Hạm đội 6 hải quân Mỹ tuần trước công bố ảnh tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Seawolf ở vùng biển ngoài khơi Na Uy và cập bến cảng thành phố Tromso, miền bắc nước này. Đây là lần đầu Mỹ công bố hình ảnh hoạt động của một tàu ngầm lớp Seawolf trong vòng 5 năm.
Lầu Năm Góc không cho biết chi tiết về nhiệm vụ của USS Seawolf tại biển Barents, chỉ nhấn mạnh nó được triển khai tới khu vực này nhằm "hỗ trợ năng lực tác chiến tàu ngầm của Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu (USNFE), cũng như thể hiện cam kết bảo đảm an ninh hàng hải và răn đe trong khu vực".
Thành phố Tromso của Na Uy nằm cách không xa hạt Finnmark ở miền bắc, khu vực giáp biên giới trên bộ với tỉnh Murmansk và bán đảo Kola của Nga. NATO cho rằng Finnmark có thể là trọng điểm đối đầu với Nga nếu một cuộc xung đột quy mô lớn diễn ra.
Chiến hạm của Washington hiếm khi hiện diện ở biển Barents, khu vực được coi là sân nhà của Moskva và tiếp giáp với căn cứ Hạm đội Phương Bắc hải quân Nga. Giới chuyên gia cho rằng chuyến thăm Na Uy của USS Seawolf có thể là tín hiệu gửi tới Nga khi nước này chuẩn bị tổ chức hàng loạt đợt tập trận lớn ở biển Barents và các vùng lân cận.
Không quân Mỹ trước đó cũng điều phi đội oanh tạc cơ tới khu vực và diễn tập với các tiêm kích F-16, F-35 Na Uy.
Lớp Seawolf được coi là một trong những tàu ngầm tốt nhất thế giới, nhưng chỉ có thể phát huy ưu thế trong Chiến tranh Lạnh khi Mỹ sẵn sàng bỏ nhiều tiền để đối phó với mối đe dọa từ Liên Xô. Thay đổi địa chính trị sau năm 1991 khiến hải quân Mỹ tập trung vào lớp Virginia có tính năng thua kém nhưng mức giá thấp hơn nhiều.
Dù chỉ có ba chiếc được chế tạo, lớp Seawolf vẫn là thành phần quan trọng của hạm đội tàu ngầm Mỹ, với những tính năng mà lớp Virginia hiện nay cũng không sánh nổi, nhất là độ ồn thấp và khả năng hoạt động dưới lớp băng dày ở Bắc Băng Dương, cho phép chúng đóng vai trò "thợ săn tàu ngầm" và nền tảng thu thập tin tức tình báo hiệu quả.
Mỗi chiếc Seawolf dài 107,6 m và rộng 12 m, có lượng giãn nước hơn 12.000 tấn. Đây là lớp tàu ngầm đầu tiên của Mỹ sử dụng hệ thống đẩy phản lực dòng nước (pump-jet). Tàu ngầm lớp Seawolf có tốc độ tối đa 65 km/h, cùng khả năng duy trì yên lặng ở tốc độ tới 37 km/h.
Hải quân Mỹ tuyên bố lớp Seawolf có độ ồn thấp hơn 10 lần lớp Los Angeles cải tiến, hoặc 70 lần so với phiên bản Los Angeles nguyên gốc. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho uy lực lớn là chi phí chế tạo rất cao.
Chương trình Seawolf có tổng chi phí 33 tỷ USD cho 12 tàu ngầm, con số quá cao với chính phủ Mỹ, nhất là khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Dự án đóng tàu Seawolf bị rút xuống chỉ còn ba chiếc với tổng chi phí 7,3 tỷ USD.
Vũ Anh (Theo Sputnik)