Tin tức về những chiến thắng của Taliban bắt đầu xuất hiện khi Kanika Gupta, nữ phóng viên Ấn Độ, đặt chân đến Afghanistan vào tuần cuối cùng của tháng 3. Nhưng tại thời điểm đó, những người Afghanistan vốn đã quá quen với chiến tranh tỏ ra khá lạc quan: "Chừng nào cuộc chiến chưa chạm đến cửa nhà, bạn vẫn an toàn".
Gupta tận hưởng những ngày đầu tại Afghanistan bằng chuyến du lịch đến Gulgundi thuộc huyện Charikhar ở tỉnh Parwan, phía bắc thủ đô Kabul. Thung lũng Gulgundi khoác lên mình sắc tím của hoa tử đinh hương, cùng với hương thơm tạo nên không gian dường như tách biệt với cuộc chiến đang diễn ra.
Người dân tập trung đông đúc khắp nơi ở thung lũng, nhảy múa và ăn mừng lễ hội mùa xuân. Đồng cỏ tràn ngập tiếng cười với các gia đình đi dã ngoại dưới những tán hoa arghawan, trong khi những người đàn ông dồn lực cho cuộc đua diều, nét văn hóa riêng của người Afghanistan.
"Chúng tôi đã trải qua quá nhiều năm chiến tranh, đến mức đôi khi quên mất cách tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, mùa xuân ở Gulgundi giúp chúng tôi không còn nhớ về thời kỳ đó. Năm nào chúng tôi cũng đến đây", một cư dân Kabul đi du lịch cùng vợ và 6 người con cho biết.
Cuộc sống ở những vùng khác dường như cũng yên bình, như ngôi làng Istalif trong khu vực đồng bằng Shomali, phía tây bắc Kabul. Với những ngọn núi bao quanh và nép mình giữa đám cây tươi tốt, Istalif, ngôi làng nổi tiếng nhờ nghệ thuật làm gốm, đang trong quá trình phục hồi sau những tổn hại vào thập niên 1990.
Trong những ngày đầu tháng 4 đầy hy vọng đó, Mir, một cư dân tại làng Istalif, mong muốn đưa nghệ thuật làm gốm đến mọi miền đất nước và xa hơn nữa. Anh đã lên kế hoạch mở triển lãm thương mại ở nước ngoài để trưng bày các tác phẩm của mình. Nhưng chỉ một thông báo đã thay đổi tiến trình lịch sử của Afghanistan trong chớp mắt.
Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan, chấm dứt "cuộc chiến bất tận" của Washington ở nước này. Theo Gupta, một số người Afghanistan tỏ ra vui mừng trước triển vọng không còn lực lượng nước ngoài tại đất nước của họ, nhưng nỗi sợ lại bủa vây những người vẫn chưa thể quên thời kỳ nắm quyền trước đây của Taliban.
Hồi tháng 4, Taliban mới chỉ kiểm soát khoảng 1/6 trong tổng số 421 quận huyện của Afghanistan. Bất chấp giao tranh ngày càng quyết liệt, nhiều người Afghanistan vẫn tiếp tục sống và cố gắng không nghĩ đến điều đó. Quân đội quốc gia cũng tự tin tuyên bố rằng họ có thể đẩy lùi sự trỗi dậy của Taliban.
Tuy nhiên, cú sốc xuất hiện khi lực lượng Mỹ đột ngột rời Bagram, căn cứ quân sự lớn nhất của họ tại Afghanistan. Sau khi thức giấc vào ngày 6/7, các chỉ huy Afghanistan nhận ra những lính Mỹ cuối cùng tại căn cứ đã rời đi trong đêm mà không có bất cứ thông báo nào. Đây cũng là thời điểm Mỹ tuyên bố đã hoàn thành 90% quá trình rút quân trước thời hạn 11/9 mà Tổng thống Biden đặt ra.
Phóng viên Gupta đến Bagram vào ngày 9/7 và mất 5 giờ mới đi hết một phần căn cứ khổng lồ này. Cô nhận thấy dấu vết của một cuộc rút quân vội vàng, như tách cà phê bỏ dở bên bệ cửa sổ, một bàn cờ với ván đấu đang dở dang. Quân đội Mỹ cắt điện tại căn cứ sau khi rời đi, khiến những thùng thực phẩm đông lạnh bốc mùi thối rữa.
