Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho thành phố Hà Nội quản lý vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông từ thời gian trên. "Tàu sẽ vận hành ngay sau lễ bàn giao, 15 ngày đầu miễn phí hoàn toàn cho tất cả hành khách", ông Tuấn nói trong chuyến kiểm tra chiều tối 3/11.
Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, đơn vị trực tiếp vận hành cho hay, nhân viên nhà ga sẽ phát thẻ 0 đồng cho khách và thu lại vào cuối ngày để kiểm đếm số lượng. Khách cũng được phát miễn phí sổ tay hướng dẫn đi tàu. Sau thời gian này, giá vé lượt dự kiến là 8.000 đồng với chặng ngắn và 15.000 đồng toàn tuyến.
Khu bán vé được dán chỉ dấu xếp hàng đúng khoảng cách an toàn. Khách lên xuống các ga phải quét mã QR. Mỗi nhà ga đều có phòng cách ly nếu phát hiện người nghi nhiễm Covid-19.
Tuyến đường sắt dài 13 km, tàu đi mất 23 phút nếu dừng tất cả 12 ga, thời gian dừng mỗi ga dự kiến 45 giây. Nếu tàu chạy từ điểm đầu - ga Cát Linh đến điểm cuối - ga Yên Nghĩa và ngược lại không dừng, thời gian chỉ mất 13 phút và không gặp bất kỳ trở ngại nào do chạy ở đường riêng.
Có 52 tuyến xe buýt dọc đường sắt này, riêng ga Cát Linh có 16 tuyến buýt. Để giúp người dân thuận tiện kết nối xe buýt với đường sắt, Hà Nội đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm dừng đỗ, xây thêm 14 nhà chờ, bố trí dịch vụ trông xe cá nhân tại các bến.
Thành phố đã thống nhất với ngành giao thông kế hoạch khai thác năm đầu chia hai giai đoạn. Cụ thể, sáu tháng đầu tiên có 6 đoàn tàu chạy, mỗi chuyến cách nhau 10 phút. Trong đó, 3 đoàn chạy không dừng các ga, để phục vụ khách trải nghiệm. Sáu tháng tiếp theo có 9 đoàn tàu chạy, thời gian giãn cách vẫn là 10 phút. Kế hoạch khai thác lúc này sẽ được điều chỉnh căn cứ tình hình thực tế.
"Dự án đã được chuẩn bị thời gian dài, có những khó khăn vướng mắc phải vượt qua... Đến nay, thành phố đã tiếp nhận các quy trình bảo dưỡng, khai thác vận hành, xử lý các vấn đề an toàn hệ thống để đảm bảo an toàn kỹ thuật tuyệt đối cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông", lãnh đạo thành phố nói.
Do đây là tổ hợp đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam nên thành phố đã lập tổ công tác đặc biệt để xử lý những tình huống cấp bách và tổ chức diễn tập nhiều tình huống.
Về nhân lực, năm đầu chỉ sử dụng 680 người, trên tổng số dự kiến 733 người. Trong đó, hơn 200 người được đào tạo tại Trung Quốc, số còn lại được đào tạo trong nước. 51 lái tàu đã được cấp phép theo quy định của Luật Đường sắt.
Thành phố cũng đầu tư riêng một dự án nâng cấp hệ thống khớp nối giao thông với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Phó Chủ tịch Hà Nội hy vọng tuyến đường sắt hoạt động sẽ giúp tăng tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng, cùng 9 tuyến đường sắt đô thị khác đang xây dựng, tạo ra mạng lưới giao thông quan trọng góp phần giảm ùn tắc nội đô.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ.
Võ Hải