"Tên lửa được phóng từ Biển Trắng nhằm vào mục tiêu mô phỏng tàu mặt nước đối phương ở khoảng cách hơn 400 km. Dữ liệu theo dõi cho thấy đường bay của quả đạn đáp ứng các tham số định sẵn. Mục tiêu bị xóa sổ, đợt phóng thử từ tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov đã thành công", Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết hôm qua.
Video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy quả đạn Zircon vọt lên từ ống phóng thẳng đứng trên hộ vệ hạm, điều chỉnh hướng bay rồi lao đi trong màn đêm. Tuy nhiên, video không cho thấy cảnh tên lửa đánh trúng mục tiêu.
Cuộc phóng nằm trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của tên lửa siêu vượt âm Zircon. Tổng thống Nga Vladmir Putin hồi đầu tháng 11 cho biết quá trình thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm Zircon sắp hoàn tất và loại vũ khí này sẽ được chuyển giao cho hải quân Nga từ năm sau.
Nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga hôm 28/11 tiết lộ công ty quốc phòng NPO Mashinostroyenia đã khởi động dây chuyền sản xuất hàng loạt tên lửa Zircon, dù các đợt bắn thử nghiệm cấp nhà nước vẫn đang diễn ra.
Tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov từng phóng thành công một quả đạn Zircon trong cuộc thử nghiệm ban đêm ở Biển Trắng cách đây hai tuần. Tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk hôm 4/10 cũng khai hỏa thành công tên lửa Zircon trong trạng thái nổi và lặn dưới biển.
Nguồn tin giấu tên cho biết thử nghiệm phóng tên lửa Zircon từ tàu ngầm sẽ được nối lại vào năm 2024, trước khi tàu ngầm hạt nhân tấn công Perm được biên chế. Đây là chiếc thứ năm thuộc Đề án 885M và cũng là tàu ngầm đầu tiên của Nga sử dụng vũ khí chính là tên lửa Zircon.
Tên lửa siêu vượt âm Zircon được cho là có thể tấn công các mục tiêu trên biển và đất liền ở khoảng cách 1.000 km với tốc độ tối đa 11.000 km/h, nhanh gấp 9 lần âm thanh. Nga dự kiến trang bị tên lửa siêu vượt âm này cho hàng loạt chiến hạm mặt nước và tàu ngầm, nhờ khả năng dùng chung bệ phóng thẳng đứng với tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa diệt hạm Oniks trong biên chế hiện nay.
Nga gần đây phát triển nhiều loại vũ khí tối tân với mục tiêu giành lợi thế trong các cuộc chạy đua vũ trang hoặc xung đột với Mỹ và phương Tây. Ngoài các "siêu vũ khí" như Zircon, Nga còn chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat và tên lửa hành trình dùng động cơ năng lượng hạt nhân Burevestnik.
Vũ Anh (Theo TASS)