Lala Shirin Darwesh Roufi, cựu lãnh đạo huyện Bagram, cho biết nền kinh tế địa phương và quốc gia sẽ chịu tác động nghiêm trọng vì cuộc rút quân của Mỹ. Mặc dù vậy, ông vẫn bày tỏ niềm tin vào sự ổn định an ninh và khả năng thu hút các công ty nước ngoài của Bagram.
Tuy nhiên, Taliban, lực lượng phần lớn là người thuộc sắc tộc Pashtun, đến đầu tháng 8 đã kiểm soát được diện tích đáng kể tại Afghanistan. Những cuộc tiến công từ vùng nông thôn để đánh chiếm các cửa khẩu quan trọng và thủ phủ các tỉnh diễn ra với tốc độ khiến chính phủ Afghanistan và nhiều nhà quan sát quốc tế ngỡ ngàng.
Ngày 6/8, Gupta đến thành phố Kandahar ở phía nam, thành trì của Taliban trong giai đoạn nắm quyền từ năm 1995 đến 2001. Điểm dừng chân đầu tiên của cô là Trại Haji, khu phức hợp thường dùng làm điểm dừng chân cho các tín đồ Hồi giáo hành hương đến Arab Saudi, nhưng giờ đây trở thành chỗ ở tạm thời cho những người đi sơ tán.
"Tôi vội vã chạy bằng đôi giày hỏng và đi bộ dưới cái nắng chói chang cho đến khi không thể bước nổi nữa. Tôi dùng những đồng tiền cuối cùng để bắt taxi đến thành phố Kandahar. Nhà của tôi đã bị phá hủy, cuộc đời tôi cũng vậy. Khi nào thì cuộc xung đột này chấm dứt? Tôi chỉ muốn về nhà", Khuda, người di cư từ tỉnh Helmand, cho biết.
Một buổi tối, khi Gupta chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, giao tranh nổ ra ở Kandahar. Hàng loạt tiếng súng và bom nổ rền rĩ suốt 6 giờ tiếp theo. Sáng hôm sau, Gupta vội vã đến sân bay Kandahar ngay khi có thể, nhưng mọi chuyến bay đều bị đình chỉ vì rocket đã phá hủy đường băng. Sau khi cố gắng xin sự trợ giúp từ nhân viên sân bay, nữ phóng viên được đưa lên chuyến bay đến Kabul vào ngày tiếp theo.
Taliban giành quyền kiểm soát Kandahar, thành phố lớn thứ hai tại Afghanistan, sau những cuộc đụng độ dữ dội đêm 12/8. Cùng ngày, thành phố lớn thứ ba là Herat cũng thất thủ. Việc đánh mất hai đô thị lớn được cho là đòn giáng nặng nề đối với chính phủ Afghanistan và tinh thần của họ.
Tối 14/8, Gupta gọi điện cho Obaidullah Baheer, giảng viên nghiên cứu về hòa bình và xung đột tại Đại học Mỹ ở Afghanistan. Baheer cho biết tình hình chuyển biến nhanh hơn nhiều so với dự đoán của anh và phần lớn chuyên gia. Giới chuyên gia thậm chí bị một số người chế giễu vì từng nhận định chính phủ Afghanistan sẽ sụp đổ trong vòng ít nhất từ 6 tháng đến một năm.
Chỉ một ngày sau, Taliban tiến vào thủ đô Kabul mà không gặp phải sự kháng cự nào từ quân đội chính phủ, trong khi Tổng thống Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước. Tâm trạng lo lắng và bất định bao trùm thành phố, với nhiều người tìm cách di cư ra nước ngoài.
Nỗi căng thẳng khiến Gupta mất ăn mất ngủ và cuối cùng quyết định rời Afghanistan. Chiều 16/8, cô được trao một ghế trên chuyến bay sơ tán do chính phủ Ấn Độ sắp xếp đến New Delhi.
Một ngày sau, Taliban tổ chức cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi giành quyền kiểm soát hầu hết Afghanistan, tuyên bố "hận thù đã chấm dứt" và không muốn có bất kỳ kẻ thù nào, ân xá cho toàn bộ quan chức chính phủ, cam kết đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và kêu gọi người dân ở lại.
"Tôi đã đến một đất nước có tên Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan và rời khỏi Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, quốc gia chưa được thế giới bên ngoài công nhận", Gupta nói.
Ánh Ngọc (Theo Nikkei)