Tần Cương, đại sứ mới của Trung Quốc tại Mỹ đã đặt chân đến Washington hôm 27/7. Ông là một trong những nhà ngoại giao theo phong cách "chiến lang" nổi bật nhất Trung Quốc, thường xuyên lên tiếng phản đối gay gắt những chỉ trích từ phương Tây nhằm vào Bắc Kinh.
Trong vai trò mới của mình, ông Tần sẽ thực hiện những nỗ lực nhằm định hình lại mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Bắc Kinh cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tiếp tục thách thức sự trỗi dậy của Trung Quốc và họ đang không ngừng cố gắng ngăn chặn Washington tập hợp một mặt trận thống nhất chống lại mình.
Đại sứ Tần được cho là sẽ truyền thông điệp tới Washington rằng Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn Trung Quốc được đối xử như một cường quốc, cho thấy tâm thế tự tin mà Bắc Kinh có được phần nào nhờ thành công trong nỗ lực khống chế đại dịch Covid-19.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã thể hiện thái độ này trong cuộc họp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy R. Sherman tuần qua và vào hồi tháng ba, khi họ công khai khẩu chiến với những quan chức chính quyền Biden tại cuộc hội đàm ở thành phố Anchorage, bang Alaska.
Trong một thông điệp đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đại sứ Tần Cương nói hai nước nên "đối xử với nhau một cách tôn trọng và bình đẳng, đồng thời theo đuổi mục tiêu chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi".
Khác với gần như tất cả các đại sứ Trung Quốc tại Mỹ kể từ những năm 1980 đến nay, ông Tần chưa có kinh nghiệm đối phó với Washington và cũng chưa từng được cử đến Mỹ làm nhiệm vụ trước đây. Nhưng với tư cách người đứng đầu văn phòng thông tin của Bộ Ngoại giao và sau đó là trưởng ban lễ tân, ông có lẽ đã giành được tín nhiệm từ Chủ tịch Tập. Ông thường xuyên tháp tùng Chủ tịch Tập trong các chuyến công du thế giới cũng như trong các cuộc gặp lãnh đạo nước ngoài.
Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập hồi năm 2015, Tần Cương cho thấy ông là một người "sẵn sàng xù lông mà không do dự khi cảm thấy cần thiết", Ryan Hass, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings, cựu giám đốc phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận xét.
"Tần Cương rất chú ý đến việc lãnh đạo của ông ấy được thể hiện một hình ảnh như thế nào cũng như thông điệp mà hình ảnh đó sẽ truyền đi", Hass nói thêm.
Với tư cách đại sứ, ông Tần sẽ phải điều hướng một mối quan hệ ngày càng gai góc giữa Washington và Bắc Kinh. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tức giận lên án những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với nước này vì vấn đề Tân Cương và Hong Kong. Nhưng họ cũng đang cố gắng tìm ra điểm chung có thể hợp tác với Washington trước những mối đe dọa toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Tập lâu nay vẫn luôn tìm cách đưa Trung Quốc trở thành một đối trọng với Mỹ trên trường quốc tế. Trong một cuộc họp hồi năm ngoái với các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc, ông đã nói rằng "phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy yếu", nhưng không nên đánh giá thấp khả năng phục hồi của Mỹ. Bình luận mà Chủ tịch Tập đưa ra cho thấy một thái độ quyết đoán nhưng cũng rất cẩn trọng.
Khi chính quyền Biden ra hiệu sẽ tiếp tục xây dựng liên minh trên toàn thế giới nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc, ông Tập cảnh báo rằng Bắc Kinh không nên bị gạt ra bên lề các vấn đề toàn cầu và sẵn sàng đẩy lùi sức ép từ phương Tây.
"Người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép các thế lực nước ngoài bắt nạt, đàn áp hay nô dịch chúng tôi", ông phát biểu hôm 1/7 nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc. "Bất cứ ai có ý định như vậy sẽ va phải Vạn lý Trường Thành thép được dựng lên bởi máu xương của 1,4 tỷ người".
Đại sứ Tần, 55 tuổi, được đánh giá là người rất phù hợp với nỗ lực thúc đẩy lập trường cứng rắn của ông Tập.
Người tiền nhiệm của ông, cựu đại sứ Thôi Thiên Khải, đã mạnh mẽ bảo vệ các chính sách của Trung Quốc sau khi nhận chức vụ vào năm 2013, nhưng lại tự vạch ranh giới với những tuyên bố mang tính ngụy biện và các thuyết âm mưu về Covid-19 mà một số nhà ngoại giao Trung Quốc đưa ra.
"Quan hệ Mỹ - Trung đang ở một ngã rẽ quan trọng", ông Thôi nói trong thông điệp chia tay hồi tháng trước.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, ông Tần làm trợ lý tin tức tại văn phòng của hãng truyền thông United Press International (UPI) ở Bắc Kinh trước khi gia nhập Bộ Ngoại giao vào năm 1992. Ông được biết đến nhiều hơn sau khi trở thành phát ngôn viên của Bộ vào năm 2005, khi Trung Quốc đối mặt với các áp lực quốc tế về vấn đề nhân quyền cũng như các chính sách cứng rắn của Bắc Kinh ở Tây Tạng và Tân Cương.
Ông Tần thường xuyên tranh luận với phóng viên tại các cuộc họp báo, thỉnh thoảng trả lời câu hỏi bằng những lời chế giễu, mỉa mai.
Với tư cách phát ngôn viên, ông Tần "không bao giờ trả lời lấp lửng trước một câu hỏi nào đó và thái độ của ông luôn rất rõ ràng, thẳng thắn", bản mô tả trong hồ sơ về ông do trường đại học cũ đăng vào năm 2018 khi ông được thăng chức thứ trưởng ngoại giao có đoạn. "Ông ấy không bao giờ lảng tránh hay vòng vo".
Ông Tần bắt đầu sự nghiệp ngoại giao tại bạn chuyên trách các vấn đề về phương Tây và châu Âu, sau đó trở thành nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc ở London, Anh. Trong giai đoạn sự nghiệp tiếp theo, ông lãnh đạo các hoạt động thông tin của Bộ Ngoại giao và giám sát việc tổ chức các nghi thức lễ tân trong những chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo hay đón tiếp lãnh đạo quốc tế đến thăm Trung Quốc. Ông luôn tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ hình ảnh quốc gia và hình ảnh của Chủ tịch Tập.
Trên cương vị thứ trưởng ngoại giao, ông Tần là người bảo vệ tích cực cho các chính sách của Trung Quốc, từng triệu tập các nhà ngoại giao nước ngoài ở Bắc Kinh để bày tỏ sự không hài lòng trước những tuyên bố của họ về các vấn đề gây tranh cãi.
"Trên trường quốc tế, có một số lực lượng chống Trung Quốc đang ngụy tạo đủ loại dối trá để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. 1,4 tỷ người dân Trung Quốc sẽ không bao chờ chấp nhận điều này", ông hồi năm ngoái nói tại một biểu chiêu đãi do Đại sứ quán Đức ở Bắc Kinh tổ chức.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)