Bất động sản (BĐS) ở thành phố lớn vốn dĩ không phải là cuộc chơi của người thu nhập thấp vậy nên chúng ta hãy đừng lý luận theo kiểu cơ quan chức năng phải can thiệp để họ có nhà. Đây không phải là cuộc thi đại học, chẳng có điểm cộng ưu tiên gì ở đây cả.
Những người muốn đánh thuế BĐS thứ hai thật cao, muốn kêu gọi kinh doanh bằng vốn của người khác, họ phát biểu cứ nhẹ tựa lông hồng.
Đương nhiên tôi cũng biết trong tương lai bất động sản thứ hai sẽ bị đánh thuế, đó là xu hướng của thế giới để chuyển tài sản từ người giàu qua người nghèo, bởi trong tương lai người nghèo sẽ thất nghiệp do các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
>> Có chục tỷ đồng, ai sẽ đầu tư kinh doanh thay vì mua đất?
Tôi sẽ chẳng bao giờ là người bị ảnh hưởng nếu bị đánh thuế BĐS thứ hai thật cao. Một là người thuê nhà của tôi sẽ phải thuê giá cao hơn, hoặc tôi sa thải bớt nhân viên, hoặc tôi tăng giá bán sản phẩm, hoặc tôi chuyển tài sản ra một quốc gia khác với mức thuế suất dễ chịu.
Trong 3 năm qua, có 20 người tới xem nhà tôi cho thuê và 5 người cuối cùng vào ở thật sự. Hoặc nếu bi đát như khi đợt dịch thì chỉ cần giảm một triệu đồng mỗi phòng thôi thì người ta cũng kéo tới xem nhà ầm ầm rồi.
Các bạn nên nhớ lại đợt dịch vừa rồi, hàng trăm nghìn người đi thuê nhà túng quẫn và phải chạy về quê tránh dịch. Hầu như chưa có bài báo nào nói về một lượng lớn (>1000) chủ nhà trọ phải bán tống bán tháo nhà cả.
Cán cân luôn nằm ở phía người có nhà, vì trên thị trường người ở thuê lúc nào cũng nhiều gấp mấy lần những người có nhà cả. Thậm chí ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, cứ xây nhà trọ công nhân là có người thuê ngay lập tức, trong thời gian chưa đến một tuần.
>> Elon Musk không nhà và người bạn tôi cố mua đất ở tuổi 40
Chưa kể, đánh thuế người giàu tức là đánh thuế những ông chủ nhà xưởng, chủ doanh nghiệp, chủ của bạn. Thu thuế của họ một đồng, họ sẽ tăng giá sản phẩm, sa thải nhân viên, không tăng lương nhân viên để bù lại một đồng đã mất... Rốt cuộc trong một khoảng thời gian dài, chính người nghèo sẽ phải chịu mức thuế đó theo một cách gián tiếp.
Theo tôi, chỉ cần cơ quan chức năng giãn dân bằng hệ thống hạ tầng hoặc giảm lãi suất cho vay mua nhà, mới là giải pháp giúp nhà ở tiếp cận được nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội hiện nay.
Hoang Lam Huynh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.