Các nhà đàm phán Trung Quốc cuối tháng 12 vui mừng thông báo về thỏa thuận thương mại một phần với Mỹ, được cho là cú hích có thể giúp kinh tế nước này chống lại những sóng gió do chiến tranh thương mại và dịch tả lợn châu Phi trong năm qua. Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực kinh tế, vấn đề Đài Loan, Hong Kong và quan hệ với Mỹ là ba thử thách lớn với lãnh đạo Trung Quốc từ đầu năm tới nay, theo bình luận viên Chi Wang của SCMP.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hồi tháng 10 cho biết Bắc Kinh coi việc giải quyết vấn đề Đài Loan là "lợi ích quốc gia lớn nhất", nhằm "thừa nhận sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc", trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan ở mức căng thẳng nhất trong nhiều năm.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Tuy nhiên, Bắc Kinh gần đây vẫn ưu tiên thúc đẩy quan hệ kinh tế với hòn đảo, trong nỗ lực nhằm lôi kéo Đài Loan xích lại gần hơn với đại lục và rời xa Mỹ.
Theo số liệu khảo sát năm 2016, ít nhất 64% người dân trên đảo Đài Loan cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng đòn bẩy kinh tế để ràng buộc Đài Bắc về mặt chính trị. Niềm tin này của người Đài Loan nhiều khả năng sẽ khiến chiến lược "quyến rũ" hòn đảo bằng lợi ích kinh tế của Trung Quốc đại lục khó phát huy hiệu quả.
Việc Thái Anh Văn, người không công nhận chính sách "Một Trung Quốc", lên nắm quyền hồi năm 2016 khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc trở nên nguội lạnh. Đảng Dân tiến (DPP) của bà Thái gia tăng sức ảnh hưởng bằng quan điểm chống lại Trung Quốc đại lục, nhưng ngay cả Quốc dân đảng (KMT), bên ủng hộ Bắc Kinh, cũng tỏ thái độ "xa lánh" nhằm cạnh tranh quyền lực với DPP. Thực tế này khiến khoảng cách chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan càng trở nên xa cách.
Trong bối cảnh đó, chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump càng khiến khoảng cách này bị nới rộng. Các đời tổng thống Mỹ trước đây công nhận chính sách "Một Trung Quốc" và chỉ hỗ trợ Đài Loan ở mức độ hạn chế, từ chối bán các loại vũ khí hiện đại nhất cho hòn đảo để tránh làm mếch lòng Bắc Kinh.
Nhưng dưới thời Trump, hải quân Mỹ trong năm 2019 tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan. Nước này hồi tháng 8 cũng phê duyệt thương vụ bán 66 tiêm kích F-16V trị giá 8 tỷ USD, hợp đồng vũ khí lớn nhất giữa Mỹ và Đài Loan trong nhiều năm qua, động thái khiến Trung Quốc giận dữ.
Thượng viện Mỹ hôm 17/12 cũng thông qua Dự luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) và gần như chắc chắn sẽ được Tổng thống Donald Trump ký, trong đó có điều khoản tăng cường các chuyến thăm cấp cao, trao đổi quân sự và bán vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan.
Đài Loan là một trong hàng loạt vấn đề khiến căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang nghiêm trọng, đặc biệt là cuộc chiến thương mại vừa gây tổn hại cho nông dân Mỹ, vừa trút gánh nặng lên nền kinh tế Trung Quốc. GDP quý III của nước này chỉ tăng 6% so với năm ngoái, thấp nhất trong vòng hơn 27 năm. Các chỉ số kinh tế khác cũng gây thất vọng và nguồn vốn đầu tư nước ngoài dần vuột khỏi tay Trung Quốc.
Với tình thế không có nhiều "vũ khí" để đáp trả Trump, Bắc Kinh hôm 13/12 chấp nhận thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Washington, giúp hoãn lệnh tăng thuế với 160 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 15/12, đồng thời giúp hạ mức thuế 15% với 120 tỷ hàng hóa xuống 7,5%.
