Tổng thống Putin ngày 21/9 phát lệnh động viên 300.000 quân dự bị, một ngày sau khi ra thông báo tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về sáp nhập Nga tại 4 khu vực, gồm Donetsk, Lugansk ở miền đông Ukraine, cùng Kherson và Zaporizhzhia ở miền nam nước này.
Theo các nhà phân tích chính trị và quân sự, quyết định này là dấu hiệu cho thấy Moskva đang gặp khó khăn trên chiến trường Ukraine. Chúng diễn ra sau một loạt thất bại quân sự chớp nhoáng của các lực lượng Nga, buộc họ phải rút lui khỏi tỉnh Kharkov, đông bắc Ukraine, hồi đầu tháng, đồng thời khiến những tiếng nói cứng rắn trong nước Nga kêu gọi chính phủ mạnh tay hơn trong cuộc đối đầu với Kiev.
Edward Stringer, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Anh, nhận định ở trạng thái hiện tại, các lực lượng vũ trang Nga không có khả năng tiếp nhận, đào tạo và triển khai hàng trăm nghìn tân binh.
Những binh sĩ được huy động một cách miễn cưỡng có thể giúp Nga củng cố phòng tuyến của mình nhưng khó đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch tấn công, Rob Lee, chuyên gia về quân đội Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ, đánh giá.
"Họ không thể thực hiện hiệu quả lệnh động viên này", Dara Massicot, chuyên gia về quốc phòng Nga tại viện nghiên cứu RAND Corp, Mỹ, cho biết. Theo bà, vì không có nhiều thời gian nên Nga sẽ buộc phải tập hợp quân lại và nhanh chóng gửi ra mặt trận trong những điều kiện không tối ưu.
Nga đã tập hợp khoảng 200.000 quân, phần lớn là lực lượng bộ binh chuyên nghiệp, khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng hai. Moskva được cho là đã cố gắng bổ sung hàng chục nghìn quân sau đó nhằm đẩy mạnh đà tiến công song những nỗ lực này có dấu hiệu suy yếu kể từ cuối tháng 6.
"Tổng thống Putin luôn phản đối việc động viên quân nhưng đã buộc phải làm vậy. Điều này có nghĩa kế hoạch của ông ấy đã thất bại", Marat Gelman, một chính trị gia đối lập ở Nga, từng là cố vấn chiến dịch tranh cử cho ông Putin, nhận xét.
Các nhà bình luận và chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc ở Nga đã kêu gọi chính phủ ra lệnh động viên quân suốt nhiều tháng qua, chỉ ra rằng Ukraine đã dần tạo dựng được lợi thế về nhân lực nhờ huy động và huấn luyện hàng trăm nghìn quân kể từ tháng hai đến nay. Bên cạnh đó, họ cũng dần lấp đầy cách biệt về hỏa lực với Nga nhờ những vũ khí hiện đại phương Tây viện trợ. Hàng chục nghìn tân binh Ukraine đang được huấn luyện ở Anh và các nước châu Âu khác. Ngoài ra, Ukraine cũng có nguồn cung cấp quân sự ổn định, từ quân phục đến hệ thống radar từ Mỹ và các đồng minh.
Trong khi Liên Xô trước kia có một hệ thống các cơ sở quân sự dự phòng, những đơn vị huấn luyện dự bị và vũ khí, trang thiết bị dự trữ để có thể điều động ngay lập tức, quân đội Nga ngày nay không còn duy trì được điều này. Nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan, những người từng chiến đấu ở Ukraine có khả năng chỉ huy, dẫn dắt các đơn vị mới được điều động, đã thiệt mạng hoặc bị thương.
Thực tế trên là một phần nguyên nhân khiến giới chuyên gia đánh giá Nga sẽ khó lòng sử dụng hiệu quả 300.000 lính mới được điều động trên chiến trường Ukraine.
Rob Lee cho hay tác động tức thời lớn nhất của lệnh động viên quân là ngăn các binh sĩ Nga đang phục vụ rút lui khi hợp đồng hết hạn và Nga có thể triển khai thêm lực lượng tới các vùng lãnh thổ Ukraine mà Moskva kiểm soát một khi chúng được sáp nhập. Theo sắc lệnh của ông Putin, quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang sẽ được tự động gia hạn hợp đồng cho đến khi chính quyền quyết định kết thúc thời gian động viên một phần.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga có thể khiến Moskva không thể bù đắp các tổn thất về trang thiết bị trên chiến trường. Theo công ty tư vấn mã nguồn mở Oryx, số lượng xe tăng Nga bị phá hủy hoặc thu giữ đã lên tới 1.155 chiếc. Hàng trăm xe bọc thép chở quân, pháo tự hành, xe tăng và các phương tiện quân sự khác cũng bị bỏ lại khi quân đội Nga vội vã rút lui khỏi Kharkov.
"Lệnh động viên quân của ông Putin là một đề xuất thất bại", Andriy Zagorodnyuk, cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine, nói. "Nga sẽ không có gì để trang bị cho họ, không có sĩ quan chỉ huy họ và cũng không có phương tiện để di chuyển họ".
Quân đội Nga suy yếu ở Ukraine và tình hình sẽ không thay đổi đáng kể với lệnh động viên một phần của Tổng thống Putin, Zagorodnyuk cho biết thêm.
Dù vậy, việc triển khai các tân binh, bất kể họ không được trang bị đầy đủ và chưa qua đào tạo, vẫn có thể giúp Nga phần nào ổn định chiến tuyến trong những tháng tới, đặc biệt là khi mùa đông bắt đầu và khiến các chiến dịch tấn công của Ukraine trở nên khó khăn hơn.
"Điều Nga có thể hy vọng là những người này sẽ chiến đấu vì tính mạng của chính họ, bắn trả vì họ bị bắn và tuân theo chỉ thị từ chỉ huy vì nếu không, họ có thể bị đưa ra tòa", Alexander Baunov, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở ở Washington DC, Mỹ, bình luận.
Một số chuyên gia chỉ ra rằng trong sắc lệnh của ông Putin có chi tiết "lính dự bị được huy động sẽ nhận mức lương như quân nhân chuyên nghiệp phục vụ toàn thời gian", những người có thu nhập lớn hơn nhiều so với mức lương trung bình của Nga. Điều đó có thể khiến đề xuất trở nên hấp dẫn đối với thanh niên ở các tỉnh có mức lương thấp hơn so với các thành phố lớn.
Mick Ryan, tướng Australia về hưu, cho rằng dụng ý của ông Putin là "kéo dài cuộc chiến và chờ đợi các quốc gia phương Tây chán nản". Tổng thống Nga có thể đặt cược rằng sự ủng hộ của phương Tây với Ukraine sẽ suy giảm khi họ đối mặt khó khăn về năng lượng và các tác động kinh tế trong mùa đông.
"Số quân được huy động không đủ để tạo ra bất kỳ đóng góp mang tính quyết định nào hoặc thay đổi cục diện xung đột. Động thái này thiên về luân chuyển và thay thế lực lượng để kéo dài chiến sự", Ryan nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP)