Ban lãnh đạo Taliban đã tham gia các cuộc họp với giới chức Liên Hợp Quốc, những người tháng trước đảm bảo chương trình viện trợ Afghanistan sẽ được duy trì. Tuy nhiên, khi Taliban đề nghị cho phép đặc phái viên của họ phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, yêu cầu này bị từ chối.
Hôm 5/10, Taliban hội đàm với Simon Gass, đại diện cấp cao tại Afghanistan của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Hai bên thảo luận về cách Anh có thể giúp Afghanistan giải quyết khủng hoảng nhân đạo, nhu cầu rời Afghanistan của công dân Anh và vấn đề quyền phụ nữ.
Các lãnh đạo Taliban cũng tham gia những buổi tiếp nhận viện trợ từ Qatar, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Pakistan và Uzbekistan tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul. Tuy nhiên, chưa quốc gia nào trong số này công nhận Taliban là bên cầm quyền hợp pháp tại Afghanistan.
Được công nhận là điều rất quan trọng, không chỉ liên quan đến tính hợp pháp của Taliban, mà còn bởi Afghanistan ngày càng chật vật sau khi Mỹ, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế không cho nước này tiếp cận hơn 9,5 tỷ USD tài sản ở nước ngoài.
Thế cô lập về ngoại giao của Taliban hiện nay trái ngược với 10 năm qua, khi nhóm này tiến hành những chuyến đi khắp khu vực trong nỗ lực đàm phán hòa bình với chính quyền Mỹ. Kể từ khi đến thủ đô Doha của Qatar vào năm 2011, Taliban đã tổ chức nhiều cuộc hội đàm trực tiếp và gián tiếp với đại diện từ những quốc gia khác nhau.
Những nỗ lực đó được đẩy mạnh trong hai năm qua, khi Taliban tiến hành các chuyến thăm chính thức Uzbekistan, Iran, Nga, Turkmenistan, Trung Quốc và Pakistan. Các chuyến thăm khi đó được gọi là "tour thế giới của Taliban". Nhưng giờ đây, ngay cả những nước từng hào hứng thông báo về chuyến thăm của Taliban cũng đưa ra quan điểm cứng rắn, thậm chí chỉ trích gay gắt nhóm này.
Janan Mosazai, cựu đại sứ Afghanistan tại Trung Quốc và Pakistan, giải thích rằng thời điểm các nước liên hệ với Taliban trước đây rất khác so với hiện nay. Theo ông, những động thái của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, như kế hoạch rút bớt lính Mỹ khỏi Afghanistan, từng khiến những nước khác nghiêm túc cân nhắc thiết lập quan hệ với Taliban từ hồi năm 2011.
"Các quốc gia tại khu vực nghĩ rằng Mỹ đang rời khỏi Afghanistan, nên buộc phải nghiêm túc xem xét một trong những lực lượng chính trong cuộc chiến tại đây", Mosazai cho biết, nói thêm rằng Iran, Nga và Trung Quốc bắt đầu liên hệ với Taliban vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Obama.
Các nguồn tin cũng tiết lộ vào thời điểm đó, giới chức tại khu vực và các nước phương Tây đã thiết lập quan hệ trực tiếp và gián tiếp với Taliban, ngay sau khi họ đến Qatar. Mosazai cho biết Taliban từng được mời đến Bắc Kinh và được trải nghiệm chuyến thăm quan tàu cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải.
Cựu đại sứ Afghanistan đánh giá bằng cách công khai những cuộc gặp với Taliban, các nước, đặc biệt là Trung Quốc, muốn gửi đi thông điệp vô cùng rõ ràng rằng người Mỹ đã bị gạt ra ngoài và "Taliban là một phần thực tế tại Afghanistan".
Kể từ khi tiếp quản đất nước hồi giữa tháng 8, ban lãnh đạo Taliban đưa ra giọng điệu ôn hòa hơn, thường đề cập đến tự do báo chí, quyền lợi của phụ nữ và ban lệnh ân xá.
Tuy nhiên, nhiều nhóm nhân quyền và dân Afghanistan cho biết các thành viên Taliban vẫn giữ thái độ thù địch, gây hấn với người dân. Vài tuần gần đây, họ bị cáo buộc bắt và tra tấn các nhà báo, sát hại và hành hung người biểu tình trên khắp các thành phố lớn của Afghanistan.
Những động thái này được cho là đã ảnh hưởng đến lập trường của nhiều nước đối với Taliban.
Tương tự Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từng đón tiếp Taliban tại một số cuộc đàm phán hòa bình, nhưng giờ đây cho biết họ sẽ không công nhận chính phủ của Taliban đến khi nhóm này thực hiện cam kết thành lập một chính quyền "toàn diện, đa dạng". Trung Quốc, nước đã viện trợ khẩn cấp Afghanistan hàng chục triệu USD, cũng chưa công nhận chính phủ do Taliban dẫn dắt.
Nhà phân tích Sabawoon Samim tại Kabul cho biết Taliban muốn thiết lập quan hệ vững chắc với các nước khác, bao gồm cả Mỹ, để nhận viện trợ từ họ. Trong giai đoạn nắm quyền từ năm 1996 đến 2001, Taliban không đủ năng lực hỗ trợ hàng triệu người Afghanistan chật vật vì hạn hán, đói kém và thiên tai do thiếu quan hệ ngoại giao với các nhà tài trợ lớn và Liên Hợp Quốc. Theo Samim, Taliban không muốn quay lại thời kỳ đó.
Điều này dường như được thể hiện trong tuyên bố Taliban đưa ra sau cuộc gặp với các đại diện của Anh. Họ mở đầu bằng cách đề cập đến việc bình thường hóa quan hệ với mọi quốc gia, rồi nêu vấn đề tài chính. "Đổi lại, chúng tôi muốn cộng đồng quốc tế trả lại tiền của Afghanistan cho đất nước chúng tôi", tuyên bố có đoạn.
Tuy nhiên, viễn cảnh bình thường hóa quan hệ với các nước dường như vẫn xa vời. Italy và Pháp đã tuyên bố sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Taliban. Tháng trước, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cáo buộc Taliban "dối trá" và cho biết Paris "từ chối công nhận, hoặc thiết lập bất cứ kiểu quan hệ nào với chính quyền này", trừ khi nhóm thực hiện lời hứa của mình.
Trong cuộc phỏng vấn trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại Rome, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho hay toàn bộ G20 "phải nêu thông điệp thật rõ ràng, rằng chúng tôi sẽ đặt ra các điều kiện để công nhận Taliban". Những điều kiện Macron mô tả được cho là tương tự quan điểm nhiều lãnh đạo thế giới khác từng đề cập kể từ khi Taliban lên nắm quyền.
"Tôi tin rằng Taliban cần phải có những hành động để đổi lấy sự công nhận từ cộng đồng quốc tế. Phẩm giá của phụ nữ Afghanistan và quyền bình đẳng nam nữ nên trở thành một trong những điểm mà chúng ta cần nhấn mạnh", Macron cho biết hôm 5/10.
Ánh Ngọc (Theo Al Jazeera)