Khi chính quyền Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn sụp đổ giữa tháng 8, Taliban đã kịp thời lấp khoảng trống an ninh đối thủ để lại ở Kabul và những thành phố khác. Kịch bản Afghanistan chìm trong hỗn loạn và vô chính phủ kéo dài được ngăn chặn.
"Chúng tôi đã có chính quyền hoàn thiện từ trước khi kiểm soát Kabul", Maulavi Zubair Mutmaen, lãnh đạo cảnh sát quận 9 của thủ đô Afghanistan, mỉm cười đắc thắng.
Mutmaen là "nhà hành pháp" quyền lực hàng đầu Kabul, khi nắm trong tay cảnh sát quận 9, đơn vị cảnh sát đông đảo nhất cả nước. Ông từng là thành viên ủy ban quân sự Taliban hoạt động ngầm ở thủ đô Afghanistan dưới thời chính quyền cũ.
Ngoài ủy ban quân sự của Mutmaen, Taliban còn nhiều ủy ban hoạt động ngầm khác phụ trách tòa án, nhà giam và những mảng khác của một chính quyền hoàn thiện trước khi nắm quyền kiểm soát Kabul và toàn bộ Afghanistan.
Sau khi tiếp quản Kabul ngày 15/8, các chiến binh tóc dài và để râu theo truyền thống Hồi giáo được bố trí khắp thành phố, trực ở chốt kiểm soát an ninh, vây bắt những kẻ vi phạm pháp luật, ngăn hỗn loạn xảy ra. Chỉ huy đồn cảnh sát quận, phần lớn là các thủ lĩnh trong mạng lưới quân sự Haqqani có quan hệ với al-Qaeda, chịu trách nhiệm giải quyết những tranh chấp của dân địa phương.
Tuy nhiên, nỗ lực hành pháp của Taliban chứa đựng những yếu tố gây lo ngại. Thẩm phán các tòa án cộng đồng của Taliban là những học giả tôn giáo sử dụng luật Hồi giáo Sharia và phong tục từng được áp dụng ở vùng nông thôn để "cầm cân nảy mực", phân xử mọi tranh chấp về tiền bạc, đất đai, gia đình cho người dân.
Phán quyết luôn được các thẩm phán đưa ra một cách không chính thức. Người bị tuyên có tội hầu như không có luật sư biện hộ. Chỉ cần bị nghi ngờ phạm tội, một người có thể lập tức bị tống vào tù, chờ ngày Taliban thành lập hệ thống tòa án chính thức.
Trong nhà tù Pul-e-Charkhi ở Kabul, không ít phạm nhân ca thán bị tống giam với cáo buộc tùy tiện. Họ cảm thấy Taliban đang duy trì trật tự bằng "bàn tay sắt" không khác mấy giai đoạn họ cầm quyền vào thập niên 1990.
Haji Hussein, một tài xế taxi ở Kabul, nói mình vào tù vì chở hai hành khách say xỉn. Lính Taliban chặn ông ở chốt kiểm soát, đánh đập nặng tay trước khi tống ông vào buồng giam. Timur Shah, một phạm nhân khác, cho hay ông bị Taliban bắt để thế chỗ cho con trai, sau khi anh này giết người rồi bỏ trốn.
Quan chức Taliban phụ trách nhà giam Qari Zaki thừa nhận cách thi hành pháp luật của lực lượng đang gây tranh cãi. Tuy nhiên, ông khẳng định những quyết định bắt người mà Taliban đưa ra đều có căn cứ.
"Chẳng ai thừa nhận tội ác của mình cả, ai cũng kêu họ vô tội. Họ bị người khác tố cáo thì chúng tôi mới bắt", ông cười nói khi đề cập đến những lời ca thán của tù nhân.
Các chỉ huy cảnh sát lẫn chiến binh Taliban đều công khai kêu gọi lãnh đạo lực lượng khôi phục hệ thống xử phạt hà khắc từng được áp dụng trong giai đoạn 1996-2001 nhằm răn đe tội phạm. Ở thành phố Herat phía tây Afghanistan, các chiến binh Hồi giáo đã xử tử một nhóm bắt cóc rồi treo thi thể lên máy xúc để thị chúng. Những vụ phạt đánh roi giữa phố diễn ra ngày càng nhiều hơn.
Ở Kabul, các thành viên Taliban vẫn áp dụng kiểu phạt thị chúng gây tranh cãi. Nghi phạm trộm cướp bị bôi đen mặt bằng dầu nhớt và đem diễu phố. Kẻ buôn ma túy bị nhét ma túy vào miệng, bị chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội làm gương.
Qari Mohammed Ashraf, 43 tuổi, chỉ huy đơn vị cảnh sát quận 12 của Kabul, nhấn mạnh việc xử phạt thị chúng là cần thiết để răn đe người dân. Lính của Ashraf đã bắt và trừng trị kẻ buôn ma túy nói trên. "Nếu tòa án phán quyết chặt tay kẻ trộm, chúng tôi sẽ hưởng ứng", ông khẳng định.
Mutmaen, chỉ huy cảnh sát quận 9, tự tin Taliban sau một thời gian sẽ "đưa người dân trở về với cuộc sống bình thường". Theo ông, người dân thành thị Afghanistan đã quen với suy nghĩ "dùng đồ uống có cồn là dân chủ, thông dâm là dân chủ và ai cũng có quyền cướp của, bắt cóc dưới chế độ cũ".
