(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Những ngày qua, nhiều người bị nhiễm Covid-19 có liên quan đến các bệnh nhân đang điều trị, người nhà đã và đang chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế đang làm việc trong bệnh viện. Khả năng lây nhiễm của nCoV dường như không bị giảm trong điều kiện ẩm và ấm nóng.
Trong khi chưa có vaccine phòng bệnh, việc ngăn ngừa và phòng chống là cách hữu hiệu nhất để có thể ngăn chặn, đẩy lùi và dần tiêu diệt dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân và ổn định phát triển kinh tế.
Lây nhiễm chéo trong bệnh viện là sự lây truyền vi khuẩn hoặc virus giữa người với người, từ các dụng cụ, thiết bị y tế sang người bình thường xảy ra trong bệnh viện. Nguy cơ lây nhiễm chéo đáng sợ nhất có thể kể đến khi người bệnh vào bệnh viện mà không được phát hiện, kiểm soát triệt để. Do đó, khi những người này dương tính với nCoV thì người chăm sóc, bệnh nhân cùng phòng và kể cả nhân viên y tế cũng đã bị lây nhiễm bệnh dù chưa có biểu hiện lâm sàng.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như bệnh viện (khu cách ly) hoặc nhân viên y tế bị quá tải, thiếu thốn về dụng cụ bảo hộ, phòng ốc, trang thiết bị y tế trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, dẫn đến các thiết bị dù được khử trùng đúng quy trình nhưng vẫn bị "dính" mầm bệnh khi đưa vào sử dụng do không khí nơi điều trị đã bị nhiễm khuẩn.
Ngoài các nguồn lây nhiễm chéo nói trên thì nguyên nhân khác là do không khí trong các phòng bệnh, đặc biệt là các phòng điều trị bệnh nhân nặng chính là môi trường tồn tại và lây lan nếu chúng ta không cầu thị nhìn nhận và có cách ngăn chặn, đẩy lùi.
Điều này không chỉ là với dịch bênh Covid-19 mà còn đúng với các bệnh truyền nhiễm khác, xảy ra trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, khách sạn và các cơ sở lưu trú, trong công sở, văn phòng làm việc và kể cả trong các gia đình.
Vậy nguyên nhân nào khiến việc "lây nhiễm chéo" nCoV xảy ra mà đối tượng chủ yếu là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người tiếp xúc gần với bệnh nhân? Cần nhìn nhận, đánh giá, truy tìm nguyên nhân để ngăn chặn và hạn chế tái diễn trong tương lai.
>> Vì sao nhiều người được rời Đà Nẵng trước giờ cách ly?
Môi trường không khí tại phòng bệnh, cơ sở lưu trú, cơ quan công sở và gia đình có nguy cơ gây bệnh và lây nhiễm cho người tiếp xúc, người cư ngụ bởi:
Hầu hết các văn phòng, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh hiện nay hầu như không có hệ thống lưu thông không khí chuyên dụng để cung cấp khí tươi đã được làm sạch, hút thán khí để khử khuẩn trước khi xả ra môi trường.
Để ý rằng, hầu hết các phòng có lắp điều hòa không khí ở Việt Nam đều "đóng kín, không có quạt thông gió đối lưu và cung cấp khí tươi để đỡ tốn điện". Dù ngay cả khi môi trường không có mầm bệnh truyền nhiễm thì việc thiếu oxy, nhiều thán khí khiến vi khuẩn, virus gây bệnh và nấm mốc phát triển cũng sẽ gia tăng bệnh đường hô hấp, nguy cơ thiếu oxy gây nhức đầu, mệt mỏi cho người cư ngụ. Không gian kín tiềm ẩn nguyên nhân lưu giữ mầm bệnh và gia tăng khả năng bị nhiễm bệnh cho người tiếp xúc trực tiếp và chủ yếu là người sống trong môi trường đó.
Thực tế, nhiều phòng lắp điều hòa không khí chỉ là quá trình "hút vào, làm mát, thổi ra" không khí hiện có trong phòng. Các cửa đều được đóng kín để "đủ nhiệt độ, đỡ tốn điện, thỉnh thoảng có người mở cửa ra vào là có đủ không khí chứ không có hệ thống hút khí tươi từ môi trường, thổi vào phòng. Việc này khiến mầm bệnh bị lưu giữ và luân hồi gây lây nhiễm chéo với con người, vật dụng có trong phòng, kể cả nhân viên y tế đang làm việc do thiếu hệ thống lọc không khí và khử khuẩn, hệ thống cung cấp khí tươi và sạch.
