Hải quân Mỹ tuần trước công bố hình ảnh tàu chiến đấu ven biển USS Gabrielle Giffords liên tục di chuyển gần tàu Hải dương Địa chất 4 của Trung Quốc trên Biển Đông. Khi xem xét các bức ảnh, một số chuyên gia quân sự đã phát hiện chiến hạm này chưa được bổ sung vũ khí kể từ đợt phóng thử Tên lửa Tấn công Hải quân (NSM) đầu tháng 10/2019.
"Sau hơn 9 tháng, chiến hạm triển khai tiền phương Gabrielle Giffords vẫn chưa được lắp ống phóng tên lửa thay cho quả đạn bắn từ năm ngoái. Chiến hạm này phải làm nhiệm vụ với 7 quả đạn RGM-184A, thay vì đầy đủ cơ số 8 quả như thiết kế", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét.
Hạm đội 7 hải quân Mỹ từ chối bình luận về thông tin này, chỉ khẳng định USS Gabrielle Giffords vẫn tham gia các nhiệm vụ tuần tra bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông.
USS Gabrielle Giffords là tàu chiến đầu tiên của hải quân Mỹ trang bị tên lửa NSM do Na Uy sản xuất, loại vũ khí chống hạm được coi là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc trên biển, đồng thời là gói nâng cấp vũ khí quan trọng với dự án tàu chiến đấu ven biển (LCS) của Washington.
Ưu điểm lớn nhất của NSM là khả năng ẩn mình trước radar và tầm bắn lên đến hơn 160 km, xa hơn 30% so với tên lửa Harpoon. Đường truyền dữ liệu với máy bay trinh sát không người lái cũng cho phép NSM tấn công mục tiêu nằm ngoài phạm vi hoạt động của radar trên tàu chiến.
"Việc không thay được ống phóng tên lửa suốt nhiều tháng là điều rất khó hiểu, thậm chí còn đặt ra nhiều nghi vấn về tình trạng của dự án LCS, cũng như khả năng hỗ trợ các hệ thống đã triển khai và bảo đảm sức chiến đấu cho những chiếc LCS ở tuyến đầu, vốn chỉ mang được rất ít vũ khí", Trevithick nói thêm.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ năm ngoái công bố báo cáo cho thấy hải quân Mỹ đã chi 30 tỷ USD cho chương trình LCS kể từ năm 2004. Tính đến nay, mới chỉ có 19 tàu được đưa vào biên chế, chậm hơn nhiều so với kế hoạch 49 chiếc hoạt động trước năm 2020. Giới quan sát nhận định đây là một trong những dự án vũ khí lãng phí nhất của Lầu Năm Góc, có nguy cơ hủy hoại sức mạnh hải quân Mỹ.
Hải quân Mỹ phát triển tàu chiến đấu ven biển theo nguyên lý module, cho phép kết hợp những vũ khí và thiết bị không người lái khác nhau, giúp LCS dễ dàng chuyển đổi thành nhiều loại tàu chiến khác nhau tùy thuộc nhiệm vụ. Tuy nhiên, các module lại gặp vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng, khiến số tàu LCS nhiều hơn vũ khí có thể lắp đặt cho chúng. Lầu Năm Góc sau đó phải ngừng theo đuổi phương án lắp module vũ khí và trang bị khí tài cố định cho từng tàu.
Vũ Anh (Theo Drive)