Quan chức cảnh sát Taliban Murtaza Ahmadzai có cùng suy nghĩ. Ông nhấn mạnh Taliban có tổ chức tình báo riêng, lực lượng đang hỗ trợ đội của ông săn lùng một trùm tội phạm giữa đêm. Tình báo Taliban có công nghệ truy vết và định vị nghi phạm dựa trên tín hiệu điện thoại di động.
Phần lớn người dân Afghanistan hoan nghênh việc Taliban đảm bảo an ninh cho khu vực thành thị. Dưới chính quyền cũ, nạn cướp của, bắt cóc và một số tội phạm khác ngang nhiên lộng hành giữa Kabul vì cảnh sát và quan chức địa phương ngó lơ sau khi nhận hối lộ. Với các chiến dịch truy bắt tội phạm được Taliban tiến hành, người dân thủ đô cảm thấy tình hình ban đêm không còn nguy hiểm như trước.
"Bạn có thể hỏi bất kỳ ai xem tình hình an ninh hiện nay tuyệt vời đến mức nào. Dưới chính quyền cũ, mọi cửa hàng giờ này đã đóng cửa", ông chia sẻ.
Trong giai đoạn cầm quyền đầu tiên vào thập niên 1990, yếu tố giúp Taliban giành được ủng hộ của người dân Afghanistan là trật tự. Cách thi hành pháp luật hà khắc của lực lượng này đã cải thiện đáng kể tình hình an ninh cho người dân, vốn phải sống trong lo sợ suốt nhiều năm bởi đụng độ phe phái liên miên.
Giờ đây, sau khi Taliban quay lại nắm quyền, an ninh xã hội một lần nữa trở thành đòn bẩy lớn nhất cho tính chính danh của họ. Đây đồng thời là yếu tố thuyết phục các cường quốc, tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài rằng Taliban đã thay đổi và đủ khả năng điều hành một chính phủ pháp quyền.
"Phục vụ nhân dân và giải quyết khó khăn của nhân dân là phép thử lớn nhất từ Thượng đế", Ibrahim Haideri, một cảnh sát Taliban vừa bắt hai người bán thị thực giả sang Tajikistan, chia sẻ.
Maulavi Zubair Mutmaen thừa nhận vẫn có một số trường hợp chiến binh Taliban lạm quyền và tự ý hành động trái với chủ trương của lãnh đạo. Ông cho biết vài thành viên lực lượng cảnh sát bị chuyển công tác vì hạ nhục công khai người bị tình nghi phạm tội. Mutmaen nhấn mạnh đây là những trường hợp cá biệt và sai phạm xuất phát từ quyết định cá nhân.
Theo chỉ huy cảnh sát quận 9 Kabul, những nhà cầm quyền mới của Afghanistan còn vấn đề cấp bách hơn cần giải quyết. Trật tự và an ninh do họ thiết lập hơn hai tháng qua đang bị đe dọa bởi kẻ thù không đội trời chung: Phiến quân IS-K, chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoạt động chủ yếu tại tỉnh Khorasan.
Taliban đến nay vẫn chưa thể xóa sổ được IS-K. Trong hai tháng qua, nhóm khủng bố này tổ chức hàng loạt vụ tấn công nhằm vào khu vực do Taliban quản lý, trong đó có hai vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo ở Kandahar và Kunduz khiến hàng chục người thiệt mạng. Kinh nghiệm lẫn năng lực chống khủng bố của Taliban đang bị đặt dấu hỏi, dù chiến thuật đánh bom tự sát mà đối thủ sử dụng đã rất quen thuộc với họ.
Giới chỉ huy cảnh sát Taliban cho biết đang tìm cách xóa sổ hang ổ bí mật của IS-K ở Kabul. Từ tháng 8, một chỉ huy cấp cao tuyên bố lực lượng đang tổ chức thu thập thông tin tình báo như giám sát cuộc gọi, email và một số hình thức liên lạc khác trong khu vực nhằm đối phó IS-K.
Tuy nhiên, hợp tác giữa các đơn vị cảnh sát cấp quận tại Kabul vẫn thiếu hiệu quả. Những chiến binh Taliban quy tụ về thủ đô Afghanistan đến từ nhiều khu vực khác nhau trên khắp đất nước, thường chỉ tuân lệnh chỉ huy trực tiếp của họ đến từ cùng khu vực.
Mạng lưới an ninh phân mảnh của Taliban để lộ nhiều lỗ hổng cho IS-K khai thác và tấn công bất ngờ. Tâm lý từ chối chấp nhận điểm yếu của lực lượng mới lên nắm quyền càng khiến nỗ lực chống khủng bố thêm khó khăn.
Ashraf, chỉ huy cảnh sát quận 12 Kabul, lặp lại tuyên bố của giới lãnh đạo Taliban rằng IS-K không phải mối đe dọa đáng kể với chính quyền mới. Mutmaen cũng tự tin nguy hiểm từ IS đã suy giảm. Nhưng chỉ 5 ngày sau, IS-K tiến hành vụ đánh bom đẫm máu ngoài nhà thờ ở Kabul, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, ngay tại lễ tang mẹ của bộ trưởng thông tin trong chính quyền lâm thời Taliban.
Trung Nhân (Theo Washington Post)