Thời điểm đó, dự án điện gió thương mại đầu tiên tại Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á vừa được khởi công ở Bình Thuận. Tôi đem dự án này ra trình bày với sếp cùng danh mục điện gió tiềm năng.
Sau phần thuyết trình đầy hào hứng của tôi về cơ hội đầu tư rộng mở tại Việt Nam về năng lượng sạch, sếp chỉ cười. Vị giám đốc đầu tư người Mỹ gốc Việt, vốn là chuyên gia tài chính đã thành danh tại Phố Wall, nêu ba câu hỏi đơn giản: Thứ nhất, dự án có lợi nhuận không? Thứ hai, các rủi ro là gì và giải pháp kiểm soát rủi ro? Thứ ba, có thể thoái vốn khi cần không?
Theo những ước định về chi phí và doanh thu thì dự án kia có lợi nhuận. Lúc ấy, cơ chế riêng về giá bán điện gió lên lưới chưa được ban hành. Dù vậy, chủ dự án vẫn tin tưởng vào những chính sách ưu đãi đầu tư có sẵn và cho rằng dự án mình đương nhiên được hưởng. Nhà đầu tư tin tưởng dự án sẽ có giá bán điện cao.
Nhưng điều mang tính sống còn, là hợp đồng mua bán điện với EVN, thì chưa có. Đây là rủi ro về doanh thu và ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư. Tôi đã không tự thuyết phục được bản thân khi trả lời câu hỏi thứ hai.
Thực tế đã diễn ra cho thấy, dự án phải trải qua thủ tục thẩm định giá phức tạp vì chưa có tiền lệ và vướng nhiều quy định chồng chéo. Thậm chí 6 tháng sau khi phát điện lên lưới, nhà đầu tư vẫn chưa thống nhất được giá điện. Sau 10 năm vận hành, những người làm dự án vẫn còn "đau khổ" vì sự giẫm chân nhau giữa những quy định pháp lý.
Sau này nghiệm lại, tôi thường vận dụng bài học vỡ lòng gồm ba câu hỏi trên cho nhiều quyết định đầu tư cá nhân.
Dù cơ chế hỗ trợ đầu tư điện gió đã được ban hành 10 năm qua tại Việt Nam, chỉ chưa đến 4.000 MW công suất điện gió vận hành, tính đến cuối tháng 10 vừa rồi. So với gần 20.000 MW điện mặt trời được đưa vào hoạt động chưa đầy ba năm qua, điện gió đang bị "đàn em" bỏ lại phía sau quá xa.
106 dự án điện gió đã phải "chạy bở hơi tai", nhưng chỉ hơn một nửa kịp tiến độ vận hành thương mại và được áp giá điện ưu đãi cuối tháng 10. Tôi nghĩ, đã đến lúc cần tư duy lại tầm nhìn điện gió cho quốc gia.
Dù được Ngân hàng Thế giới đánh giá là quốc gia có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á, bức tranh điện gió của Việt Nam vẫn còn nhỏ bé và nhà đầu tư còn chật vật.
Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), giá điện gió đã giảm một nửa chỉ trong thập niên qua. Cụ thể, giá điện gió trên bờ giảm đến 56%, điện gió ngoài khơi giảm 48%. Giá điện gió hiện nay hoàn toàn có thể cạnh tranh được với giá điện than và điện khí trong khi thân thiện môi trường hơn rất nhiều. Đây là cơ hội để phát triển điện gió, đa dạng hóa nguồn năng lượng cho một nước như Việt Nam.
Không như điện mặt trời có thể "đánh nhanh rút gọn" trong vòng sáu tháng là có thể phát điện lên lưới, dự án điện gió phức tạp, cần nhiều thời gian và đối diện nhiều rủi ro hơn. Chỉ riêng việc đo gió để lập dự án đã cần tối thiểu 12 tháng. Kinh nghiệm cho thấy thời gian phát triển dự án đến lúc vận hành cần từ ba đến năm năm. Vì lẽ đó, chính sách điện gió cần có tầm nhìn dài hạn và ổn định để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Chẳng hạn ở Đức, nước phát minh ra mô hình giá điện nối lưới (FIT) cho năng lượng tái tạo mà Việt Nam và nhiều nước đang áp dụng, đã thay đổi từ FIT sang đấu thầu cạnh tranh giá điện sau 17 năm áp dụng. Nhờ vậy, Đức hiện có hơn 60.000 MW điện gió và gần 50.000 MW điện mặt trời. Năm ngoái, hai nguồn điện sạch này đóng góp đến một phần ba sản lượng điện năng vào lưới điện nước này. Tại Việt Nam, sản lượng điện gió và mặt trời chưa đến 5% của toàn hệ thống.
Nếu chọn một lĩnh vực đầu tàu để phục hồi kinh tế, kích thích tăng trưởng, tạo công ăn việc làm để tránh những cú sốc của đại dịch, tôi cho rằng điện gió xứng đáng gánh vác vai trò quan trọng này. Trong đó, điện gió ngoài khơi ngoài ưu điểm sản lượng điện cao và ổn định, ít tác động môi trường và xã hội, góp phần giảm đầu tư vào điện than còn có vai trò khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) ước tính tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi Việt Nam có thể đạt 162.200 MW, tức là gấp 2,3 lần quy mô lắp đặt toàn bộ nguồn điện cả nước hiện nay.
Tôi cho rằng Việt Nam cần tham vọng hơn trong kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi. Hồi tháng ba, Đan Mạch đã đề xuất mục tiêu 10.000 MW điện gió ngoài khơi năm 2030 cho Việt Nam, phù hợp với lộ trình mà các nghiên cứu của WB và DEA đã chỉ ra.
Không chỉ thế, với tiềm năng điện gió của mình, Việt Nam còn có thể thu hút các nhà sản xuất thiết bị điện gió đến đầu tư, hình thành chuỗi cung ứng điện gió, đảm nhận luôn vai trò trung tâm dịch vụ logistics, chế tạo, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, tài chính, giáo dục, đào tạo... cho toàn khu vực Đông Nam Á. Với hạ tầng cảng biển và nền tảng năng lực sẵn có về chế tạo, xây lắp các công trình trên biển của Việt Nam, đặc biệt của ngành dầu khí, cũng như quy mô và nhu cầu thị trường hiện nay, mục tiêu đó hoàn toàn trong tầm tay.
Viễn cảnh tốt đẹp đó có thành hiện thực hay không tùy thuộc vào quyết sách của nhà điều hành. Thị trường đang chờ tín hiệu cụ thể, rõ ràng hơn về lộ trình phát triển điện gió.
Điện gió Việt Nam sẽ vươn lên tầm châu Á nếu được nghĩ lớn, nhìn xa, và làm đúng.
Nguyễn Đăng Anh Thi