4 cựu công chức chính quyền cũ Afghanistan hôm 18/10 cho biết Taliban đã yêu cầu những người từng làm việc trong Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương và các ngân hàng quốc doanh khác trở lại làm việc. Ba quan chức Taliban cũng xác nhận thông tin này.
"Họ nói 'Chúng tôi không phải chuyên gia kinh tế, còn các anh biết điều gì tốt hơn cho đất nước và cách chúng ta có thể tồn tại dưới những thách thức này'", một cựu công chức Ngân hàng Nhà nước Afghanistan cho hay.
Taliban cho phép các cựu công chức này "làm tất cả những gì cần thiết", nhưng cũng cảnh báo rằng "Thượng đế đang dõi theo các anh và các anh phải chịu trách nhiệm với những gì mình làm vào Ngày Phán xét".
Các cựu công chức này hiện cố vấn cho lãnh đạo Taliban phải làm gì và làm như thế nào với nền tài chính đang bị tê liệt. Tuy nhiên, những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm này thừa nhận họ không thấy lối thoát để Afghanistan thoát khỏi vũng lầy kinh tế khi hàng tỷ USD viện trợ quốc tế bị đóng băng.
Những gì họ có thể trông cậy hiện nay là nguồn thu nội địa 500-700 triệu USD của Taliban, vốn không đủ để trả lương cho khu vực công hoặc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ cơ bản.
Trong hai thập kỷ kể từ khi Mỹ can thiệp quân sự năm 2001, Afghanistan xây dựng nền kinh tế trị giá hàng tỷ USD chủ yếu dựa vào viện trợ nước ngoài và thương mại quốc tế.
Sau khi Taliban tái kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8, nền kinh tế nước này tiến tới bờ vực sụp đổ, khi gần 10 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương gửi ở Mỹ bị chính quyền Tổng thống Joe Biden đóng băng. Các nguồn viện trợ, vốn chiếm 45% GDP và tài trợ 75% chi tiêu nhà nước, cũng bị cắt khi cộng đồng quốc tế chưa công nhận chế độ Taliban cầm quyền. Năm 2019, tổng chi tiêu của chính phủ Afghanistan lên tới gần 11 tỷ USD.
Taliban, phong trào vũ trang vốn hình thành và phát triển từ vùng nông thôn, đang phải vật lộn để tìm cách điều hành nền kinh tế, vấn đề họ vốn không quen thuộc. Chính quyền mới đang củng cố mối quan hệ với các doanh nhân địa phương để duy trì hoạt động của họ, đồng thời tiến hành các nỗ lực ngoại giao để được cộng đồng quốc tế công nhận.
Với nạn hạn hán đang diễn ra, Liên Hợp Quốc dự đoán 95% dân số Afghanistan sẽ bị đói và 97% dân số nguy cơ sống dưới mức nghèo khổ.
Tại Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Afghanistan, các cuộc họp gần như hàng ngày của Taliban chỉ xoay quanh việc mua sắm các mặt hàng cơ bản như bột mì để chống đói, tập trung thu thuế và tìm nguồn thu trong bối cảnh hàng gia dụng đang thiếu hụt nghiêm trọng. Ở Afghanistan, tất cả nhiên liệu, 80% điện và 40% lúa mì đều được nhập khẩu.
Nhiều người đang ngày càng bực tức với sự lãnh đạo của Taliban. "Chúng ta từng có nền kinh tế lưu thông 9 tỷ USD, còn bây giờ không đến một tỷ", một cựu quan chức Bộ Tài chính nói, nhưng nhanh chóng hiểu lý do. "Tại sao tôi lại mong đợi họ hiểu chính sách tiền tệ quốc tế nhỉ? Họ chỉ là những chiến binh trước giờ chỉ biết đánh nhau".
Các công chức chính quyền cũ trở lại làm việc cho biết Taliban tỏ ra thực tâm muốn diệt trừ tận gốc tham nhũng và mang đến sự minh bạch. Taliban giữ kín việc còn bao nhiêu tiền mặt trong kho bạc nhà nước, nhưng cựu quan chức Bộ Tài chính và ngân hàng ước tính con số này có thể chỉ còn 160-350 triệu USD.
"Họ rất chân thành với đất nước, muốn vực dậy tinh thần và tạo mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng", một cựu quan chức ngân hàng cho biết. "Nhưng họ không có chuyên môn về các vấn đề tài chính ngân hàng. Đó là lý do họ yêu cầu chúng tôi trở lại và làm việc một cách trung thực".
Huyền Lê (Theo AP)