Ước tính 40% trong số hơn 120.000 người được Mỹ và đồng minh sơ tán từ thủ đô Kabul của Afghanistan đã dừng chân tại căn cứ không quân Al-Udeid của Qatar, trước khi bay sang quốc gia thứ ba.
Chính phủ Qatar cũng đã sơ tán 1.500 người theo đề nghị của các tổ chức quốc tế, đồng thời giúp đảm bảo lộ trình an toàn đến sân bay Kabul cho 3.000 người. Đại sứ Qatar tại Afghanistan thậm chí trực tiếp hộ tống công dân Mỹ và những nước khác đến nơi an toàn, khiến một số thượng nghị sĩ Mỹ viết thư cảm ơn Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani.
Nhiều hành động khác của Qatar trong nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng tại Afghanistan cũng được ca ngợi, bao gồm xây bệnh viện dã chiến khẩn cấp, nơi tạm trú, phòng vệ sinh, phân phát hàng chục nghìn suất ăn mỗi ngày cho người sơ tán, đồng thời cung cấp các chuyến bay từ hãng hàng không quốc gia Qatar Airways để hỗ trợ di chuyển. Sau khi chấm dứt hiện diện ngoại giao tại Kabul, Mỹ đã chuyển phái bộ sang thủ đô Doha của Qatar.
Đây được cho là một nỗ lực lớn từ quốc gia nhỏ bé có diện dích chỉ tương đương hạt Los Angeles của Mỹ. Tuy nhiên, giới quan sát cho hay Qatar từ lâu đã ấp ủ mong muốn trở thành nước trung gian hòa giải các vấn đề quốc tế.
Mục tiêu này được thúc đẩy một cách nghiêm túc từ năm 1995, khi Hamad bin Khalifa Al Thani, phụ thân của Quốc vương Qatar hiện nay, lên ngôi. Bản hiến pháp được thông qua năm 2003 càng củng cố thêm trọng tâm trở thành nước hòa giải, khi nhấn mạnh chính sách đối ngoại của Qatar "dựa trên nguyên tắc tăng cường hòa bình và an ninh quốc tế, bằng cách khuyến khích giải quyết hòa bình các bất đồng quốc tế".
Qatar vốn đóng vai trò chủ chốt trong các sự kiện trước chiến dịch sơ tán tại Afghanistan, bao gồm việc Taliban mở văn phòng chính trị ở Doha năm 2013. Qatar sau đó chủ trì và làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Washington và Taliban, dẫn đến thỏa thuận hòa bình được ký hồi tháng 2/2020 giữa chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và lực lượng này nhằm chấm dứt cuộc chiến 20 năm của Mỹ tại Afghanistan.
David Roberts, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu An ninh thuộc Đại học King của Anh, tỏ ra nghi ngờ vai trò trung gian của Qatar. "Chúng ta biết rất ít về đóng góp thực tế của Qatar. Gần đây dường như họ đã đóng vai trò tích cực hơn, nhưng không rõ là chừng nào", ông nhận định, nói thêm rằng tất cả nỗ lực của Qatar "hoàn toàn nhằm tạo dựng vai trò là một đối tác hữu ích với Mỹ".
Roberts còn chỉ ra rằng sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab, tính trung lập tương đối, lợi thế nổi bật của Qatar, đã không còn khi họ thể hiện sự ủng hộ phần lớn người Hồi giáo và khó có thể lấy lại uy tín. Năm 2017, Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain đã áp đặt cấm vận với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ các nhóm Hồi giáo và khủng bố, bao gồm al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tuy nhiên, Roberts nhận định Qatar "vẫn có thể mở rộng phạm vi hòa giải". "Tôi nghĩ điều này thực sự có khả năng và họ sẽ tích cực theo đuổi mục tiêu đó", ông nói. Nhiều chuyên gia khác cũng đánh giá sự hỗ trợ của Doha sẽ trở thành yếu tố quan trọng với tình hình Afghanistan trong tương lai.
Giáo sư Abdullah Baabood, chuyên gia về nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Waseda của Nhật Bản, cho rằng Qatar đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì đối thoại tại Afghanistan giữa bối cảnh đầy biến động, và nỗ lực hỗ trợ sơ tán của họ cũng đáng được hoan nghênh.
"Qatar đã chứng minh rằng họ là đối tác hữu ích. Điều này chắc chắn sẽ giúp nâng cao vai trò và vị thế của nước này như một bên hòa giải đáng tin cậy, có tầm ảnh hưởng và đủ khả năng làm trung gian", Baabood nêu quan điểm, nói thêm rằng nỗ lực hòa giải cũng mang lại nhiều lợi ích cho Qatar, đặc biệt sau khi bị 4 nước Arab cô lập.
"Nỗ lực hòa giải và quyền lực mềm của Qatar đóng vai trò quan trọng trong việc giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn trong thời kỳ bị cấm vận, giảm thiểu các tác động tiêu cực tổng thể. Chiến lược này, cùng sức ép quốc tế với 4 nước Arab, cuối cùng cũng dẫn đến chấm dứt cấm vận trong năm nay", Baabood cho hay.
Về khả năng Qatar trở thành cầu nối giữa Taliban với thế giới, Roberts đánh giá đây là một "ẩn số lớn". "Chúng ta thực sự không biết nhiều về hoạt động hòa giải của Qatar với Taliban, hay tình trạng quan hệ giữa hai bên và những vấn đề khác. Đúng là Qatar đã đóng vai trò tích cực hơn thay vì chỉ đơn thuần là địa điểm đàm phán, nhưng đến mức nào thì tôi không chắc", phó giáo sư cho hay.
Trong khi đó, các chuyên gia khác cho rằng cách Taliban điều hành Afghanistan sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng này. "Tới nay, Qatar dường như là cầu nối hiệu quả giữa Taliban và cộng đồng quốc tế, nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách lực lượng này tiến hành các chính sách trong tương lai. Chỉ có thời gian mới trả lời được rằng liệu Taliban có được quốc tế công nhận hay không", Baabood đánh giá.
Roberts cho biết một ẩn số khác là tính đoàn kết của Taliban, đặc biệt là khả năng tạo dựng sự nhất trí giữa các phe phái trong nhóm, bất kể ai là bên trung gian. Ông còn cảnh báo Qatar cẩn thận, không nên quá đề cao tầm ảnh hưởng của họ với Taliban. Tuy nhiên, Roberts hy vọng Qatar sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng và thực tế, góp phần quan trọng vào tiến trình hòa giải tại Afghanistan.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)