"Tôi không muốn tham chiến", anh nói với AFP. "Tôi không muốn bỏ mạng trong cuộc xung đột giữa những bên vốn là anh em như thế này".
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/9 ra lệnh động viên một phần nhằm tăng quân cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Không lâu sau khi lệnh được đưa ra, những dòng xe được trông thấy nối dài tại các cửa khẩu biên giới Phần Lan và Gruzia. Giá vé máy bay khởi hành từ Moskva cũng tăng chóng mặt.
Vé một chiều từ Moskva tới các nước gần Nga đã tăng lên trên 5.000 USD nhưng đều được bán sạch kể cả trong vài ngày tới. Các nhóm trên mạng xã hội thảo luận về cách rời Nga nhanh chóng nhất liên tục mọc lên.
"Xung đột thật tồi tệ", Sergei, một người đàn ông Nga từ chối cung cấp họ, nói với hãng thông tấn Reuters, khi anh đặt chân đến thủ đô Belgrade của Serbian ngày 22/9. "Chẳng có vấn đề gì nếu bạn sợ xung đột và chết chóc hay những thứ tương tự như thế".
Một người khác, tên Alex, cho hay anh bắt máy bay tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngay sau khi hay tin về lệnh động viên quân của Tổng thống Putin.
"Lệnh động viên là một trong những lý do tôi ở đây", anh nói. "Đó dường như là một bước đi khá tệ bởi nó có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề cho người dân Nga". Alex tin rằng không có nhiều người Nga muốn trở thành một phần trong cuộc xung đột với Ukraine hiện nay.
Một người Nga khác, Vasily, đến Istanbul cùng vợ, con gái và 6 vali hành lý. "Lệnh động viên quân là điều không thể tránh khỏi bởi Nga đang thiếu nhân lực. Tôi không lo lắng lắm vì tôi đã 59 tuổi rồi còn con trai tôi thì sống ở nước ngoài", ông nói.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 22/9 cho hay thông tin về việc người Nga rời khỏi đất nước vì lệnh điều động đang bị phóng đại quá mức. Phát ngôn viên quân đội Nga Vladimir Tsimlyansky trong khi đó nói rằng trong ngày đầu tiên của đợt điều động một phần, khoảng 10.000 công dân đã tự nguyện đến các văn phòng tuyển mộ mà không cần chờ lệnh triệu tập.
Vài giờ sau khi Tổng thống Putin công bố lệnh động viên quân, Oleg nhận được giấy triệu tập của mình trong hộp thư, yêu cầu anh trình diện tại trung tâm tuyển quân địa phương ở thành phố Kazan, thủ phủ nước Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga.
Là một trung sĩ 29 tuổi thuộc lực lượng dự bị của Nga, Oleg cho hay anh luôn biết rằng mình sẽ là người đầu tiên trong danh sách triệu tập nếu lệnh động viên quân được ban bố, nhưng vẫn hy vọng mình sẽ không phải tham chiến ở Ukraine.
"Trái tim tôi nặng trĩu khi tôi nhận được giấy triệu tập", anh nói. "Nhưng tôi không có thời gian để tuyệt vọng".
Anh nhanh chóng thu xếp tất cả đồ đạc và đặt vé một chiều đến Orenburg, thành phố miền nam nước Nga sát biên giới với Kazakhstan.
"Tôi sẽ lái xe qua biên giới tối nay", Oleg nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với báo Guardian của Anh hôm 22/9 từ sân bay ở Orenburg. "Tôi không biết khi nào sẽ trở về".
Nhưng những lựa chọn điểm đến của những người muốn rời Nga rất hạn chế. Hồi đầu tuần, 4 trong 5 nước châu Âu có biên giới với Nga thông báo họ sẽ không cho phép công dân Nga nhập cảnh với visa du lịch.
