ngày 3/5, Đan Mạch loại vaccine Johnson & Johnson khỏi chương trình tiêm chủng, khiến các quốc gia lo lắng và đặt nhiều câu hỏi về danh mục vaccine của Covax.
Bộ Y tế Việt Nam đã tiếp nhận hơn 800.000 liều vaccine AstraZeneca từ Covax cung ứng và phân bổ tới 28 địa phương. Theo chương trình tiêm chủng quốc gia, ngày 28/4 có thêm 92.445 người được tiêm chủng vaccine Covid-19. Đây là ngày kỷ lục về số người tiêm kể từ ngày 8/3 đến nay. Như vậy, hiện tổng cộng đã thực hiện tiêm đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố cho 425.638 người.
Thục Linh (Theo Washington Post)