Trả lời:
Tầm soát ung thư nhằm phát hiện sớm bệnh ung thư trước khi triệu chứng lâm sàng xuất hiện. Để tầm soát, bác sĩ cần hỏi bệnh về tiền sử bản thân, gia đình đồng thời thăm khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm. Tuy nhiên, không ai tự dưng đi kiểm tra chụp chiếu, làm xét nghiệm tất cả các bộ phận trên cơ thể để tìm bệnh ung thư. Điều này gây tốn kém và không hiệu quả. Hơn nữa, có một số loại bệnh ung thư trong một số trường hợp không có biểu hiện bất thường trên các các phương tiện chẩn đoán khi bệnh ở giai đoạn sớm.
Lợi ích của tầm soát ung thư là phát hiện sớm để phòng chống ung thư, có kế hoạch chăm sóc, theo dõi sức khỏe và chuẩn bị định hướng điều trị, giúp tăng cơ hội điều trị khỏi bệnh, tăng hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, giảm chi phí điều trị so với việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Tầm soát ung thư thường áp dụng trên những đối tượng nguy cơ cao mặc bệnh ung thư nào đó, thường liên quan đến những nhóm tuổi nhất định, ví dụ: ung thư vú ở phụ nữ trên 40 tuổi hoặc người có nguy cơ ung thư di truyền.
Để khám sàng lọc ung thư, tùy theo triệu chứng lâm sàng, tiền sử gia đình của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm phù hợp và cần thiết như xét nghiệm máu, nội soi, siêu âm... Khi có dấu hiệu nghi ngờ sẽ tiến hành chụp CT, chụp MRI, chụp PET/CT... và nhiều xét nghiệm chuyên sâu khác. Các bác sĩ sẽ dựa vào những kết quả này để đưa ra kết quả chẩn đoán cuối cùng.
Tầm soát một số ung thư phổ biến
Ung thư phổi là một trong những loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng, Nguy cơ gia tăng ung thư phổi theo thời gian và số lượng thuốc lá hút. Chụp cắt lớp vi tính liều thấp (low-dose CT scan) là phương pháp được lựa chọn làm để sàng lọc ở đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi.
Ung thư gan là bệnh có tỷ lệ mắc cao ở Việt Nam. Những người nam giới trên 50 tuổi, xơ gan do rượu, viêm gan B, C, xơ gan do nhiễm độc là nhóm có nguy cơ cao nhất. Để sàng lọc cần phối hợp siêu âm ổ bụng và bộ ba xét nghiệm máu: AFP, AFP-L3, PIVKA II.
Ung thư dạ dày thường không có biểu hiện rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường khác. Cho đến khi xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng thì cũng là lúc bệnh đã bắt đầu tiến triển nặng. Các nước trên thế giới, đặc biệt Nhật Bản, đã tiến hành sàng lọc ung thư dạ dày bằng nội soi dạ dày định kỳ để phát hiện những tổn thương ác tính ở giai đoạn rất sớm.
Ung thư đại trực tràng thường gặp ở nhóm độ tuổi 50-75 tuổi hoặc trước 50 tuổi nếu có yếu tố nguy cơ gia đình. Để sàng lọc phát hiện sớm cần xét nghiệm máu tiềm ẩn trong phân (FOBT - Fecal occult blood test), nội soi đại trực tràng.
Ung thư vú: trong các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, yếu tố nổi bật nhất là tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú. Ngoài ra có sự liên quan tới đột biến gene, có kinh lần đầu tiên sớm, sinh con đầu lòng muộn. Tự khám vú là phương pháp ít tốn kém và vô hại, thực hiện tự khám tuyến vú mỗi tháng một lần và khám sau khi sạch kinh khoảng 5 ngày. Phụ nữ tự khám vú thường xuyên có thể phát hiện bệnh ngay từ khi khối u còn nhỏ. Phụ nữ trên 40 tuổi được khuyến cáo nên chụp nhũ ảnh mỗi năm một lần.
Ung thư cổ tử cung: phương pháp chính trong sàng lọc ung thư cổ tử cung là Pap test được tiến hành lấy tế bào vùng cổ tử cung bằng que (Pap smear) hoặc qua bàn chải nhỏ (Thinprep). Mẫu bệnh phẩm sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi và đánh giá sự bất thường của tế bào cổ tử cung. Nếu phát hiện có tế bào bất thường, bệnh nhân sẽ được làm thêm soi cổ tử cung và sinh thiết giúp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm.
Tầm soát ung thư có chính xác hay không là băn khoăn của rất nhiều người. Hiện nay, y học ngày càng phát triển với những kỹ thuật máy móc hiện đại với độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác của các kỹ thuật chẩn đoán ngày được nâng cao. Tuy nhiên, rất khó có một kỹ thuật để đảm bảo có độ chính xác 100%. Vì vậy, để có được kết quả chẩn đoán bệnh tốt, bạn nên lựa chọn cơ sở y tế có uy tín, có chất lượng chuyên môn tốt để đảm bảo được việc tầm soát có hiệu quả tốt nhất.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Văn Thái
Phó Giám đốc, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai