Tổng thống Mỹ Trump cuối tuần trước nâng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%, vào thời điểm hai nước đang đàm phán để đưa ra một thỏa thuận thương mại.
Ngay sau động thái của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố họ sẽ có biện pháp đáp trả nhưng chưa cho biết chi tiết. Bắc Kinh nhấn mạnh rằng họ sẽ không nhượng bộ về các nguyên tắc cốt lõi. Báo đảng Trung Quốc People's Daily ngày 9/5 đăng bài xã luận viết: "Chúng ta không muốn đối đầu, nhưng chúng ta không ngại đối đầu. Nếu không có lựa chọn nào khác, chúng ta sẽ chiến đấu".
Lập trường của hai bên trong cuộc chiến thương mại cho thấy hai nước sẵn sàng "chơi rắn" để bảo vệ lợi ích quốc gia. Ngoài thương mại, giữa Mỹ - Trung còn có nhiều căng thẳng khác chực chờ bùng nổ: hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Đài Loan, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ chỉ trích sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh và những cáo buộc của Washington chống lại tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei.
"Quan hệ Mỹ - Trung đang tiếp tục xấu đi. Tôi nghĩ đây là hậu quả tất yếu vì lợi ích quốc gia của hai nước chồng chéo nhau, gây ra xích mích", Jonathan Sullivan, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nottingham nói.
"Dù ông Trump là người rất khó đoán, tôi cho rằng cuộc chiến thương mại hiện tại chỉ mới là khởi đầu của những căng thẳng sắp tới".
Xu hướng này diễn ra vào thời điểm chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước đang dâng cao. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh "giấc mộng phục hưng dân tộc" - đưa đất nước trở lại thời huy hoàng trước đây. Học thuyết này có điểm tương đồng với khẩu hiệu "Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Trump.
"Chiến tranh thương mại đã làm nảy sinh tinh thần thù địch chưa từng có giữa xã hội Trung Quốc với Mỹ", tổng biên tập tờ Global Times Hồ Tích Tiến viết. "Tôi lo lắng thái độ thù địch có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, gây ra sự thụt lùi lớn với toàn bộ quan hệ quốc tế".
Cuộc chiến thương mại khiến ngày càng nhiều người Trung Quốc "tin rằng mục tiêu của Mỹ là kìm hãm Trung Quốc", Bill Bishop, biên tập viên trang Sinocism China Newsletter nhận xét.
Bắc Kinh có thể cố gắng khai thác tinh thần chủ nghĩa dân tộc trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, đó là "con dao hai lưỡi" có thể vượt khỏi tầm kiểm soát như người Trung Quốc tẩy chay hàng Mỹ hay các cuộc biểu tình rầm rộ, giống như phong trào phản đối của sinh viên Trung Quốc sau vụ Mỹ ném bom vào đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư năm 1999.
"Chúng ta chưa thấy tin tức nổi bật nào về việc tẩy chay hàng Mỹ nhưng có nguy cơ xảy ra", Bishop viết.
Ngoài thương mại, hai nước còn đối đầu trong việc tranh giành ảnh hưởng toàn cầu. Washington gọi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh - dự án kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi thông qua mạng lưới cảng, đường sắt và đường bộ - là "dự án phù phiếm".
Về mặt quân sự, Trung Quốc đang nhanh chóng hiện đại hóa quân đội với chi tiêu lớn cho tàu sân bay, máy bay chiến đấu tàng hình và các loại vũ khí tối tân khác. Sourabh Gupta, từ Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung, dự đoán cạnh tranh quân sự, hàng hải và địa chính trị của hai nước ở châu Á sẽ dữ dội hơn.
Ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại, cạnh tranh sẽ vẫn xảy ra "thường xuyên và quyết liệt", Hua Po, nhà bình luận chính trị độc lập có trụ sở tại Bắc Kinh nói.
"Những lo ngại của Mỹ về Trung Quốc là có cơ sở", Hua nói. "Mặc dù Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển, họ đang nỗ lực để bắt kịp Mỹ".
Công nghệ chiếm vị trí trung tâm trong cuộc chiến giành ưu thế về kinh tế và tập đoàn Trung Quốc Huawei kẹt ở giữa khi họ tìm cách trở thành bên dẫn đầu toàn cầu về công nghệ không dây 5G.
Mỹ kêu gọi các đồng minh phương Tây tẩy chay Huawei vì lo ngại thiết bị của họ có thể phục vụ cho mục đích tình báo của Trung Quốc. Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị giữ tại Canada từ năm ngoái theo yêu cầu của Mỹ và bị Washington cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
"Mấu chốt của cuộc chiến thương mại không phải là thặng dư và thâm hụt", Shi Yinhong, giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói. "Vấn đề mấu chốt là công nghệ cao", ông nhấn mạnh và cho biết thêm rằng căng thẳng thương mại cũng là một cách để Mỹ "buộc Trung Quốc thay đổi nhiều phần của hệ thống kinh tế và các chính sách công nghiệp".
"Đúng là mối quan hệ Mỹ - Trung đã bước vào một giai đoạn mới, bất đồng quan điểm, cạnh tranh và những xích mích có thể thường xuyên xảy ra", Tao Wenzhao, chuyên gia từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận xét.
Tuy nhiên, ông Tao cho rằng tình hình sẽ không diễn biến theo hướng quá tệ. "Dù có nhiều ý kiến bảo thủ đang nổi lên ở Mỹ, không ai ủng hộ việc hai nước đối đầu hoàn toàn. Tôi tin rằng khi nhìn vào lượng giao dịch thương mại khổng lồ giữa hai bên, cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng mối quan hệ này rất quan trọng nên không thể sụp đổ", ông nói.
Phương Vũ (Theo AFP)