"Đây chắc chắn là điều khiến chúng tôi lo ngại", chuẩn đô đốc Philip Sobeck, chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 3 hải quân Mỹ, nói với các phóng viên hôm 13/7 khi được hỏi về nguy cơ lửa lan đến khoang chứa một triệu gallon (hơn 3.000 tấn) dầu trong tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard.
Chuẩn đô đốc Sobeck xác nhận đám cháy còn cách khoang chứa dầu khoảng hai tầng. "Chúng tôi đang làm mọi thứ để bảo đảm ngọn lửa không lan tới khu vực đó", ông nói, nhấn mạnh hải quân Mỹ quyết tâm chữa cháy thay vì để ngọn lửa tự tắt sau vài ngày.
Tuần duyên Mỹ cũng chuẩn bị kịch bản ứng phó sự cố tràn dầu khi triển khai rào chắn quanh khu vực neo tàu USS Bonhomme Richard, đồng thời lập vùng đệm an toàn rộng 1,5 km để bảo vệ người dân.
Đám cháy bắt nguồn từ khoang chứa thiết bị trên tàu USS Bonhomme Richard và đã bước sang ngày thứ hai. Ngọn lửa lan khắp thân tàu, bao trùm phần thượng tầng và cột radar, khiến một phần cấu trúc này bị nóng chảy và đổ sập. Đài chỉ huy và các khoang điều hành trên thượng tầng cũng bị lửa thiêu rụi.
Hải quân Mỹ cho biết gần 60 người đã bị thương do vụ cháy, trong đó 5 người nằm viện và hiện sức khỏe ổn định. Hơn 400 lính cứu hỏa, nhiều tàu chữa cháy và hai trực thăng hải quân được triển khai để đối phó với ngọn lửa.
Một số chuyên gia cho rằng sau khi ngọn lửa được khống chế, con tàu sẽ phải đắp chiếu nhiều năm và tiêu tốn hàng trăm triệu USD để sửa chữa, thậm chí là bị loại biên vì hư hỏng quá nặng.
USS Bonhomme Richard là chiếc thứ sáu trong lớp tàu đổ bộ tấn công Wasp, loại chiến hạm lớn thứ hai trong biên chế hải quân Mỹ, chỉ sau tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tàu được biên chế từ năm 1998, đã tham gia một số hoạt động quân sự trong những năm qua. Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính USS Bonhomme Richard có chi phí chế tạo khoảng 761 triệu USD và đang thực hiện gói nâng cấp 250 triệu USD, khiến giá trị của nó vượt một tỷ USD.
Vũ Anh (Theo Drive)