Vé cho các chuyến bay thẳng từ Moskva đến thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Yerevan, Armenia, Tashkent, Uzbekistan, và Baku, Azerbaijan, những nơi cho phép người Nga nhập cảnh mà không cần thị thực, đều đã được bán hết cho cả tuần tới. Trong khi chuyến bay một chiều rẻ nhất từ Moskva đến Dubai có giá khoảng 5.600 USD, quá đắt so với hầu hết những người Nga bình thường.
Rất nhiều người, giống như Oleg, buộc phải tìm lối đi riêng. Họ hướng đến một số cửa khẩu biên giới đất liền vẫn còn mở cho người Nga.
Lực lượng biên phòng Phần Lan, quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng vẫn cho phép người Nga nhập cảnh bằng thị thực du lịch, cho biết họ đã chứng kiến "một số lượng đột biến" công dân Nga tìm cách nhập cảnh trong đêm. Biên giới Nga - Gruzia và Nga - Mông Cổ cũng ghi nhận lượng xe đông, theo lời các nhân chứng.
"Chúng tôi đang nhìn thấy một cuộc di cư thậm chí còn lớn hơn thời điểm giao tranh mới bùng phát", Ira Lobanovskaya, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận "Guide to the free World" giúp những người Nga phản đối cuộc xung đột với Ukraine rời khỏi đất nước, cho biết.
Theo bà, trang web của tổ chức đã nhận được hơn 1,5 triệu lượt truy cập kể từ sau bài phát biểu của Tổng thống Putin hôm 21/9. Theo ước tính của Lobanovkaya, hơn 70.000 người sử dụng dịch vụ hỗ trợ của nhóm đã rời đi hoặc đang lên kế hoạch chi tiết để rời khỏi Nga.
"Họ đều là những người mua vé một chiều. Họ sẽ không quay trở về chừng nào lệnh điều động vẫn được thực hiện", Lobanovskaya nói.
Nhân viên hải quan tại các sân bay Nga đã bắt đầu tra hỏi các nam hành khách rời khỏi đất nước về tình trạng nghĩa vụ quân sự của họ và kiểm tra xem họ có vé khứ hồi hay không.
Tờ Guardian còn phỏng vấn cả một số phụ nữ Nga, chủ yếu là các bác sĩ, y tá quân y, những người cũng quyết định rời đất nước sau khi xuất hiện thông tin rằng chính phủ muốn điều động cả các nhân viên y tế ra mặt trận.
"Tôi biết nhiệm vụ của tôi là cứu người", Tatayana, bác sĩ đến từ thành phố Irkutsk, vùng Siberia thuộc Nga, nói. "Nhưng tôi tin rằng cuộc xung đột này càng sớm kết thúc thì càng ít người phải chết". Tatayana đã mua vé bay đến thủ đô Baku của Azerbaijan vào tuần tới.
Trông thất thần, mệt mỏi tại sân bay Armenia, Sergei, 44 tuổi, cùng con trai, Nikolai, 17 tuổi, cho biết họ quyết định rời khỏi Nga "vì lệnh điều động". "Chúng tôi không chọn cách chờ để bị triệu tập", Nikolai nói. "Tôi không hoảng loạn nhưng cảm thấy bất ổn".
Trong khi đó Valentin, 35 tuổi, đến từ St. Petersburg, từng phục vụ hải quân Nga từ năm 2009 đến 2010, có quan điểm khác. "Một số muốn rời khỏi đất nước nhưng hầu hết chúng tôi sẽ lên đường nếu được yêu cầu. Tôi không sợ hãi. Nếu tôi nhận được thông báo, tôi sẽ đi", anh nhấn mạnh.
Nhưng một số người Nga khác trên cùng chuyến bay đến Yerevan của cha con Nikolai có suy nghĩ ngược lại. "Tham gia vào một cuộc xung đột ở thế kỷ 21 là điều sai trái, nói nhẹ nhàng là vậy", Alexei, 39 tuổi, quả quyết.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, Guardian)