"Đức muốn các vấn đề ở Biển Đông cần được giải quyết dựa trên luật quốc tế và Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS)", Đại sứ Hildner nói trong họp báo ngày 30/9 tại Hà Nội, nêu lý do Đức cùng Anh và Pháp gửi công hàm bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đến LHQ hôm 16/9. Họp báo diễn ra nhân dịp Quốc khánh Đức vào 3/10.
Đại sứ cho biết UNCLOS là công ước toàn diện, bao gồm định nghĩa về vùng biển, chủ quyền và biện pháp giải quyết khi xảy ra tranh chấp. Tất cả các vấn đề liên quan đến tự do hàng hải đều ảnh hưởng đến việc duy trì thương mại giữa các nước, trong đó có Đức. Bên cạnh đó, Đức cũng có trách nhiệm lên tiếng vì là thành viên của UNCLOS. Quan điểm của Đức đã được nêu ra từ lâu.
"Khi có tranh luận căng thẳng giữa các nước ven Biển Đông, chúng tôi cần nhắc lại quan điểm. Các lý lẽ mới trong tranh luận không làm thay đổi chủ trương của chúng tôi", ông Hildner nói.
Sau khi Đức thông qua Định hướng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tháng 9/2020, Đại sứ cho hay nước này muốn gìn giữ pháp luật liên quan đến Biển Đông và nêu bật tầm quan trọng của khu vực, đưa ra lời mời hợp tác với tất cả các nước châu Á. Các hoạt động gần đây của Đức không phải là "bước nhảy vọt", mà kế thừa chính sách từng có, cho thấy Đức ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Đại sứ Hildner cho hay Việt Nam và Đức hợp tác với nhau rất chặt chẽ trong ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ và chủ nghĩa đa phương, trong đó bao gồm tôn trọng luật quốc tế, đề cao tự do hàng hải và tự do thương mại, giải quyết tranh hoà bình các tranh chấp. Hợp tác này được xúc tiến ở Hội đồng Bảo an LHQ, nơi Việt Nam và Đức đang là thành viên không thường trực, ở các diễn đàn đa phương, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 và Đức là Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (CEU).
"Hệ thống chung đang bị nghi ngờ, vì thế chúng ta cần bảo vệ và phát triển nó", ông Hildner nói.
Ở quy mô khu vực, các thành viên của EU và ASEAN đang trao đổi về việc gia tăng hợp tác, hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Trong bối cảnh các nước đang ứng phó với Covid-19, Đại sứ Đức cho biết nước này và Việt Nam thống nhất cần tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch. Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ tác động của dịch với hoạt động của các doanh nghiệp Đức kinh doanh ở Việt Nam và đang tích cực tìm giải pháp.
Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU. Năm 2019 giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 10,9 tỷ USD, giá trị xuất khẩu của Đức sang Việt Nam đạt 4,8 tỷ USD. Trong nửa đầu năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Đức vẫn tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà đầu tư Đức đã đầu tư hơn 2,1 tỷ USD vào Việt Nam. Đại sứ tin rằng thương mại hai nước sẽ tăng mạnh sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/8.
Theo Đại sứ, trong điện đàm ngày 15/9 nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng Đức Angela Merkel sang thăm Việt Nam. Bà Merkel cũng có lời mời tương tự. Hôm 23/9, Việt Nam và Đức đã ký kết Hiệp định chính phủ ba bên về phát triển và mở rộng Trường Đại học Việt Đức, một dự án tiên phong của hai nước. Luật nhập cư nhân lực lao động chuyên môn của Đức có hiệu lực từ tháng 3/2020 cũng mở ra các cơ hội việc làm mới tại Đức cho nhân lực lao động chuyên môn Việt Nam.