"Nga đã phát triển nhiều năng lực chiến lược, trong đó có tàu ngầm, đặt ra thử thách đáng kể cho quá trình theo dõi và dẫn tới mối đe dọa từ tên lửa hành trình có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ. Trung Quốc cũng có thể làm điều tương tự trong tương lai gần", tướng không quân Glen VanHerck, người được đề cử làm chỉ huy Bộ tư lệnh Phương Bắc của Mỹ, nói trong cuộc họp với các thượng nghị sĩ hôm 28/7.
Tướng VanHerck cho rằng các đối thủ của Washington, trong đó có Moskva và Bắc Kinh, đã phát triển khả năng tác chiến sau hơn ba thập kỷ theo dõi cách vận hành của quân đội Mỹ.
Phó đô đốc Andrew Lewis, tư lệnh Hạm đội 2 hải quân Mỹ, hồi đầu năm nay cảnh báo bờ biển nước này không còn là nơi an toàn bởi các tàu ngầm hiện đại của Nga. "Thực tế mới là các thủy thủ sẽ phải hoạt động trong vùng đụng độ ngay khi rời quân cảng. Tàu chiến của chúng ta không còn khả năng hoạt động vô tư và không bị cản trở", ông nói trong hội thảo của Viện Hải quân Mỹ.
Tàu ngầm Nga từng nhiều lần di chuyển gần bờ biển Mỹ mà không bị phát hiện. Một sĩ quan Nga năm 2018 cho biết tàu ngầm tấn công Đề án 971 Shchuka-B của ông từng qua mặt nhiều hệ thống cảnh giới để áp sát căn cứ quân sự Mỹ, nhưng vẫn đảm bảo tính chuyên nghiệp và không xâm phạm lãnh hải Mỹ, chỉ di chuyển trong vùng biển quốc tế.
Đại tá hải quân Vasily Tankovid, cựu chỉ huy tàu ngầm hạt nhân Alexander Nevsky, cho biết con tàu từng đi qua eo biển Bering và quan sát được bờ biển Mỹ bằng mắt thường hồi năm 2015, nhưng hải quân Mỹ không thể phát hiện và theo dõi hành trình.
Nguồn tin Lầu Năm Góc giấu tên cho biết hải quân Mỹ cuối năm ngoái từng triển khai lượng lớn tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay tuần thám nhưng không thể tìm thấy tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk của Nga khi nó tuần tra ở bắc Đại Tây Dương.
Vũ Anh (Theo USNI)