Các quan chức cấp cao của chính phủ Đức hôm 2/3 xác nhận tàu hộ vệ này sẽ khởi hành sang châu Á vào tháng 8 và sẽ đi qua Biển Đông trong hành trình trở về. Đây sẽ là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.
Tuy nhiên, các quan ngoại giao và quốc phòng Đức nói thêm con tàu sẽ không đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể tranh chấp trên Biển Đông.
Tờ Nikkei của Nhật Bản hôm 25/1 dẫn các nguồn tin cho biết tàu hộ hệ này nhiều khả năng sẽ tới Nhật Bản và ghé thăm cảng Hàn Quốc, Australia trong hành trình tới châu Á, nhằm thể hiện trọng tâm mới hướng tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính phủ Đức.
Việc điều tàu chiến tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một động thái hiếm gặp của Berlin, bởi Đức không có lãnh thổ ở khu vực này như Anh hay Pháp. Định hướng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới được chính phủ Đức phê chuẩn năm ngoái, nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật và thúc đẩy các thị trường mở trong khu vực. Việc triển khai tàu chiến tới khu vực sẽ là bước đầu tiên trong việc hiện thực hóa chiến lược này.
Mỹ và các đồng minh phương Tây gần đây tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và các hành vi quyết liệt của Trung Quốc ở khu vực.
Trung Quốc trong những năm qua ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo trái phép, đẩy mạnh hoạt động quân sự tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông và hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế.
Việt Nam khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối các hoạt động quân sự hóa làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh trong khu vực.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)