Hà Nội vừa xuất hiện"Bệnh nhân 714" có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV ngày 5/8. Trường hợp này từng làm xét nghiệm nhanh hôm 31/7 và có kết quả âm tính. Nói về phương pháp test nhanh Covid, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng việc xét nghiệm nhanh chỉ có tác dụng sàng lọc với tỷ lệ chính xác từ 60% đến 75%, trong số 72.000 người được test nhanh và âm tính "vẫn còn xác suất tồn tại người nhiễm bệnh chưa được phát hiện".
Trước thông tin này, độc giả Oanh Pham bày tỏ sự lo lắng trước tâm lý chủ quan của nhiều người sau khi làm xét nghiệm nhanh: "Nhiều người test lần một, kết quả âm tính sẽ chủ quan nghĩ rằng không nhiễm nCoV. Nên có biện pháp với những ai đã đi test nhanh lần một, phải yêu cầu họ hạn chế đi lại và tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày nữa cho yên tâm. Nếu đi lại tự do, tôi thấy rất hoang mang. Bệnh nhân nào lịch trình đi lại cũng dày đặc".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Tnmarketing01 nhấn mạnh sự lỏng lẻo trong khâu kiểm soát các trường hợp trở về từ Đà Nẵng thời gian qua: "Tôi thấy cơ quan chức năng và người dân có phần chủ quan. Những người từ Đà Nẵng về mà không cách ly gì, ngay cả khi biết dịch đã bùng ở Đà Nẵng mà về vẫn không chịu cách ly, đi lấy mẫu xét nghiệm xong lại về đi lung tung thay vì ở nhà. Cơ quan chức năng cũng không có biện pháp gì cụ thể để bắt họ phải ở nhà. Xét nghiệm âm tính chưa chắc đã là an toàn, đây là một ví dụ".
Đánh giả về tính hiệu quả của phương pháp xét nghiệm nhanh, độc giả Võ Vinh nhận định: "Test nhanh dương tính có nguy cơ, âm tính cũng có nguy cơ. Vậy thì test nhanh để làm gì? Ai đã tiếp xúc với F0, F1 thì cứ chủ động cách ly, đợi xét nghiệm PCR cho chính xác. Không cần vội vàng đi xét nghiệm nhanh làm gì.
Thực tế, nhiều nước bị lây lan mạnh mẽ do chất lượng kit test nhanh không đảm bảo. Âm tính giả khiến cho không khoanh vùng được bệnh nhân (người bị nhiễm Covid-19 nhưng kết quả test nhanh âm tính, và họ được đi lại tự do chứ không bị yêu cầu cách ly)".
Đồng quan điểm, độc giả Nguyen Quang đặt dấu hỏi về hiệu quả của phương pháp xét nghiệm nhanh, đồng thời cảnh báo những lỗ hổng trong kiểm soát dịch bệnh dựa quá nhiều vào phương thức này: "Test nhanh sàng lọc thật sự không hiệu quả và nảy sinh vấn đề chủ quan, các chuyên gia đã khẳng định việc này. Tôi thấy sau khi ồ ạt test nhanh âm tính, nhiều người đi về từ vùng dịch lập tức bỏ cách ly tại nhà, đi làm, đi học, sinh hoạt bình thường, là nguy hiểm. Theo tôi nên hạn chế việc test nhanh này và cho một số trường hợp về từ Đà Nẵng đi xét nghiệm PCR để đánh giá hiệu quả của cách chống dịch này".
Trong khi đó, đề xuất phương thức xét nghiệm PCR theo nhóm thay cho test nhanh để khống chế dịch bệnh, bạn đọc Nguyễn Tuấn việt chia sẻ: "Nên nghiên cứu phương thức xét nghiệm PCR theo nhóm, cụm người (5-10 người một nhóm) có cùng lịch sử từ Đà Nẵng trở về. Nếu nhóm nào bị sẽ xét nghiệm riêng lẻ tìm bệnh nhân đồng thời cách ly tập trung. Làm như vậy sẽ đẩy tiến độ lên nhanh, tránh để dịch lây nhiễm xong rồi mới test. Phương pháp xét nghiệm theo nhóm cũng đã được chứng minh là hiệu quả, số lượng bao nhiêu người, nhóm do cơ quan chuyên môn quyết định sao cho vừa nhanh, chi phí thấp, chính xác và hiệu quả cao".
"Đề nghị Hà Nội xét nghiệm lại toàn bộ những người về từ vùng dịch bằng PCR, không chỉ một lần mà cần xét nghiệm lại một lần nữa sau 14 ngày với những người mới về từ sau 20/7. Đồng thời, Hà Nội cũng cần cân nhắc áp dụng phương pháp trộn mẫu (pool testing) như Đà Nẵng đang làm để tăng tốc xét nghiệm. Đây là phương pháp đã được nhiều nước phát triển áp dụng rộng rãi, Trung Quốc cũng áp dụng để xét nghiệm toàn bộ 10 triệu dân Vũ Hán và cụm dịch Tân Phát Địa", độc giả Tèo bổ sung thêm.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Việt Thành tổng hợp