"Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để cứu con tàu", chuẩn đô đốc Philip Sobeck, chỉ huy Nhóm Tác chiến Viễn chinh 3 của hải quân Mỹ, nói trong cuộc họp báo tại thành phố San Diego, bang California, ngày 13/7, đề cập tới nỗ lực cứu tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard đang bốc cháy tại quân cảng ở thành phố này.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại ngọn lửa bùng phát dữ dội suốt hai ngày qua và chưa có dấu hiệu được khống chế có thể gây thiệt hại ngoài khả năng khắc phục với tàu Bonhomme Richard. Chuẩn đô đốc Sobeck cũng phải thừa nhận rằng phần kiến trúc thượng tầng của tàu đã sụp đổ dưới sức nóng quá lớn của ngọn lửa và "đám cháy đang xuyên thủng mọi thứ bên trong tàu".
"Chúng ta đang dần mất một trong số ít chiến hạm có thể dùng để thay thế tàu sân bay ở Trung Đông, trong lúc chúng ta dồn trọng tâm cho khu vực Thái Bình Dương", Bryan Clark, chuyên gia tại Học viện Hudson, nói.
Đám cháy bùng phát sáng 12/7, khi tàu Bonhomme Richard neo đậu tại căn cứ hải quân San Diego để bảo trì. Sau tiếng nổ, lửa bùng phát là nơi tập kết các vật tư sửa chữa tàu, như vách thạch cao, giàn dáo và giẻ. Khu vực ngọn lửa bùng phát cũng chứa các thiết bị của thủy quân lục chiến trên tàu.
Hơn 400 thủy thủ cùng các nhân viên cứu hỏa liên bang sử dụng nhiều tàu và trực thăng để chữa cháy. Gần 60 người bị thương, trong đó 5 người phải nhập viện rồi được ra sau đó, chủ yếu do hít phải khói hoặc kiệt sức vì hơi nóng.
Chuẩn đô đốc Sobeck xác nhận đám cháy chỉ còn cách khoang chứa dầu của tàu Richard hai tầng, lực lượng cứu hỏa đang "làm mọi cách" để đảm bảo ngọn lửa không lan tới khu vực đó. Nếu hơn 3.000 tấn dầu trên tàu bốc cháy, nó không chỉ thiêu rụi hoàn toàn con tàu, mà còn gây thảm họa lớn về môi trường.
Các quan chức hải quân cho biết có thể mất vài ngày mới khống chế được đám cháy, bởi việc chữa cháy trong tàu chiến gặp rất nhiều khó khăn. Giới chức địa phương khuyến cáo người dân San Diego ở trong nhà và lo ngại đám cháy làm ảnh hưởng tới chất lượng không khí quanh thành phố.
Chiến hạm Bonhomme Richard được đặt tên theo bản dịch tiếng Pháp của cụm từ "Richard Khốn khổ", bút danh của cựu tổng thống Mỹ Benjamin Franklin. Đây là một trong số ít tàu đổ bộ tấn công Mỹ được cấu hình lại để cho phép tiêm kích F-35 Lightning II cất hạ cánh. Tiêm kích F-35B xuất kích từ tàu Richard lần đầu năm 2018.
Tàu đổ bộ tấn công Richard được đưa vào sử dụng năm 1998 và dự kiến phục vụ hải quân Mỹ trong 40 năm. Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính chiến hạm có chi phí chế tạo khoảng 761 triệu USD và đang thực hiện gói nâng cấp 250 triệu USD, khiến giá trị của nó vượt một tỷ USD.
Một quan chức hải quân dự đoán trong trường hợp đám cháy không hủy hoại hoàn toàn Bonhomme Richard, Lầu Năm Góc cũng sẽ "cần nỗ lực rất lớn" để đưa con tàu hoạt động trở lại. Những người lạc quan cho rằng sẽ mất vài tháng để sửa chữa chiến hạm, trong khi nhiều người nhận định con tàu đã trở nên "vô phương cứu chữa" và chỉ có thể bán sắt vụn.
Trường hợp tương tự từng xảy với tàu ngầm tấn công USS Miami bị cháy vào tháng 5/2012 khi bảo trì tại xưởng đóng tàu ở thị trấn Kittery, bang Maine. Sau các cuộc tranh luận công khai về việc cứu con tàu, hải quân Mỹ quyết định loại biên chiến hạm Miami hai năm sau vụ hỏa hoạn vì chi phí sửa chữa quá cao.
Nguyễn Tiến (Theo WSJ)