Sau khi lửa bùng phát dữ dội trên tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard đang neo đậu để bảo dưỡng tại quân cảng San Diego, bang California, hải quân Mỹ đã triển khai các tàu kéo liên tục phun nước vào một khoang chứa máy bay mở của tàu để dập lửa và làm mát thân tàu. Trực thăng cứu hỏa cũng dùng gầu lớn trút nước xuống chiến hạm để cố gắng khống chế đám cháy.
Sau hai ngày lực lượng cứu hỏa phun nước không ngừng nghỉ, lượng nước tích tụ bên trong thân tàu đổ bộ lớn đến mức khiến chiến hạm này nghiêng hẳn về ben phải, chuẩn đô đốc Philip Sobeck, chỉ huy Nhóm Tác chiến Viễn chinh 3 hải quân Mỹ, cho biết trong cuộc họp báo ngày 13/7.
Dù các thủy thủ được huy động lên tàu Richard để bơm nước ra ngoài, ảnh chụp hôm nay cho thấy con tàu vẫn bị nghiêng về phía mạn phải, trong lúc khói đen bốc lên mù mịt từ bên trong thân tàu.
Chuẩn đô đốc Sobeck phải thừa nhận rằng phần kiến trúc thượng tầng của tàu đã sụp đổ dưới sức nóng quá lớn của ngọn lửa và "đám cháy đang xuyên thủng mọi thứ bên trong tàu". Tuy nhiên, Sobeck không cho biết liệu thân tàu có hư hại hay không.
Khi được hỏi liệu có thể cứu được tàu Richard hay không, chuẩn đô đốc Sobeck nói "ưu tiên hàng đầu là dập lửa" rồi đánh giá thiệt hại của vụ hỏa hoạn. Sobeck sau đó nói "rất hy vọng" con tàu sẽ được ra khơi lần nữa.
Đám cháy bùng phát sáng 12/7, khi tàu Bonhomme Richard neo đậu tại căn cứ hải quân San Diego để bảo trì. Hơn 400 thủy thủ cùng các nhân viên cứu hỏa liên bang sử dụng nhiều tàu và trực thăng để chữa cháy. Gần 60 người bị thương, trong đó 5 người phải nhập viện rồi được ra sau đó, chủ yếu do hít phải khói hoặc kiệt sức vì hơi nóng.
Chuẩn đô đốc Sobeck xác nhận đám cháy chỉ còn cách khoang chứa dầu của tàu Richard hai tầng, lực lượng cứu hỏa đang "làm mọi cách" để đảm bảo ngọn lửa không lan tới khu vực đó. Nếu hơn 3.000 tấn dầu trên tàu bốc cháy, nó không chỉ thiêu rụi hoàn toàn con tàu, mà còn gây thảm họa lớn về môi trường
Chiến hạm Bonhomme Richard được đặt tên theo bản dịch tiếng Pháp của cụm từ "Richard Khốn khổ", bút danh của cựu tổng thống Mỹ Benjamin Franklin, là một trong 8 tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của Mỹ. Tàu Richard được biên chế vào năm 1998, hải quân Mỹ khi đó dự kiến vận hành chiến hạm trong 40 năm.
Sàn đáp dài trên tàu đổ bộ tấn công Richard dài hơn 240 m, thủy thủ đoàn 1.200 người gồm lính hải quân và thủy quân lục chiến. Chiến hạm mang theo nhiều trực thăng, tiêm kích F-35B cùng các phương tiện đổ bộ. Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính chiến hạm có chi phí chế tạo khoảng 761 triệu USD và đang thực hiện gói nâng cấp 250 triệu USD, khiến giá trị của nó vượt một tỷ USD.
Nguyễn Tiến (Theo NY Times)