Tuy nhiên, triển vọng chấm dứt chiến tranh thương mại vẫn mờ mịt, bởi bất kể Trung Quốc nỗ lực đàm phán đến đâu, Tổng thống Trump vẫn duy trì sự khó đoán. Bắc Kinh được cho là áp dụng chiến thuật "câu giờ" nhằm tìm kiếm thỏa thuận tốt hơn, nhưng điều này cũng tăng thêm sức ép lên nền kinh tế.
Giới chuyên gia cho rằng bất kể cuộc chiến thương mại ra sao, quan hệ Mỹ - Trung vẫn sẽ xấu đi vì chủ nghĩa dân tộc và cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu. Ngoài vấn đề Đài Loan và thương mại, hai nước còn rất nhiều căng thẳng khác như yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, sáng kiến Vành đai và Con đường, vấn đề Tân Cương hay những cáo buộc Bắc Kinh có hành vi gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ của Washington.
Jonathan Sullivan, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nottingham, nhận định đây là hệ quả tất yếu bởi lợi ích quốc gia của Bắc Kinh và Washington chồng chéo nhau. "Chiến tranh thương mại đã làm nảy sinh sự đối đầu chưa từng có giữa xã hội Trung Quốc với Mỹ. Tôi lo lắng thái độ thù địch có thể vượt kiểm soát, gây ra sự thụt lùi lớn với toàn bộ quan hệ quốc tế", tổng biên tập tờ Global Times Hồ Tích Tiến cho hay.
Trong bối cảnh phải căng mình đối chọi với Mỹ trên nhiều "mặt trận", Trung Quốc năm qua phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ liên quan đến đặc khu hành chính Hong Kong. Các cuộc biểu tình ở đặc khu bùng phát từ tháng 6 và kéo dài suốt nhiều tháng, với hàng trăm vụ bắt và vô số cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát.
Nguyên nhân châm ngòi biểu tình là dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm sang những khu vực tài phán chưa có hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đặc khu đã rút dự luật, người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường đòi đáp ứng những yêu cầu khác.
Các cuộc biểu tình kéo dài với quy mô lớn đã đẩy chính quyền Bắc Kinh vào tình thế khó xử. Chính sách "ngồi im" chờ đợi biểu tình lắng xuống dường như không có tác dụng. Tuy nhiên, theo bình luận viên Bret Stephens của NY Times, nếu Trung Quốc mạnh tay với người biểu tình Hong Kong, nỗi bất mãn thậm chí sẽ sôi sục hơn, có thể dẫn tới hủy hoại vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của đặc khu.
Stephens nói thêm rằng nếu thực hiện chính sách cứng rắn với Hong Kong, Trung Quốc có khả năng làm gia tăng căng thẳng với Mỹ, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ các nước trong khu vực xa lánh Bắc Kinh và xích lại gần Washington.
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng nếu chấp nhận mềm mỏng, đáp ứng các yêu cầu của người biểu tình Hong Kong, khả năng kiểm soát đặc khu của Bắc Kinh sẽ bị suy giảm, thậm chí khiến bất ổn lan rộng hơn và nước này trở nên "mất uy" với thế giới.
Trump hôm 27/11 ký thông qua đạo luật "Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong", trong đó có điều khoản trừng phạt các quan chức bị coi là vi phạm nhân quyền ở đặc khu. Trung Quốc lên án quyết định này của Tổng thống Mỹ là "ghê tởm và chứa ý đồ nham hiểm", cảnh báo sẽ trả đũa quyết liệt, nhưng không nêu cụ thể về biện pháp đáp trả.
Bình luận viên Wang đánh giá Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới nay vẫn chưa đẩy lùi được áp lực bủa vây Bắc Kinh trong cả ba vấn đề Đài Loan, Hong Kong và quan hệ với Mỹ, khi các phản ứng của họ đều là "đòn gió".
Ông Tập từng đặt ra tầm nhìn về "Giấc mơ Trung Hoa" với khát vọng đưa đất nước trở thành quốc gia hiện đại và hùng mạnh. Tuy nhiên, theo bình luận viên Stephens, sau một năm nhiều thách thức bủa vây, nhiệm vụ của các lãnh đạo Trung Quốc bây giờ là giúp đất nước tránh khỏi "cơn ác mộng" suy giảm kinh tế cũng như giảm bớt tình thế bị cô lập trên trường quốc tế.
Ánh Ngọc (Theo SCMP, NYTimes)