Mặc dù mặc dù tiêu chuẩn TCVN 4470:2012 (yêu cầu thiết kế hệ thống thông gió - điều hòa không khí) và TCVN 5687:2010 nêu rất rõ: "Tiêu chuẩn Thông gió, điều tiết không khí - Tiêu chuẩn thiết kế" nhưng liệu việc tuân thủ, thực thi và áp dụng khi thiết kế và khi đưa vào sử dụng có được kiểm soát để đảm bảo không khí sạch cần thiết cho các vị trí có nguy cơ lây nhiễm chéo do không khí hay không? Điều này cần xem xét để truy tìm nguyên nhân và ngăn chặn nguồn lây nhiễm hay thói quen "cứ thỉnh thoảng mở cửa là đủ oxy" hay "lắp hệ thống thông gió rất tốn điện và không cần thiết"...
Hãy thử đến các văn phòng, nơi tiếp xúc khách hàng thường xuyên như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không sử dụng mặt bằng rộng và tự nhiên, dễ nhận thấy mùi mồ hôi, thán khí nồng nặc, khó thở khi bước vào. Nhưng nếu khách hàng hé cửa hay mở cửa sổ là nhân viên "đề nghị quý khách không mở cửa vì phòng có lắp điều hòa sẽ tốn điện" mà không hiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh cho chính nhân viên đang làm việc và khách hàng rất cao.
Thế nên, chỉ cần một người bị bệnh truyền nhiễm, kể cả bệnh cúm mà đặc biệt là Covid-19, vẫn có nguy cơ phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh.
>> 'Giãn cách toàn Đà Nẵng là cần thiết'
Biện pháp hạn chế hiện tại và ngăn ngừa lây nhiễm bệnh trong tương lai:
1. Phun thuốc khử khuẩn môi trường sau khi phát hiện có ca nhiễm chỉ có thể tiêu diệt được mầm bệnh bám vào vật dụng, tại môi trường, trong không khí. Nhưng sau đó mầm bệnh từ hơi thở, giọt bắn của người đã nhiễm bệnh nhưng chưa được phát hiện hay cách ly sẽ là nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt trong phòng bệnh và hành lang, nơi tập trung đông người, đặc biệt là các cơ sở khám, chữa bệnh.
2. Thiếu hệ thống thông gió, thổi khí tươi đã được lọc sạch, diệt khuẩn có thể là nguyên nhân khiến mầm bệnh lây lan nhanh và không được tiêu diệt triệt để. Do đó:
- Tại bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh, các phòng bệnh có lắp điều hòa không khí hay phòng luôn đóng kín cửa: Cần kiểm tra và đánh giá lại hệ thống hút khí độc lập và diệt khuẩn trước khi xả ra môi trường. Lắp đặt hệ thống hút, lọc và làm sạch không khí theo tiêu chuẩn quy định, để hạn chế và giảm dần mầm bệnh, nhằm ngăn ngừa lây nhiễm chéo kể cả với đội ngũ nhân viên y tế đang làm việc.
- Tại các cơ sở lưu trú, văn phòng làm việc, phòng ngủ gia đình: phải có quạt thông gió để đối lưu không khí sạch, cung cấp khí tươi và oxy cho người làm việc và cư ngụ.
- Tại nơi tập trung đông người, đặc biệt các quán bar, cơ sở kinh doanh có lắp điều hòa không khí đóng kín cửa: Cần bắt buộc có hệ thống hút khí và thổi khí tươi đã được lọc.
3. Phải xác định nguồn lây bệnh không chỉ tại nơi có bệnh như bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, mà phần lớn là từ cộng đồng là người mắc bệnh có triệu chứng từ mức độ nhẹ đến nặng. Đặc biệt là các trường hợp giấu bệnh, nhập cảnh trái phép đem theo mầm bệnh mà bản thân không có biểu hiện lâm sàng cần phải chặn đứng và xử lý nghiêm minh.
Do đó việc phòng bệnh, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, bùng phát trong từng gia đình, cơ sở kinh doanh, văn phòng làm việc cần phải được cương quyết áp dụng liên tục kể cả khi đã kiềm chế, đẩy lùi được dịch Covid-19. Tình hình dịch có thể phức tạp hơn nếu không cải thiện môi trường, thói quen và ý thức "sức khỏe là vàng" chứ không chỉ là lo "tốn điện" hay "mất công, phức tạp và tăng chi phí xây dựng".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Trương Đức Thắng