"Tàu tác chiến ven biển (LCS) USS Gabrielle Giffords hôm 12/5 hiện diện gần tàu khoan West Capella mang quốc tịch Panama ở nam Biển Đông. Đây là lần thứ hai tàu LCS tuần tra vùng biển này kể từ khi chiếc USS Montgomery và tàu tiếp vận USNS Cesar Chavez di chuyển qua khu vực hôm 7/5 để thực thi quyền tự do hàng hải", hải quân Mỹ hôm nay ra thông cáo cho biết.
Chuẩn đô đốc Fred Kacher, tư lệnh Nhóm tác chiến viễn chinh số 7 hải quân Mỹ, khẳng định sự hiện diện của chiến hạm Gabrielle Giffords gần tàu khoan West Capella cho thấy năng lực của Washington trong khu vực. "Sự tương tác liên tục và tích cực của hải quân Mỹ tại đây là tín hiệu cho thấy chúng tôi ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", ông cho hay.
Phó đô đốc Bill Merz, tư lệnh Hạm đội 7, khẳng định hải quân Mỹ sẽ hoạt động tại mọi khu vực trên Biển Đông mà luật pháp quốc tế cho phép. "Chiến dịch hiện diện thường kỳ như của tàu Gabrielle Giffords tái khẳng định quyền tự do đi lại. Nước Mỹ cũng ủng hộ các đồng minh và đối tác theo đuổi lợi ích kinh tế hợp pháp", phó đô đốc Merz nói thêm.
Tàu khoan West Capella do công ty dầu khí nhà nước Malaysia Petronas vận hành hôm qua rời khỏi khu vực thăm dò. Hợp đồng của Petronas với công ty khoan dầu Seadrill nhằm triển khai các hoạt động của West Capella dự kiến kết thúc trong tháng này, theo các nguồn tin an ninh giấu tên.
Tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá của Trung Quốc trước đó hiện diện trong khu vực cách đảo Borneo của Malaysia khoảng 371 km, theo dữ liệu từ trang web chuyên theo dõi tàu Marine Traffic.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của Mỹ cho biết các tàu Trung Quốc thường xuyên quấy nhiễu tàu West Capella trong thời gian này. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc, nói rằng tàu Địa chất Hải dương 8 đang tiến hành "hoạt động thông thường".
Hôm 21/4, tàu đổ bộ tấn công USS America cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill của Mỹ đã di chuyển gần khu vực hoạt động của West Capella. Hai tuần sau, tàu USS Montgomery và tàu tiếp vận USNS Cesar Chavez tiếp tục thực hiện nhiệm vụ "duy trì hiện diện" này.
Địa chất Hải dương 8 xuất hiện trở lại ở Biển Đông trong bối cảnh các nước đang nỗ lực ngăn chặn Covid-19. Mỹ cáo buộc Trung Quốc "lợi dụng sự mất tập trung hoặc dễ bị tổn thương của các nước để mở rộng yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông", đồng thời yêu cầu Trung Quốc ngừng hành vi "bắt nạt" các nước trong khu vực.
Hồi tháng 7/2019, tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc từng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông, sau đó rời đi vào cuối tháng 10/2019. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc nói trên, khẳng định vùng ở nam Biển Đông không thuộc khu vực tranh chấp.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 14/4 cho biết Việt Nam theo dõi sát tình hình ở Biển Đông. "Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ quy định liên quan của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông", bà Hằng nói.
Vũ Anh