Người dân châu Á, trong đó có người Việt thường có tư duy xuề xòa trong việc đảm bảo an toàn cho bản thân ở những địa điểm công cộng. Đó là lý do khiến rất nhiều người phản ứng gay gắt trước việc tàu điện Cát Linh - Hà Đông diễn tập không báo trước thời gian qua. Nhiều người vẫn đặt ra lợi ích trước mắt cao hơn tính mạng con người, muốn diễn tập phải có kịch bản trước, thông báo trước để sắp xếp, nhưng như thế còn đâu tính bất ngờ, và ý nghĩa cuộc diễn tập?
Nếu được đóng góp ý kiến, tôi vẫn ủng hộ diễn tập bất ngờ, không báo trước. Thực tế cuộc sống không có rủi do nào được báo trước cả, thế nên bản thân mỗi người cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trước mọi sự cố, đó mới là điều quan trọng nhất. Ngoài ra, chúng ta còn mắc một "căn bệnh" nữa, đó là thói quen coi thường các buổi diễn tập nên chỉ làm cho có, không mấy để tâm. Đến khi gặp sự cố là thật, chúng ta dễ trở nên hỗn loạn, rối trí.
Công ty tôi ở tầng 12 của một tòa nhà cao ốc, cũng hay có các cuộc diễn tập PCCC thường niên. Có lần người ta báo trước, cũng có lần không. Ban đầu, khi nghe tiếng chuông báo cháy, mọi người cũng có phần hoang mang, một vài người chạy đi xem xét, ngó nghiêng bên ngoài. Đến khi phát hiện ra chỉ là diễn tập, hoặc là đội kỹ thuật đang test hệ thống cứu hỏa... ai nấy đều dửng dưng về chỗ ngồi và xem như chẳng có chuyện gì xảy ra. Lâu dần, mọi người hình thành tâm lý chủ quan, nghe tiếng chuông báo cháy mà vẫn "bình chân như vại", chắc mẩm "chuông báo giả ý mà".
Có một lần nọ, tòa nhà xảy ra cháy thật ở tầng dưới, mọi người vẫn thản nhiên như không sau khi nghe tiếng chuông như mọi lần. Mãi đến khi xác định là có khói từ dưới bốc lên, tất cả mới tá hỏa bỏ chạy tán loạn. Một loạt chị em thậm chí thi nhau chui vào thang máy để đi xuống cho nhanh. Lúc đó, tôi phải hét lên "thích chết à mà chui vào đó, ra thang bộ thoát hiểm ngay", nhưng cũng chỉ có vài người làm theo, còn vẫn có người đi xuống bằng thang máy. May mắn là hôm đó chỉ sự cố nhỏ, nên tất cả bình an vô sự.
Đó chính là hệ quả của những buổi diễn tập báo trước và thực hiện cho có, tạo nên tâm lý chủ quan, an toàn ảo cho người dân. Khi con người ta không được đặt vào các tình huống bất ngờ, sát với thực tế nhất, thì sẽ chẳng có bài học nào được rút ra và rồi tất cả sẽ hoàn toàn bị động khi sự cố thực ập tới.
>> 'Tàu Cát Linh - Hà Đông không thể lấy hành khách ra diễn tập'
Tôi đồng ý rằng, phải trang bị lý thuyết trước cho người tham gia diễn tập. Nhưng đó là một câu chuyện khác, nó thuộc về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thường xuyên phổ biến kiến thức xử lý các sự cố khẩn cấp cho người dân, hành khách, nhân viên của mình. Ở đây, câu hỏi đang được nhiều người tranh cãi là diễn tập có nên báo trước hay không? Theo tôi, điều đó còn tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể. Nhưng trên mọi phương diện, việc không báo trước sẽ đảm bảo tính bất ngờ cao hơn, do đó hiệu quả chắc chắn sẽ tốt hơn.
Quay trở lại việc trang bị kiến thức, theo tôi cũng còn tùy đối tượng, tùy môi trường mà có cách thức, cũng như mức độ phổ biến kiến thức ở mức độ chuyên sâu khác nhau. Ví dụ, ở góc độ vận tải hành khách công cộng, đối với nhân viên vận hành, chắc chắn họ phải được đào tạo cực sâu vấn đề này. Nhưng đối với hành khách, chúng ta không thể đào tạo họ kỹ càng như vậy được. Ví dụ như trước các chuyến bay, các hãng luôn có quy trình hướng dẫn an toàn bay và có sách hướng dẫn tại các ghế ngồi cho hành khách chứ không thể bắt tất cả hành khách phải được đào tạo kỹ năng như phi hành đoàn.
Nhìn lại vụ việc tàu điện Cát Linh - Hà Đông diễn tập sự cố không báo trước, bản thân tôi chưa được trực tiếp trải nghiệm nên không biết đơn vị vận hành có thông báo nào về hướng dẫn an toàn hay ứng phó khi có sự cố như trên máy bay hay không? Nếu hành hành khách không được phổ biến những kiến thức đó khi đi tàu, thì rõ ràng đây là một thiếu sót cần phải được bổ sung ngay lập tức. Còn với việc diễn tập bất ngờ, không báo trước, tôi vẫn cho rằng, đó là một điều cần thiết và có giá trị.
Sự việc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông diễn tập sự cố bất ngờ về tín hiệu mà không báo trước, khiến nhiều hành khách hoang mang, lo lắng đang tiếp tục gây nên tranh luận trái chiều. Có người ủng hộ hình thức diễn tập bất ngờ này với mục đích nâng cao kỹ năng xử lý, tích lũy kinh nghiệm đối phó với sự cố thật. Tuy nhiên, số khác lại phản đối khi cho rằng việc làm này không phù hợp, chẳng khác nào bắt người dân phải thực hành trước khi học lý thuyết, dễ dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.
Theo giải thích của đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đủ an toàn để vận hành theo tiêu chuẩn Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn châu Âu thì có những hạng mục vẫn còn nguy cơ mất an toàn và việc diễn tập là do chính nhà tư vấn châu Âu khuyến cáo, trong năm đầu vận hành, đường sắt Cát Linh - Hà Đông nên diễn tập những tình huống có yếu tố bất ngờ về thời điểm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.