Xung đột Nga - Ukraine tuần này chứng kiến những leo thang kịch tính nhất kể từ khi bắt đầu nổ ra hồi cuối tháng 2. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/9 tuyên bố huy động 300.000 quân dự bị, xác nhận các cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nga của 4 vùng lãnh thổ Ukraine, đồng thời ngụ ý rằng vũ khí hạt nhân đang được đặt lên bàn cân.
Các cuộc trưng cầu sáp nhập lãnh thổ Ukraine vào Nga có thể đẩy cuộc chiến lên một giai đoạn căng thẳng mới. Các cuộc phản công của Ukraine, sử dụng vũ khí phương Tây hỗ trợ, vào các khu vực này có thể được Moskva xem là cuộc tấn công vào chính nước Nga.
Kịch bản này khiến lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ Nga của ông Putin trở nên đáng lo ngại. Trong bài phát biểu hôm 21/9, ông Putin nói rằng NATO đã đưa ra những tuyên bố rằng họ có khả năng và có thể cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga và ông muốn nhắc nhở họ rằng Moskva cũng sở hữu vũ khí hủy diệt. "Khi sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bị đe dọa, tất nhiên chúng tôi sẽ sử dụng tất cả phương tiện để bảo vệ đất nước và nhân dân Nga. Tôi không nói suông đâu", Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Phần lớn giới quan sát cho rằng lời đe dọa của ông Putin chỉ nhằm khiến công chúng phương Tây sợ hãi và buộc Mỹ cùng liên minh phải suy nghĩ lại về việc ủng hộ Ukraine. Hôm 23/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng Nga không đe dọa ai bằng vũ khí hạt nhân, nhưng cảnh báo phương Tây rằng có những nguy cơ đối với sự can thiệp của họ vào Ukraine và hối thúc Mỹ tránh tình huống có thể dẫn đến đụng độ quân sự trực tiếp với Nga.
Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc tuần này, Tổng thống Joe Biden chỉ trích các hành động của Nga là "vi phạm một cách đáng xấu hổ" các nguyên tắc của LHQ, khẳng định phương tây sẽ tiếp tục "đoàn kết chống Nga".
Ông Biden không nêu rõ Mỹ sẽ phản ứng thế nào, nhưng nếu Mỹ kiên quyết ủng hộ Ukraine, nhiều người vẫn lo lắng về nguy cơ xung đột hạt nhân.
Giới quan sát cho rằng nếu bị dồn vào chân tường, lãnh đạo Nga có thể triển khai một loại vũ khí hạt nhân chiến thuật với mức độ hạn chế nhưng đủ để phô trương sức mạnh hoặc phá hủy một số mục tiêu của đối thủ.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Một số chuyên gia ước tính Nga sở hữu khoảng 2.000 loại vũ khí như vậy, có thể chuyển giao cho các lực lượng không quân, hải quân và lục quân.
"Cả thế giới nên cầu nguyện Nga chiến thắng, bởi vì chỉ có hai cách để xung đột kết thúc: Nga thắng hoặc cuộc chiến hạt nhân", Konstantin Malofeyev, doanh nhân nổi tiếng ở Nga, đã nói. "Nếu không chiến thắng, chúng tôi sẽ phải sử dụng vũ khí hạt nhân vì chúng tôi không thể thua. Có ai nghĩ rằng Nga sẽ chấp nhận thất bại mà không sử dụng kho vũ khí hạt nhân hay không?".
John Mille, nhà phân tích tình báo và thực thi pháp luật của CNN, cho biết câu hỏi cấp bách nhất hiện nay đối với Mỹ và phương Tây là phải làm gì với kịch bản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. "Nếu một vũ khí như vậy được triển khai chống lại người Ukraine, phản ứng của NATO, Mỹ và thế giới sẽ thế nào? Liệu việc triển khai vũ khí chiến thuật có thúc đẩy toàn thế giới chống lại Nga?"
Dù vũ khí hạt nhân chiến thuật tạo ra bán kính vụ nổ thấp hơn và bụi phóng xạ hạn chế hơn so với các đầu đạn chiến lược, động thái này vẫn có thể là "yếu tố thay đổi cuộc chơi", theo Miller.
"Câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu Mỹ và NATO đã nhất trí về những gì họ sẽ làm trong kịch bản đó và truyền tải thông điệp tới Nga qua các kênh phù hợp hay chưa. Chúng ta đang trong một cuộc đối đầu đầy rủi ro", ông nói.
Ông Biden đã đưa ra cảnh báo rằng "một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể chiến thắng và không bao giờ nên được bắt đầu". Câu hỏi đặt ra là ông sẽ phải làm gì để ngăn kịch bản đó, dù có thể nó vẫn còn xa vời.
Matthew Kroenig, thành viên tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương ở Mỹ, đã chỉ ra một số lựa chọn của ông Biden. Một trong số đó là tăng gấp đôi, gấp ba hoặc thậm chí gấp 4 lần tất cả biện pháp mà phương Tây đã áp với Nga, loại Moskva hoàn toàn khỏi thế giới phương Tây.
Kroenig thêm rằng phương Tây cũng cần gửi nhiều vũ khí hơn đến Ukraine, cũng như tăng cường lực lượng và cả vũ khí hạt nhân ở sườn đông NATO.
"Những biện pháp hạn chế như vậy sẽ nhằm ngăn chặn vòng xoáy leo thang trước khi nó bắt đầu. Vấn đề là ông Putin có thấy phản ứng này đủ mạnh mẽ để dừng hành động hay không", Andreas Kluth, nhà phân tích của Bloomberg, cho hay.
Tuy nhiên, giải pháp này có thể không đủ thỏa mãn yêu cầu của người Ukraine và những người ủng hộ Kiev. Do đó, giới quan sát cho rằng ông Biden có thể sẽ cần phản ứng mạnh mẽ hơn.
Tổng thống Mỹ có hai lựa chọn về mặt quân sự, theo Kroenig. Một là đáp trả bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật để răn đe ở khu vực Bắc Băng Dương, như vùng Siberia. Mối đe dọa hạt nhân có thể khiến ông Putin phải chùn bước, đồng thời trấn an người Ukraine rằng Mỹ sẽ "ăn miếng trả miếng".
Song động thái này có thể khiến cuộc đối đầu trở nên đáng sợ hơn, khi Nga có số đầu đạn hạt nhân chiến thuật gấp khoảng 10 lần Mỹ.
Do đó, lựa chọn quân sự tốt hơn mà Kroenig đề xuất là cuộc tấn công thông thường của Mỹ vào lực lượng Nga. Mục tiêu có thể là căn cứ đã phát động cuộc tấn công hạt nhân hoặc quân đội Nga ở Ukraine.
"Điều này sẽ cho Ukraine và thế giới thấy rằng bất kỳ vi phạm nào về vũ khí hạt nhân sẽ phải trả giá. Và thông điệp gửi tới ông Putin là không thể leo thang để giảm leo thang", Kluth cho hay.
Tuy nhiên, lựa chọn này cũng sẽ dẫn tới cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và NATO và thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ chiến tranh thứ ba. Đồng thời, nó có thể khiến Nga thấy rằng Mỹ không sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Biden đến nay vẫn lựa chọn chiến lược "mơ hồ" về các động thái tiếp theo của Mỹ. Ưu điểm là khiến Nga phải giả định kịch bản tồi tệ nhất và cũng có thể tránh leo thang căng thẳng với Nga. Nhưng nhược điểm là nó khiến người Ukraine phải "đoán già đoán non" về phản ứng của Mỹ và có thể thấy không hài lòng.
Bài phát biểu của ông Biden trước LHQ ngày 21/9 phản ánh sự bất bình của Mỹ với cuộc chiến căng thẳng ở Ukraine, nhưng cũng cẩn thận để tránh đẩy Mỹ lún sâu hơn vào kịch bản xung đột trực tiếp.
"An ninh quốc gia Mỹ hiện không gặp rủi ro từ cuộc chiến giữa Kiev và Moskva. Và ông Biden có thể phải duy trì trạng thái đó", Daniel L. Davis, trung tá quân đội Mỹ về hưu, nhận định.
Thanh Tâm (Theo CNN, Bloomberg, NBC News)