"Tình hình kinh tế và lợi ích quốc gia đòi hỏi tất cả người dân Afghanistan phải sử dụng đồng tiền nội địa trong mọi giao dịch", Zabiullah Mujahid, phát ngôn viên chính quyền Taliban, hôm 2/11 thông báo.
Ông cảnh báo chính quyền sẽ truy tố bất kỳ ai sử dụng ngoại tệ để kinh doanh trong nước. "Tiểu vương quốc Hồi giáo sẽ hướng dẫn mọi công dân, chủ cửa hàng, thương nhân, doanh nhân và công chúng thực hiện giao dịch tại Afghanistan và nghiêm cấm sử dụng ngoại tệ", Mujahid nói.
Lệnh cấm của Taliban được cho là có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới nền kinh tế vốn suy yếu của Afghanistan. Ngân hàng thiếu tiền mặt, nhiều giao dịch trong nước được thực hiện bằng đồng USD. Tại những khu vực gần tuyến thương mại biên giới phía nam, người dân sử dụng đồng rupee của Pakistan.
Trong hai thập kỷ kể từ khi Mỹ can thiệp quân sự năm 2001, Afghanistan xây dựng nền kinh tế chủ yếu dựa vào viện trợ nước ngoài và thương mại quốc tế.
Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8, nền kinh tế nước này tiến tới bờ vực sụp đổ, khi gần 10 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương gửi ở Mỹ bị chính quyền Tổng thống Joe Biden đóng băng. Các nguồn viện trợ, vốn chiếm 45% GDP và tài trợ 75% chi tiêu nhà nước, cũng bị cắt khi cộng đồng quốc tế chưa công nhận chính quyền Taliban. Năm 2019, tổng chi tiêu của chính phủ Afghanistan lên tới gần 11 tỷ USD.
Taliban, phong trào vũ trang vốn hình thành và phát triển từ vùng nông thôn, đang vật lộn tìm cách điều hành nền kinh tế. Chính quyền mới đang củng cố mối quan hệ với các doanh nhân địa phương để duy trì hoạt động của họ, đồng thời nỗ lực ngoại giao để được cộng đồng quốc tế công nhận. Với nạn hạn hán đang diễn ra, Liên Hợp Quốc dự đoán 95% dân số Afghanistan sẽ bị đói và 97% dân số nguy cơ sống dưới mức nghèo khổ.
Hồng Hạnh (Theo AFP)