Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ hồi giữa tháng 5 công bố báo cáo cho thấy hải quân Mỹ đã chi 30 tỷ USD cho chương trình Tàu chiến đấu ven biển (LCS) kể từ năm 2004. Tính đến năm 2019, chỉ có 10 tàu đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu, trong đó 4 chiếc dự kiến triển khai hoạt động trong năm tới. Giới quan sát nhận định đây là một trong những dự án vũ khí lãng phí nhất của Lầu Năm Góc, có nguy cơ hủy hoại sức mạnh hải quân Mỹ.
Năm 2004, chính quyền tổng thống Mỹ George W. Bush khẳng định hải quân cần nhanh chóng tăng số lượng tàu chiến từ 300 lên 375 chiếc để có thể giành chiến thắng trong các xung đột tiềm tàng. LCS là mẫu tàu chiến được hải quân Mỹ ưu tiên tăng cường số lượng trong chiến lược này.
Vào thời điểm đó, LCS được đánh giá là chiến hạm có thiết kế hiện đại, giá rẻ, linh hoạt và tối ưu cho nhiệm vụ tuần tra các vùng biển nông gần bờ, có giao thông hàng hải nhộn nhịp như ở Trung Đông. "Chúng ta cần loại tàu này", đô đốc Vern Clark, tư lệnh hải quân Mỹ khi đó, phát biểu.
Tháng 3/2004, hải quân Mỹ đặt một canh bạc lớn khi yêu cầu tập đoàn Lockheed Martin và công ty Austal của Australia đóng 4 chiếc LCS mỗi năm. Lực lượng này đặt mục tiêu sở hữu 49 trong tổng số 56 tàu LCS vào năm 2019 với tổng chi phí chưa đến 30 tỷ USD. Chúng được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột trong lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới vào năm 2025.
Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề bắt đầu phát sinh sau đó. Tàu LCS đầu tiên mang tên USS Freedom có giá lên tới 400 triệu USD khi hạ thủy năm 2006, đội giá 180 triệu USD so với dự kiến ban đầu.
Do thiết kế vội vã, lớp tàu này liên tiếp gặp vấn đề với kết cấu và hệ thống cơ khí. USS Freedom và USS Independence gặp sự cố khi bảo dưỡng trong năm 2010 và 2011, phải nằm cảng trong nhiều tháng.
Năm 2016, USS Freedom lại hỏng động cơ trong một cuộc tập trận với Hạm đội Thái Bình Dương và mất tới hai năm để sửa chữa. Trong thời gian này, hải quân Mỹ quyết định dừng mọi đợt triển khai quy mô lớn với LCS.
Ngay cả không gặp trục trặc, lớp tàu LCS cũng không thể chiến đấu do lỗi thiết kế. Hải quân Mỹ phát triển chúng theo nguyên lý module, cho phép kết hợp nhiều vũ khí và thiết bị không người lái khác nhau. Điều này giúp LCS dễ dàng chuyển đổi thành các loại tàu chiến khác nhau tùy thuộc nhiệm vụ. Tuy nhiên, các module lại gặp vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng, khiến hải quân Mỹ sở hữu nhiều tàu LCS hơn số vũ khí có thể lắp đặt cho chúng.
Vấn đề lớn nhất với chương trình LCS là khái niệm tác chiến. Hải quân Mỹ đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm để đóng tàu LCS nhưng lại không xác định rõ cách sử dụng chúng trong thực tế.
Các tàu chiến trước đó được chế tạo rất vững chãi để đối phó thiệt hại trong chiến đấu, trong khi LCS lại sử dụng những vật liệu nhẹ để tiết kiệm chi phí và giảm độ mớn nước, cho phép chúng hoạt động ở vùng biển nông gần bờ. Điều này khiến những chiếc LCS dễ bị đe dọa bởi các hệ thống phòng thủ bờ của đối phương.
"Tàu LCS không thể sống sót trong môi trường chiến đấu ác liệt", giám đốc Cơ quan Thử nghiệm và Đánh giá thuộc Lầu Năm Góc nhận xét trong báo cáo công bố năm 2011.
Hải quân Mỹ muốn LCS đạt tốc độ tối đa 74 km/h, nhanh hơn 15 km/h so với các tàu chiến khác. Điều này đòi hỏi động cơ lớn và uy lực, nhưng cũng làm chi phí vận hành tăng vọt và hạn chế thời gian hoạt động trên biển do tốn nhiều nhiên liệu.
Trong nỗ lực giảm chi phí vận hành LCS, hải quân Mỹ đã tìm cách giảm số thủy thủ trên tàu. Động thái này khiến một số thành viên thủy thủ đoàn phải làm việc gấp đôi so với những người cùng vị trí trên khinh hạm và nhanh chóng trở nên kiệt sức.
Trong giai đoạn 2015-2016, hải quân Mỹ thừa nhận chương trình LCS tiêu tốn quá nhiều thời gian và ngân sách. Họ hủy kế hoạch phát triển module chiến đấu và bắt đầu lắp giá vũ khí cố định lên tàu, nhằm tăng cơ hội sống sót cho những chiếc LCS trước chiến hạm Nga và Trung Quốc. Lầu Năm Góc cũng quyết định giảm số tàu LCS dự kiến xuống còn 35 chiếc.
Tàu cuối cùng thuộc dự án LCS được đặt hàng trong năm 2019, trong khi 18 chiếc vẫn đang được đóng mới. Khi toàn bộ 35 tàu được biên chế vào đầu thập niên 2020, chỉ 24 chiếc được triển khai đến các hạm đội, số còn lại sẽ được dùng để huấn luyện và thử nghiệm.
"Ngay cả khi LCS có thể triển khai và chứng tỏ khả năng, chương trình này vẫn là thất bại lớn của hải quân Mỹ khi tiêu tốn hàng chục tỷ USD nhưng chỉ chế tạo được hơn một nửa số tàu chiến so với kế hoạch, không giúp ích cho tham vọng mở rộng quy mô hải quân", chuyên gia quân sự David Axe nhận xét.
Duy Sơn (Theo Daily Beast)