"Tôi mong muốn tranh giúp phòng bệnh không còn là bốn bức tường trắng xóa, lạnh lẽo, bệnh nhân ngắm tranh sẽ quên muộn phiền, thêm nghị lực chiến đấu bệnh tật", họa sĩ Kim Đức, Chủ tịch Quỹ tranh thiện nguyện, nói ngày 14/11.
Nữ họa sĩ cho biết nhiều bệnh nhân thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Họ gặp khó khăn trong việc chấp nhận bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình. Tại các nước phát triển, tranh trang trí bệnh viện được đón nhận tích cực. Tại Việt Nam, chỉ một số khoa dành cho trẻ em mới trang trí trong phòng bệnh nhân bằng các bức vẽ sống động. Trong khi đó những bệnh nhân ung thư ngoài thuốc men, dinh dưỡng, yếu tố tinh thần đóng vai trò quan trọng trong quá trình chữa bệnh.
Bác sĩ Phí Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện K, cho biết bệnh nhân ung thư trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, song khó khăn nhất với họ là giai đoạn chẩn đoán. Nhiều bệnh nhân hoảng loạn, tức giận, từ chối không chấp nhận bệnh. Có người hỏi "tại sao lại là tôi, tôi có sống ác đâu". Có người lo lắng và trầm cảm.
"Các bệnh nhân thường nói 'trăm sự nhờ bác sĩ', song chúng tôi nói rằng chỉ có 'một sự' về chuyên môn bác sĩ giúp được, còn lại là tinh thần, quyết tâm điều trị của bệnh nhân là vô cùng quan trọng", bác sĩ Dương nói.
Vì vậy, ngoài việc điều trị chuyên môn, bệnh viện chú trọng đến việc chăm sóc đời sống tinh thần cho họ. Bệnh viện phối hợp với các đoàn từ thiện, các tổ chức đến trao tặng quà về cả vật chất và tinh thần để động viên. Bố trí trồng, đặt nhiều cây xanh, những bức tranh được trao tặng xung quanh phòng bệnh, mang cảm giác bình yên.
"Bên cạnh việc thay đổi diện mạo bệnh viện, các bức tranh cũng mang lại cho nhân viên y tế sự thư giãn, hứng khởi, giảm stress trong công việc, từ đó nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh", bác sĩ Dương nói.
Điều trị tại khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện K cơ sở 2, sáng 14/11, ông Nguyễn Văn Bến quê ở Vĩnh Phúc, hướng mắt lên bức tranh sơn dầu vẽ quả chín. Ông nói: "Bình thường nhìn trần nhà mỏi mắt rồi lại nhắm vào, nay ngắm tranh thấy tinh thần dịu đi".
Bên ngoài hành lang, từng nhóm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cùng xúm lại xem và bàn luận về màu sắc, cấu trúc các bức tranh vừa được treo trên tường.
Họa sĩ Kim Đức, Quỹ tranh sẽ tiếp tục tặng tranh cho các bệnh viện khác. Bà mong muốn chính những điều giản dị tươi đẹp từ những bức tranh sẽ mang lại cho bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ những giây phút thư giãn, thêm năng lượng để tiếp tục chiến đấu.
"Thông điệp tôi muốn gửi qua những bức tranh sưu tầm và vẽ tặng cho các bệnh viện là 'Ngọt ngào cùng chia sẻ'", bà Kim Đức nói.